Tăng giá xăng không phải vì chống buôn lậu

30/03/2013 08:35

Tại phiên họp báo Văn phòng Chính phủ thường kỳ tháng ba diễn ra chiều nay, 29/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tăng giá xăng không phải vì chống buôn lậu.

Tăng giá xăng không phải vì chống buôn lậu

Tại phiên họp báo Văn phòng Chính phủ thường kỳ tháng ba diễn ra chiều nay, 29/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, tăng giá xăng không phải vì chống buôn lậu.

>>Xăng tăng giá kỷ lục lên 24.580 đồng/ lít
>>
Từ việc tăng giá xăng dầu, dự báo về CPI 2013

Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Đề án thành lập AMC có nhiều điểm chưa được làm rõ".

Trước câu hỏi phải chăng cơ quan chức năng không kiểm soát được buôn lậu xăng dầu nên tăng giá, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục… để điều chỉnh tăng hay giảm giá xăng dầu.

Ông Vũ Đức Đam nói: Tôi thấy một lý do là giá xăng dầu thấp hơn các nước cùng biên giới. Nhưng đó chỉ là một dẫn chứng để thấy giá bán xăng dầu tại Việt Nam đang thấp hơn giá cơ sở và các nước, không phải lý do chính tăng giá. Đương nhiên, khi giá thấp hơn các nước, tình trạng buôn lậu xăng dầu sẽ tăng và cơ quan chức năng phải tích cực chống buôn lậu.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lý do chính là giá thấp hơn giá cơ sở. Nếu duy trì giá cũ, quỹ bình ổn giá hết, không còn công cụ hỗ trợ, chỉ còn cách lấy ngân sách để bù. Nhưng chúng ta đã thống nhất nguyên tắc không thể bao cấp mãi, mà phải dần tiến tới theo thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - ông Đam nói.

Vì thế, cũng theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trước tình hình sử dụng hết khả năng quỹ bình ổn giá, dù giá xăng dầu thế giới đi xuống, nhưng giá bán ở Việt Nam vẫn thấp hơn, cần điều chỉnh.

Giá xăng thế giới tăng giảm, ngoài lý do biến động chính trị bất thường, thì cũng có quy luật. Ngay tại cuộc họp tháng trước, các Bộ đã dự liệu từ giữa tháng ba trở đi, khi thời tiết qua mùa đông, giá xăng dầu sẽ không tăng cao nữa. Nếu không cho tăng ở thời điểm giá xăng dầu thế giới đang đỉnh điểm, mà đợi khi giá xăng dầu thế giới có biểu hiện đi xuống mới tăng, thì truyền thông có thể sẽ suy diễn không đúng do không hiểu hết - Ông Vũ Đức Đam nói thêm.

Điều quan trọng nhất là phải công khai minh bạch tất cả các yếu tố, quỹ bình ổn có bao nhiêu, từng doanh nghiệp sử dụng bao nhiêu, giá nhập khẩu, giá thế giới bao nhiêu... Liên Bộ đã báo cáo Chính phủ rằng, về cơ bản, các thông tin đó đã được công khai.

Tại cuộc họp báo hôm nay có đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đề nghị các Bộ kiểm soát chặt chẽ việc công khai mọi yếu tố cho nhân dân được biết - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết. 

Giá tăng sẽ phức tạp

Với câu hỏi lần tăng giá này cao nhất, có phải điều hành giật cục, kìm hãm quá dài rồi tăng quá cao, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 84, liên Bộ được trao thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định rất nghiêm ngặt.

Nếu theo quy định của Nghị định thì từ tháng trước, giá xăng đã tăng. Còn biên độ tăng lớn, giật cục hay không thì Bộ Tài chính sẽ giải đáp cụ thể hơn.

Ông Vũ Đức Đam nói: Một thời gian dài, chúng ta bao cấp nhưng hiện điều chỉnh theo lộ trình giá thế giới, trừ một vài nước đặc biệt, còn lại cơ bản theo giá thị trường. Khi đó, chúng ta điều hành hoàn toàn theo giá thị trường thì lúc giá thế giới lên, chúng ta tăng, giá thế giới xuống, chúng ta giảm.

Khi giá giảm, mọi người vui vẻ, nhưng nếu giá tăng sẽ phức tạp, ảnh hưởng quyền lợi của người tiêu dùng, sản xuất. Do đó, Chính phủ mới đưa ra những giải pháp điều hành giá tiến dần đến giá thị trường.

Thời điểm phù hợp

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, khi tăng giá xăng dầu, các Bộ Tài Chính, Công Thương, Kế hoạch Đầu tư cùng làm việc để đánh giá, nếu tăng như vậy thì dự kiến ảnh hưởng đến CPI bao nhiêu. Thậm chí, còn đánh giá rõ ảnh hưởng vòng 1 bao nhiêu %, còn lại vòng 2, vòng 3 bao nhiêu %.

Tháng trước, liên Bộ Tài Chính – Công Thương đã trình Tổ điều hành giá để tăng và báo chí lúc đó cũng viết không thể không tăng được nữa. Nhưng, khi đó, do phải bình ổn giá, tháo gỡ khó khăn, không dồn thêm khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Chính phủ quyết định không tăng giá. Còn bây giờ, khi đến thời điểm phù hợp, chúng ta sẽ tăng giá - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, quan điểm điều hành của Chính phủ và liên bộ Tài chính - Công thương là luôn xác định và cân nhắc các lợi ích và hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước, doanh nghiệp. Khi đề xuất bất kỳ phương án nào về điều hành giá xăng dầu cũng đã tính toán rất kỹ đến lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp.

Qua tính toán và theo công thức tính giá cơ sở tại Thông tư 234, với lần điều chỉnh này, dừng sử dụng quỹ bình ổn vì quỹ bình ổn đã hết. Tính toán đủ chi phí của xăng dầu thì kết quả giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành, cụ thể với mặt hàng xăng là 1.430 đồng/lít, dầu diezel là 362đ/lít, dầu hỏa 480đ/lít, dầu mazut 807đ/kg.

Đó chính là chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành trước thời điểm 20 giờ ngày 28/3. Liên bộ đã quyết định đề xuất phương án điều chỉnh giá đúng bằng chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán hiện hành.

Theo bà Mai, liên bộ đã tính thuế nhập khẩu hiện hành đối với xăng là 12%, dầu diezel 8%, dầu hỏa và dầu mazut 10%, thì xuất thuế nhập khẩu này so với barem đang thấp hơn, theo quy định, đối với giá xăng dầu như hiện nay, Nhà nước có khả năng áp thuế đến 20%.

Về quỹ bình ổn giá chưa được công khai và mong muốn điều hành công khai, trong quá trình điều hành giá xăng dầu, liên bộ Tài chính - Công Thương luôn đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, chúng tôi xin ghi nhận ý kiến này và trong thời gian tới sẽ làm sao công khai minh bạch để các cơ quan báo chí và nhân dân giám sát, đóng góp ý kiến để việc điều hành giá xăng dầu được sát hơn - Bà Mai nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tăng giá xăng không phải vì chống buôn lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO