Các DN đang hồi hộp chờ đợi động thái của lãnh đạo TP.HCM cho ngày 1/10 để tái sản xuất, kinh doanh |
Chia sẻ tại tọa đàm Doanh nghiệp TP.HCM thích ứng như thế nào sau 1/10 do Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện nghiên cứu TP.HCM, CLB Các nhà kinh tế và Nhóm chuyên gia hiến kế cho TP.HCM thực hiện mục tiêu kép tổ chức tối 29/9, cộng đồng DN và các chuyên gia đều cho biết đang rất hồi hộp chờ đợi quyết định của lãnh đạo TP.HCM.
Thông tin cần rõ ràng, minh bạch
Các DN và chuyên gia cho biết, mấy ngày qua, câu đầu tiên họ trao đổi khi gặp nhau là “Ngày 1/10 TP có thật sự mở cửa?”, "Những ngành nghề nào được hoạt động?".
Theo đánh giá của TS. Võ Trí Thành, đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng để đưa ra quyết định mở cửa kinh tế, bởi sự chịu đựng của DN đã vượt quá giới hạn. Nếu không sớm có quyết định dứt khoát, thậm chí táo bạo, DN sẽ sụp đổ hàng loạt. Trong điều kiện vẫn còn dịch bệnh, TS. Võ Trí Thành cho rằng cụm từ “thích ứng, sản xuất an toàn” là giải pháp phù hợp, giúp DN có thể duy trì, phục hồi sản xuất.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) ví sự chờ đợi mở cửa của DN sau ngày 1/10 giống như “thời khắc giao thừa”. Theo dự thảo chỉ thị mở cửa sau ngày 1/10 mới nhất của TP vào chiều ngày 29/9, TP đã quyết định cho hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực được mở cửa trên nguyên tắc bảo đảm an toàn. Tuy vậy, theo ông Chu Tiến Dũng, trước khi thông qua, TP cũng rất cầu thị lắng nghe DN trước khi đi đến quyết định cuối cùng, dự kiến trong ngày hôm nay (30/9).
Cùng nhận định, ông Võ Tân Thành - Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiêm Giám đốc VCCI TP.HCM nói thêm: "TP rất muốn mở nhưng mở như thế nào còn phải cẩn trọng vì điều kiện phủ vaccine của TP.HCM vẫn chưa đạt mong muốn. Tuy nhiên, đây là thời điểm hành động chứ không phải bàn nữa. Làm sao để khôi phục được nhưng phải chống được dịch. Nếu không chống dịch tốt thì chi phí sẽ tốn kém hơn rất nhiều".
Dù trong hoàn cảnh nào thì theo ông Dũng “Chính phủ phải minh bạch đầy đủ bộ tiêu chí đánh giá mức độ nguy hiểm của phòng, chống dịch cũng như thông tin rõ ràng các kịch bản ứng phó và phải hướng dẫn cho toàn dân phải làm gì”.
Sự chờ đợi mở cửa của doanh nghiệp sau ngày 1/10 giống như “thời khắc giao thừa” |
Doanh nghiệp đã sẵn sàng
Sự sẵn sàng của DN thấy rõ ở khối DN FDI. Bà Hồ Thị Thu Uyên - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam cho hay mấy ngày qua, lãnh đạo Intel liên tục tổ chức nhiều cuộc họp bàn về kế hoạch mở rộng sản xuất khi TP mở cửa kinh tế.
“Chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt các phương án sản xuất an toàn với quy mô lao động tăng lên so với trước. Hiện chúng tôi vẫn duy trì việc để công nhân ở lại các khách sạn và xe đưa rước vào nhà máy. Từ ngày 1 - 8/10, chúng tôi sẽ cho một số lao động về nhà và đón một số từ nhà vào nhà máy làm việc”, bà Hồ Thị Thu Uyên cho biết.
Cũng theo bà Hồ Thị Thu Uyên, 3 tháng áp dụng mô hình sản xuất trong điều kiện dịch bệnh như vậy là quá dài, DN đã chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng sản xuất và chuyển tiếp hình thức. Hiện nay, Intel đã sẵn sàng cho bước tiếp theo, trong đó có dự định 2 tuần đầu tháng 10 sẽ trả số người lao động đang tạm trú tại khách sạn về nhà và đưa người lao động từ nhà vào nhà máy làm việc.
Bà Uyên chia sẻ: “Những giải pháp an toàn của DN được người lao động thực hiện tại nhà máy cũng sẽ được họ mang về áp dụng gia đình và lan toả trong cộng đồng dân cư”.
Ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cũng xác nhận các DN ngành gỗ đang sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 12/2021, các DN hội viên HAWA có thể chỉ phục hồi được 60-70% năng suất lao động. Dù vậy, hiện tại HAWA đang chuẩn bị các kế hoạch để DN hội viên có thể kết nối với các nhà mua hàng nước ngoài.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Ngân - Tổng giám đốc Công ty Nhựa Bình Minh cho hay 4 nhà máy của công ty đang hoạt động với 55% lao động và công ty đã chuẩn bị tất cả những điều kiện để trở lại sản xuất bình thường. Tuy nhiên, Nhựa Bình Minh không bị áp lực phải mở cửa ngay lập tức vì khả năng chịu đựng vẫn còn.
“Ít nhất một tuần nữa, mọi hoạt động của Nhựa bình Minh, từ sản xuất đến kinh doanh vẫn như trước đây, nghĩa là công ty vẫn áp dụng mô hình 3 tại chỗ và vẫn bán hàng online. Chúng tôi phải bảo đảm thật an toàn mới mở cửa”, ông Nguyễn Hoàng Ngân nói
Trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp
Bên cạnh sự sẵn sàng của DN, bà Hồ Thị Thu Uyên nhận xét đã đến lúc chính quyền TP nên trao quyền tự chủ cho DN và để cho DN cam kết về sự an toàn, vì sau một thời gian vừa hoạt động vừa phòng, chống dịch, các DN đã có đủ biện pháp bảo vệ an toàn cho sản xuất và an toàn cho người lao động.
“Nếu chưa tin dân, chưa tin DN thì công cuộc chống dịch sẽ còn nhiều khó khăn. Cần có phương án chống dịch ít tốn kém nhưng hiệu quả” |
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cũng đồng ý với bà Uyên. Ông Thi cho rằng để “sống chung với virus”, TP nên trao quyền tự chủ cho người dân, DN. Thời gian vừa qua, bộ tiêu chí an toàn được xây dựng dựa trên việc sống chung với virus.
Tại khu công nghệ cao TP.HCM có 86 DN và hiện có 66 DN thực hiện “3 tại chỗ”, “2 điểm đến - 1 cung đường”. Thời gian qua, các DN trong khu thường xuyên bổ sung lao động và có năng lực thích ứng rất tốt trước dịch bệnh Covid-19. Họ đã “sống chung” và trang bị những gì cần thiết để ứng xử với tình huống xảy ra ngoài ý muốn.
“Những DN như Intel, Samsung… quản trị rủi ro rất tốt. Vì thế, nếu TP mạnh dạn mở cửa cho các DN hoạt động thì cách làm, cách quản trị rủi ro của các DN này cũng sẽ có tác động tích cực cho cộng đồng, không chỉ về kinh tế mà còn cả cách phòng, chống dịch”, ông Nguyễn Anh Thi nói.
"Bên cạnh đó TP nên hỗ trợ DN trong việc phủ vaccine cho người lao động. Hiện nay một số lao động ở các vùng phụ cận như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An… mới được tiêm mũi 1 đang rất cần tiêm mũi 2 để có thể trở lại nhà máy làm việc. TP đã có chủ trương đón lao động từ địa phương, các DN phải chủ động lên kế hoạch đón người lao động của mình và xây dựng các kịch bản quản trị phù hợp để phục hồi và phát triển", ông Nguyễn Anh Thi tư vấn.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế cho rằng, nên tạo cơ chế tự chủ cho người dân và DN. Muốn vậy, phải làm sao cho nội lực của người dân và DN mạnh lên. Ông hiến kế: “Tạo nội lực mạnh trước tiên là về mặt tinh thần. Truyền thông nên đưa những tin tốt, bỏ bớt những tin xấu, chẳng hạn như không cần công bố số lượng ca nhiễm mỗi ngày. Thành phố chỉ cần công bố những thông tin tốt và mở cửa cho mọi người để tinh thần thoải mái, đồng thời phát động phong trào tập thể dục thể thao để nâng cao sức khoẻ”.
Ông Võ Tân Thành cũng đồng ý việc giao quyền tự chủ cho DN. Hiện nay, nguồn lực bổ sung cho y tế đang rất khó khăn, vì thế TP nên thay đổi chiến lược và giao quyền cho DN chịu trách nhiệm, DN sẽ có biện pháp bảo vệ người lao động. “Nếu chưa tin dân, chưa tin DN thì công cuộc chống dịch sẽ còn nhiều khó khăn. Cần có phương án chống dịch ít tốn kém nhưng hiệu quả”, ông Võ Tân Thành đúc kết.
Hồng Nga ghi