Việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là đòn giáng mạnh với Moskva, bởi nó cho thấy một liên minh ngày càng đoàn kết và mở rộng ứng phó Nga sau xung đột Ukraine. |
Tổng thống và Thủ tướng Phần Lan ngày 15/5/2022 thông báo nước này sẽ nộp đơn gia nhập NATO, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử. "Tổng thống và Ủy ban Chính sách Đối ngoại của chính phủ hôm nay đồng ý rằng Phần Lan sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội. Đây là một ngày lịch sử, một kỷ nguyên mới đang mở ra", Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin nói trong tuyên bố chung.
Ngay sau khi Phần Lan xác nhận gia nhập NATO, Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển cũng tuyên bố ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, thay đổi quan điểm phản đối hàng chục năm qua.
"Ban lãnh đạo đảng đã quyết định trong cuộc họp ngày 15/5 rằng sẽ hành động để hướng tới việc Thụy Điển xin gia nhập NATO", đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền Thụy Điển tuyên bố. Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cùng ngày thông báo: "Điều tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển là chúng tôi sẽ đăng ký xin gia nhập ngay bây giờ và sẽ làm điều đó cùng Phần Lan".
Theo Reuters, 2 quốc gia Bắc Âu dự kiến cùng nộp đơn gia nhập NATO trong tuần này. Trước khi quyết định xin gia nhập NATO, Phần Lan đã duy trì chính sách không tham gia liên minh quân sự 75 năm trong khi Thụy Điển thực hiện chính sách này 20 năm.
Về phía NATO, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói nước này đã chuẩn bị mọi thứ để nhanh chóng phê duyệt đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, đồng thời kêu gọi liên minh quân sự cung cấp đảm bảo an ninh cho 2 nước Bắc Âu trong khi đợi phê chuẩn tư cách thành viên.
Thiết giáp XA-203 của Phần Lan tham gia diễn tập Trident Juncture của NATO tại Na Uy tháng 10/2018. Ảnh: BQP Phần Lan. |
Tăng sức ép lên Nga
Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả 2 khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan chuyển dần trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995. Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU năm 1995 và tăng hợp tác với NATO. Nước này đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 20 năm qua.
Nga có chung đường biên giới trên bộ dài hơn 1.200 km với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập liên minh đồng nghĩa đường biên giới này sẽ dài thêm gần 1.300 km. Và dù dân số tương đối nhỏ, Phần Lan từ lâu đã là cường quốc quân sự. Quân đội nước này đã sử dụng các khí tài mua từ Mỹ tương thích với các đồng minh NATO; đồng nghĩa, họ có thể dễ dàng tham gia các nhiệm vụ của NATO nếu muốn.
"Đây không chỉ là tin xấu cho Điện Kremlin, mà việc có thêm Phần Lan sẽ mang lại lợi ích khá lớn cho NATO", Luke McGee - nhà phân tích của CNN nói. Đồng thời, McGee cho rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là đòn giáng mạnh với Moskva, bởi nó cho thấy một liên minh ngày càng đoàn kết và mở rộng ứng phó Nga sau xung đột Ukraine
Do đó, nhiều khả năng NATO sẽ sớm mời Phần Lan đối thoại về việc gia nhập liên minh. Nhiều người tin việc sẽ diễn ra rất nhanh, bởi Phần Lan đáp ứng hầu hết tiêu chí. "Nếu điều này diễn như như mong đợi, đất nước chưa tới 6 triệu dân sẽ vẽ lại bản đồ an ninh châu Âu theo cách mà trước đây khó có thể tưởng tượng, cũng như có thể gây tác động to lớn đối với Nga", McGee nói.
Về phía Thuỵ Điển, dù là một nước độc lập, nhưng vị trí địa lý của Thụy Điển đặt nước này trong cùng một "môi trường chiến lược" như các nước láng giềng dân chủ tự do, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nhận xét. Phần Lan và Thụy Điển đã có mối quan hệ đối tác chặt chẽ trong nhiều thập niên, với việc Stockholm coi quyết định từ chối gia nhập NATO là một cách để giúp giữ Helsinki tránh xa nguồn nhiệt.
Từ khi thành lập năm 1949, NATO liên tục mở rộng về phía đông châu Âu, kết nạp thêm 14 nước trong giai đoạn 1991-2020, nâng tổng số thành viên lên 30. |
Lý do chính gia nhập NATO
Lý do chính khiến hầu hết các nước gia nhập NATO là vì Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định tất cả bên ký kết coi một cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công chống lại tất cả. Điều 5 đã là nền tảng của liên minh kể từ khi NATO thành lập năm 1949 với tư cách đối trọng của Liên Xô.
Điểm đặc biệt của Hiệp ước và Điều 5 là ngăn chặn Liên Xô tấn công các nước vốn thiếu sức mạnh quân sự. Điều 5 đảm bảo nguồn lực của cả liên minh (gồm cả quân đội khổng lồ của Mỹ) có thể được sử dụng để bảo vệ bất kỳ thành viên nào, gồm các quốc gia nhỏ hơn không thể tự vệ nếu không có đồng minh (ví dụ như Iceland không có quân đội thường trực).
Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là giọt nước tràn ly, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan về phía NATO. Ukraine có 44 triệu dân và lực lượng vũ trang 200.000 quân. Phần Lan và Thụy Điển đều có quy mô nhỏ hơn. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin hồi tháng 4/2022 nói: "Mọi thứ đã thay đổi khi Nga tấn công Ukraine. Tư duy của người dân ở Phần Lan lẫn Thụy Điển đã thay đổi và thay đổi rất đáng kể".
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, sự ủng hộ của công chúng đối với việc gia nhập NATO ở Phần Lan đã tăng vọt từ khoảng 30% lên gần 80% trong một số cuộc thăm dò. Đa số người Thụy Điển cũng tán thành việc nước họ tham gia liên minh, theo các cuộc thăm dò dư luận ở nước này.
"Tư cách thành viên NATO của chúng tôi được quyết định vào ngày 24/2, lúc 5 giờ sáng, khi ông Putin và Nga tấn công Ukraine. Phần Lan và Thụy Điển sẽ không tham gia nếu không có cuộc tấn công này", cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb nhận định.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine là giọt nước tràn ly, thúc đẩy Thụy Điển và Phần Lan về phía NATO. Ảnh: Khói bốc lên phía trên nhà máy thép Azovstal ngày 13/5/2022 ở Mariupol, Ukraine/AP. |
Phản ứng của Nga?
Trước khi Phần Lan và Thuỵ Điển xác nhận gia nhập NATO, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Glushko đã chỉ ra rằng, bằng việc gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển đã "thực sự từ bỏ lập trường phi hạt nhân của mình". Sự mở rộng của NATO về phía đông là một mối đe dọa lớn với Nga và sự gia tăng các thành viên mới trong liên minh này, nếu điều đó xảy ra, sẽ đối mặt với những phản ứng đáp trả tương xứng từ Moskva, ông Glushko nói.
Bộ Ngoại giao Nga mới đây cũng tuyên bố, Phần Lan đã áp dụng một "sự thay đổi căn bản" trong chính sách đối ngoại, buộc Nga sẽ phải thực hiện "các bước trả đũa, cả về quân sự-kỹ thuật và các lĩnh vực khác". Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết "sự mở rộng của NATO không làm cho thế giới ổn định và an ninh hơn". Ông nói thêm rằng, phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào "cơ sở hạ tầng quân sự sẽ di chuyển bao xa và gần biên giới Nga".
Tuy nhiên, cả cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt và cựu Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb đều tin rằng, đến nay, phản ứng của Nga tương đối im lặng. "Điện Kremlin coi tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển là một giải pháp của Bắc Âu, và theo nghĩa đó, không phải là một mối đe dọa triệt để. Chúng tôi không quá lo lắng", ông Stubb nói.
Tuy nhiên, giới quan sát cũng lo ngại về phản ứng của Nga trước mong muốn gia nhập NATO của cả hai. Martti Kari - cựu trợ lý giám đốc tình báo quốc phòng Phần Lan, dự đoán Nga có thể tiến hành các hoạt động vi phạm không phận Phần Lan và làm gián đoạn các hoạt động trên biển như vận chuyển, cũng như tăng cường hoạt động tình báo chống lại nước này.
Hakon Lunde Saxi - phó giáo sư tại Đại học Quốc phòng Na Uy, cho rằng bất kỳ động thái nào hướng tới tư cách thành viên NATO của Phần Lan "có thể sẽ khiến Nga tăng cường quân đội dọc biên giới mới của NATO, điều sẽ không có lợi cho an ninh Phần Lan hoặc châu Âu".