Theo những thống kê do Chính phủ Ấn Độ công bố, trong 5 năm qua, thị trường lao động nước này chào đón khoảng 63,5 triệu người mới đi làm, chủ yếu trong độ tuổi 20 – 35 (thường được gọi là thế hệ millennials).
Chuyên hoạt động trong lĩnh vực thương hiệu, phong cách sống, thể thao và du lịch, nhà báo Leeza Mangaldas ở Mumbai (Ấn Độ) thường xuyên làm việc với nhiều công ty ở Ấn Độ có sử dụng số lượng lớn lao động millennials. Trong quá trình này, Leeza Mangaldas đặc biệt quan tâm đến yếu tố động lực làm việc tại tất cả các công ty đó.
Mới đây trong một bài viết trên Forbes, bà cho rằng có một số cách quan trọng giúp người trẻ Ấn Độ nâng cao hiệu quả công việc mà millennials ở các nước khác cũng có thể học hỏi và áp dụng:
1.Chống lại sự phân biệt đối xử
Văn hóa “tôn kính người lớn” (đặc biệt là nam giới lớn tuổi) khiến nhiều người trẻ Ấn Độ cảm thấy không thoải mái khi phải đặt câu hỏi hoặc thể hiện sự không đồng tình với những người lớn tuổi hơn mình. Điều này có thể tạo ra thái độ khúm núm không cần thiết trong đội ngũ nhân viên trẻ. Bên cạnh sự phân biệt tuổi tác, một số nhân viên millennials còn phải đối mặt với tình trạng phân biệt giới tính.
Để làm việc hiệu quả hơn, người trẻ cần đứng vững ngay từ đầu, thay vì để người khác lạm dụng mình và hy vọng rằng mọi thứ sẽ trôi qua, bởi vì nó sẽ tạo thành một khuôn mẫu khó thay đổi.
Ví dụ, khi bắt đầu công việc hoặc một phần việc mới, hãy hỏi thẳng người quản lý về cách mà họ muốn công việc được thực hiện chứ đừng vòng vo “thưa ông”, “thưa bà”. Đừng sợ đặt câu hỏi với những đồng nghiệp lớn tuổi hơn về những thông tin bạn cần biết thêm về dự án hoặc khách hàng. Hãy quyết đoán về những gì mình muốn đề cập đến, đặc biệt là khi thương lượng.
Nếu bạn được yêu cầu thực hiện những phần việc nằm ngoài phạm vi công việc một cách vô lý chỉ vì là người nhỏ tuổi hơn, hãy từ chối một cách lịch sự nhưng chắc chắn. Cần nhớ rằng tuổi tác và khả năng không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận và việc nhiều tuổi hơn không phải là lý do chính đáng để người khác “bắt nạt” bạn.
2.Tập trung
Ấn Độ là thị trường lớn nhất của ứng dụng nhắn tin WhatsApp với hơn 160 triệu người dùng/tháng. Người trẻ ở đô thị Ấn Độ sử dụng WhatsApp cho nhiều mục đích, từ cập nhật tiến độ công việc cho đến gửi lời chia buồn tới người có tang. Nghĩa là điện thoại của họ luôn “bận rộn” đến nỗi các nhiệm vụ công việc, chẳng hạn như họp hành, luôn bị gián đoạn bởi nhiều thứ khác.
>>6 bài tập tăng cường khả năng tập trung
Đa nhiệm có thể là một kỹ năng có giá trị nhưng không có kỹ năng nào có thể thay thế hoàn hảo cho sự tập trung. Vì vậy, hãy hạn chế sử dụng các ứng dụng nhắn tin và ứng dụng truyền thông xã hội khi đang cần hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng. Dù đang thuyết trình, bàn công việc với đồng nghiệp hoặc tham gia một cuộc họp trực tuyến, hãy chỉ tập trung tối đa vào một phần việc nhất định.
3.Chủ động nêu ý tưởng mới
Văn hóa đề cao thâm niên ở nơi làm việc có thể khiến người trẻ do dự khi muốn chủ động khởi xướng một hoạt động hoặc dự án mới. Họ thường chờ đợi và làm theo các hướng dẫn thay vì tự suy nghĩ và đề xuất giải pháp, ý tưởng, hướng tiếp cận mới (họ xem công ty không phải là nơi thích hợp để làm những việc này). Kết hợp với sự tự nghi ngờ bản thân và lười biếng, người trẻ sẽ ngày càng trì trệ trong công việc.
Đừng để sự kính trọng nhà quản lý của bạn bị hiểu sai thành thiếu khả năng lãnh đạo. Thay vì chờ đợi dự án yêu thích được giao cho mình, hãy chủ động chứng minh sự quan tâm và hiểu biết của bạn trong lĩnh vực đó. Bởi vì các sáng kiến thực sự luôn được đề cao và các nhà quản lý thường rất vui khi nhân viên của họ chủ động đề xuất. Hơn nữa, bằng cách làm chủ động này, bạn đang tự tạo cơ hội để mình trở thành một nhà lãnh đạo tiềm năng.
4.Tài liệu hóa những tương tác công việc qua thiết bị di động
Dù các cuộc gọi và tin nhắn di động trở nên ngày càng phổ biến trong quá trình làm việc nhưng chúng vẫn khó mang tính chính thức giống như các văn bản truyền thống hoặc thậm chí là một email.
Do đó, việc tóm tắt nội dung các cuộc gọi và tin nhắn thành một email hoàn chỉnh là rất cần thiết, đặc biệt là khi chúng có liên quan đến các thông tin quan trọng như chi phí, thời hạn, ngày tháng, địa chỉ… Cách làm này giúp bạn có một văn bản lưu trữ thông tin để tham khảo lại khi cần thiết. Nói cách khác, sự lưu trữ có phương pháp đối với các tương tác qua thiết bị di động sẽ giúp bạn không gặp khó khăn khi muốn tìm lại những thông tin quan trọng sau này.