Thời sự

Tăng khả năng cạnh tranh: Doanh nghiệp phải nỗ lực từ hệ thống quản trị, quản lý và văn hóa riêng

Trần Sỹ Chương (*) 09/07/2024 - 16:02

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp (DN) đang đối diện với nhiều thách thức khó khăn do tình hình kinh tế - địa chính trị trên toàn cầu diễn biến phức tạp. Để chủ động tồn tại, tăng khả năng cạnh tranh, DN phải nỗ lực tạo hệ sinh thái riêng, tăng cương nâng cao hệ thống quản trị, quản lý và xây dựng văn hóa đặc trưng, khác biệt.

Nâng cao năng lực quản trị

Có thể hiểu, việc xây hệ thống quản trị là thiết lập những quy tắc giúp duy trì kỷ cương, thể hiện tầm nhìn của người lãnh đạo và dự phòng rủi ro. Hệ thống quản trị càng chuẩn thì khả năng tự vận hành càng cao, người lãnh đạo sẽ đỡ mất thời gian để “quản” và “kiểm” vào chi tiết. Kế đó mới là xây hệ thống quản lý và các công ty sẽ tìm người phù hợp để thực thi.

Ở Việt Nam hay bất cứ đâu, chuyện gì cũng đến tay người sáng lập, điều này cũng dễ hiểu và phù hợp vì buổi ban đầu còn ít nhân lực, chỉ cần quản lý tốt công ty là đủ. Nhưng khi công ty lớn dần, nhiều lãnh đạo không thể dựa trên những thành tích quá khứ và phải nhận thức được việc xây dựng hệ thống quản trị là cần thiết chứ không xa vời, thiếu thực tế. Thực tế, rất nhiều DN khi gặp khó khăn, thường lúng túng và tìm tư vấn nhưng chủ yếu vẫn là tư vấn quản lý chứ không phải tư vấn quản trị. Do bị giới hạn về ngoại ngữ nên phần lớn sách quản trị, quản lý mà DN ở Việt Nam tham khảo đều là sách dịch, khó tránh khỏi có những sai sót, khó hiểu. Một số còn nhầm lẫn giữa quản trị và quản lý.

Hiện tại và tương lai gần, những DN nào không quan tâm đến quản trị, không muốn thay đổi sẽ dễ bị đào thải hơn do chu kỳ sống của DN đang có dấu hiệu ngày càng ngắn lại. Nhu cầu thị trường đang biến đổi rất nhanh do các tác động trong nước lẫn ảnh hưởng từ các yếu tố nước ngoài.

Để tăng sức cạnh tranh, nhiều DN thường hạ giá thành sản phẩm vì cho rằng giảm giá là điều kiện cần để cạnh tranh. Đây là sự ngộ nhận nguy hiểm. Vì việc giảm giá sản phẩm có thể không mang lại lợi thế nhiều như chúng ta nghĩ, đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến uy tín thương hiệu. Một số trường hợp giảm giá sản phẩm xuống quá thấp, người mua sẽ có cảm giác sản phẩm không tốt.Thay vào đó, DN phải tăng chất lượng, liên tục đầu tư công nghệ, xây hệ thống đổi mới sáng tạo, tập trung hơn về nghiên cứu và phát triển mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững.

Thực tế cho thấy, yếu tố quyết định tính cạnh tranh là giá trị chứ không phải giá. Vì suy cho cùng, giá trị là mức độ lợi nhuận người tiêu dùng công nhận cho một sản phẩm hay dịch vụ mà họ có sự hài lòng nhất định, đó là khi sản phẩm được quý (vì cần) và mến (vì hài lòng với chất lượng và có giá trị so với giá).

Một sản phẩm nếu được công nhận là có giá trị lớn hơn giá trị sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh thì dù giá bán có cao vẫn có thể phát triển bền vững và có được mức lợi nhuận cao hơn. Và giá trị cũng là yếu tố quyết định khả năng tăng trưởng, lớn mạnh của mỗi cá nhân, DN, quốc gia.

456345345.jpg
Sự khác biệt giữa quản trị và quản lý

Xây dựng văn hóa kinh doanh và văn hóa DN

Khi nói đến văn hóa DN là nói đến chuẩn quốc tế, chuẩn toàn cầu mà mình phải tuân theo để mình đạt đến đẳng cấp nào đó.Thời đại hội nhập, làm việc, làm ăn với nhau thì phải tuân thủ văn hóa công. Ở bất cứ đâu trên thế giới đều thể hiện chuyện này hết sức rõ ràng. Trong môi trường làm việc, đi làm thì phải đúng giờ, đi họp thì phải chuẩn bị nội dung trình bày chu đáo, dễ hiểu, dù mình là người Mỹ, Hàn, Ấn hay Việt.

Văn hóa DN không chỉ là yếu tố nội tại mà còn là lợi thế cạnh tranh cho DN. Việc xây dựng và duy trì một văn hóa DN tích cực sẽ giúp DN tạo ra sự khác biệt, thu hút và giữ chân nhân tài, nâng cao hiệu suất làm việc, khuyến khích sáng tạo, xây dựng mối quan hệ tốt với khách hàng và đối tác, đồng thời tăng cường uy tín và trách nhiệm xã hội. Tất cả những yếu tố này đều góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo sự phát triển bền vững cho DN trong môi trường kinh doanh ngày càng khắc nghiệt.

Đa số DN trong nước chưa đạt được chuẩn văn hóa DN toàn cầu. Thực tế là các đối tác nước ngoài làm việc với DN trong nước họ thường không có được sự yên tâm, khó tiên liệu được cuộc chơi, không an tâm, họ không đặt hết niềm tin.

Trong văn hóa DN, việc xây dựng lòng tin rất quan trọng. Lòng tin là giá trị cốt lõi và là giá trị quyết định sự cạnh tranh của DN trong kinh doanh. Nó chính là một trong “nguồn vốn” quý của mỗi DN và quốc gia. Vốn xã hội là lòng tin (mức độ lòng tin) giữa con người và con người, giữa con người và hệ thống.

Một đất nước không có vị trí địa lý thuận lợi, không nhờ tài nguyên dồi dào… nhưng nếu có uy tín, vốn xã hội thì vẫn có thể phát triển tốt. Ngược lại, nếu có tất cả những điều kiện thuận lợi đó mà không có vốn xã hội thì không cách gì phát triển được. Vốn xã hội là yếu tố nội lực quyết định sự thành công, năng lực cạnh tranh của DN.

Làm sao để xây dựng vốn xã hội đó? Nó gồm sự thành tâm của người chủ DN. Thành tâm không phải chỉ đối với đối tác, mà phải thành tâm với nhân viên, với cộng đồng xung quanh nữa. Như vậy mới có được lòng tin của xã hội trong nước, cho phép họ dựa vào đó để xây dựng năng lực để đi ra biển lớn. Rồi khi đi ra biển lớn thì cũng vậy, phải mua (có) được lòng tin của người khác để người ta trả cho mình một giá trị tương xứng.

Song, văn hóa DN sẽ được quyết định bởi người chủ DN.Trách nhiệm xây dựng văn hóa DN phải ở người chủ DN. Mà người chủ DN bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh. DN có tin vào môi trường kinh doanh, có thấy môi trường kinh doanh ít rủi ro thì mới dám mạnh dạn đầu tư, mới dám mạnh dạn cam kết và thực hiện được cam kết, mới tạo được niềm tin cao hơn, mới tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, mới trả tiền công cho người lao động tốt hơn, thì năng suất lao động mới tăng, dân mới giàu, nước mới mạnh…

Mặc dù Việt Nam đang phải chịu ảnh hưởng chung của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước một vận hội mới với rất nhiều điều kiện thuận lợi hiếm có trong lịch sử của bất cứ nước nào. Làm sao để DN trong nước có thể tự tin xây dựng được một văn hóa chuẩn quốc tế, để “được tin” thì đó sẽ là một cái “vốn xã hội”, một nội lực vô biên cho đất nước cất cánh, để được một thương hiệu quốc gia Việt Nam phát triển ổn định. Khi đó thì mình mới mong nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh.

(*) Chuyên gia cố vấn Chiến lược Phát triển và Quản trị doanh nghiệp, Sr. Partner - Công ty Tư vấn chiến lược 3Horizons (Anh Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng khả năng cạnh tranh: Doanh nghiệp phải nỗ lực từ hệ thống quản trị, quản lý và văn hóa riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO