Tài khoản chứng khoán bị lợi dụng như thế nào?

HÀ PHAN| 11/03/2008 08:48

Từ ngày 1/3, tài khoản bằng tiền của nhà đầu tư (NĐT) để mua bán chứng khoán phải mở tại ngân hàng (NH) thay vì công ty chứng khoán (CTCK) như trước đây. Lãnh đạo nhiều CTCK khẳng định với cách này tài khoản của NĐT sẽ hết bị lợi dụng. Tuy nhiên đó là tài khoản tiền gửi, còn tài khoản chứng khoán vẫn do CTCK quản lý và mối lo ngại bị lợi dụng như báo chí đã nêu thì vẫn còn. Vậy tài khoản chứng khoán bị lợi dụng như thế nào?

Tài khoản chứng khoán bị lợi dụng như thế nào?

Từ ngày 1/3, tài khoản bằng tiền của nhà đầu tư (NĐT) để mua bán chứng khoán phải mở tại ngân hàng (NH) thay vì công ty chứng khoán (CTCK) như trước đây. Lãnh đạo nhiều CTCK khẳng định với cách này tài khoản của NĐT sẽ hết bị lợi dụng. Tuy nhiên đó là tài khoản tiền gửi, còn tài khoản chứng khoán vẫn do CTCK quản lý và mối lo ngại bị lợi dụng như báo chí đã nêu thì vẫn còn. Vậy tài khoản chứng khoán bị lợi dụng như thế nào?


“Tại anh”


Bình luận về vụ “mượn” chứng khoán của NĐT xảy ra tại CTCK SBS, giám đốc môi giới một CTCK cho rằng chuyện này không có gì lạ và khó nếu nhân viên môi giới, tư vấn và đặt lệnh cố tình làm. Theo ông này thì không phải NĐT nào cũng kiểm tra tài khoản của mình thường xuyên có bao nhiêu chứng khoán, thậm chí có người mua một loại chứng khoán nào đó và để vài tháng sau mới bán.

Anh Trần Vĩnh Tường (sàn SSI TP.HCM) thừa nhận do đầu tư lâu dài nên phần lớn chứng khoán chỉ bán ra sau khi đã mua ít nhất là 1 tháng và anh chỉ kiểm tra tài khoản khi nào tiện, thường thì 1-2 tuần/lần. Đây chính là kẽ hở cho các nhân viên thực hiện giao dịch lợi dụng và theo tìm hiểu của chúng tôi thì chưa có CTCK nào dám “bật đèn xanh” cho nhân viên làm.

Nhưng do những kẽ hở như cho phép khách hàng ký khống lệnh mua, bán rồi giao dịch qua email, tin nhắn, điện thoại...nhân viên môi giới thay mặt khách hàng ghi số lượng, giá mua bán vào nên rất dễ “mượn tạm”. Chỉ cần ghi thâm hay thêm số 0 rồi sau đó đổ cho sai sót nếu bị phát hiện khi chưa kịp trả thì cũng “huề cả làng” vì NĐT ngại lúc cần sẽ bị làm khó.


Đặng Tâm A., nhân viên môi giới một CTCK tiết lộ “không chỉ tư vấn và môi giới, tụi tôi nhiều khi còn có quan hệ làm ăn với khách hàng nên họ mượn của mình rồi mình mượn lại rất bình thường”. A. cho biết anh từng biết chắc giá của SSI sẽ xuống trong vòng những ngày tới nhưng những khách hàng quen biết lại không chịu bán ra vì SSI công bố lợi nhuận quá cao.

A. tin chắc họ sẽ giữ chờ chia cổ tức nên âm thầm viết lệnh bán 2.000 cổ phiếu SSI của một khách hàng với hy vọng vài phiên nữa giá xuống sẽ mua trả lại. Phi vụ “mượn” này trót lọt và A. kiếm hơn 30 triệu sau 3 phiên, còn tài khoản của nhà đầu tư thì chỉ người kỹ tính mới phát hiện ra. Đây không phải là chuyện hiếm trong giới và chuyện tại SBS cũng chưa chắc là lần đầu bị phát hiện như lời của một số nhân viên mà người viết gặp. Họ nhận định trường hợp SBS bị lộ là do “sơ suất mượn mà quên trả”!?


“Tại ả”


Nhà đầu tư Nguyễn Thị Phương Thanh (sàn ACBS) nói bà thường đồng ý cho nhân viên môi giới mượn tạm “khi thì 500 STB, lúc 2.000 REE vì mấy cô ấy cũng hay giúp tôi giao dịch thuận hiện hơn”. Khi thị trường lên cần mua, lúc giá xuống cần bán theo ý NĐT với số lượng, giá, thời gian... như ý thì quan hệ vay mượn chính là “lá bùa” rất hữu hiệu.

Ngay như trường hợp của chị Phan Thị T. tại CTCK SBS cũng thừa nhận cho mượn tiền, chứng khoán và chỉ hạn chế khi gặp rắc rối do mượn chậm trả! Nhiều nhà đầu tư đều khẳng định chuyện họ cho CTCK mà thực chất là nhân viên tư vấn, môi giới của mình mượn chứng khoán bán trước trả sau là “chuyện thường ngày ở CTCK”.

Do đã ký cả xấp lệnh sẵn, nhân viên chỉ cần alô và họ đồng ý là xong và đúng thời gian thỏa thuận thì chứng khoán lại hoàn đủ về tài khoản. Đổi lại khi cần họ có thể mượn lại của nhân viên mà không cần biết nguồn từ đâu ra miễn sao có chứng khoán giao dịch và trả đúng hẹn. Bà Thanh lý giải: “Như tôi dự đoán, VNM sẽ xuống nhưng trong tài khoản không có loại chứng khoán này nên tôi mượn tạm nhân viên bán rồi vào ngày xuống mua trả sau. Không mất vốn mà lại có lời, tội gì không làm”.


Có nhiều trường hợp “anh ả” cho mượn vô tư để tính chuyện sau này nhưng cũng có trường hợp sòng phẳng chia lời với tỷ lệ thỏa thuận. Anh Trần Minh H. (sàn VCBS TP.HCM) nói: “Tôi cũng hay mượn chứng khoán bán, nhân viên OK thì có lời mình cũng cho họ 10-15%, còn lỗ đương nhiên mình phải chịu”. Do hai bên giữ chữ tín và NĐT có chứng khoán khác trong tài khoản “đảm bảo” và nhân viên, NĐT cũng “chọn mặt cho mượn”.


Ông Lê Hải Trà, Ủy viên HĐQT Sở GDCK TP.HCM cho biết, Sở đang rất quan tâm đến tình trạng này dù chỉ mới có một vài trường hợp NĐT lên tiếng, nếu nơi nào vi phạm Sở sẽ xử lý nghiêm. Để tránh tình trạng “mượn mà chủ tài khoản không biết”, nhiều CTCK đã khuyên khách hàng kiểm tra tài khoản, không ít nơi cho NĐT kiểm tra số dư, chứng khoán có và biến động tài khoản qua điện thoại, online khi họ ở bất cứ đâu.

Ông Phạm Linh, Phó tổng GĐ CTCK VIS khẳng định chỉ khi nào NĐT và nhân viên cùng bắt tay mượn qua lại lẫn nhau thì mới có tình trạng lạm dụng, còn NĐT không đồng ý và kiểm tra thường xuyên tài khoản chứng khoán thì CTCK hay nhân viên không thể lợi dụng tài khoản chứng khoán của họ được. Ngay cả việc ký lệnh khống rồi đặt lệnh qua tin nhắn, điện thoại nhưng NĐT kiểm tra ngay giao dịch vào buổi chiều ngày đặt lệnh thì cũng rất khó xảy ra việc “mượn tạm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tài khoản chứng khoán bị lợi dụng như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO