Kéo tăng và kéo giảm
Trong đó không ít cổ phiếu đã giảm mạnh đến vài chục phần trăm, đơn cử như ngành ngân hàng. Trước đây, cổ phiếu ngân hàng là đầu tàu dẫn dắt thị trường tăng mạnh thì đợt điều chỉnh quý II vừa qua, cổ phiếu ngành này lại kéo các chỉ số rớt không phanh và trở thành thị trường giảm mạnh nhất toàn cầu.
Vietcombank giảm 30% từ đỉnh cao gần 75.000đ/CP, trong khi BIDV giảm hơn 50%, SHB giảm 49%, Vietinbank giảm 45%, VPBank giảm 41%, ACB giảm hơn 40%, MBBank giảm 27%,...
Trong bối cảnh dự báo tăng trưởng tích cực, kết quả kinh doanh của các ngân hàng năm nay vẫn được giữ nguyên, thì đợt giảm mạnh giá cổ phiếu vừa qua chỉ có thể giải thích là do định giá quá cao so với giá trị thực nên dẫn đến làn sóng chốt lời, từ cả nhà đầu tư nước ngoài lẫn nội địa.
Ở nhóm ngành bảo hiểm chứng khoán, HSC giảm 44%, SSI giảm 39%, Bản Việt giảm 36%, VN Direct và SHS đều giảm 51% từ mức đỉnh cao nhất gần đây, trong khi BVH cũng giảm đến 35% từ đỉnh.
Rõ ràng, trong bối cảnh thị trường đi xuống liên tục thì kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán tất yếu sẽ bị ảnh hưởng, tự doanh kém hơn, môi giới sụt giảm khi thanh khoản thị trường liên tiếp suy yếu và có khả năng phải tăng trích lập dự phòng cho những cổ phiếu đầu tư đã bị giảm mạnh trong thời gian qua.
Đối với nhóm bất động sản, Công ty CP Đầu tư LDG có lẽ là một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất khi rớt đến 55%, có lúc rớt về dưới mệnh giá 10.000đ/CP. Công ty CP Tập đoàn Đất xanh (DXG) là một cổ đông lớn của LDG cũng giảm 34%, DIG giảm 52%, SCR giảm 42%, NVL giảm 36%, PDR giảm 32%,...
Khi nhóm bất động sản trở nên ảm đạm, thì nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng không thể tránh khỏi sự suy yếu: VCG giảm 43%, VGC giảm 35%, CTD giảm 42%, HBC và HT1 giảm 48% so với mức đỉnh cao nhất trong một năm qua.
Chưa thể bắt đáy
Sau khi "hái quả ngọt" trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư lại một lần nữa nếm trải "vị đắng" của chứng khoán trong đợt giảm giá khá sâu như vừa rồi, sau đợt rớt không phanh của hơn 10 năm trước đây, năm 2007. Trong những phiên giảm mạnh như vừa qua, nhiều nhà đầu tư có lẽ không ít lần dính bẫy tăng giá trong một số phiên phục hồi kỹ thuật.
Rõ ràng khi một cổ phiếu liên tiếp giảm mạnh sẽ trở nên hấp dẫn đáng kể và lôi kéo không ít người lao vào bắt đáy, nhưng kết quả là đáy cứ ngày càng sâu hơn và nhiều người không chịu nổi phải cắt lỗ và gánh những thiệt hại không nhỏ.
Tuy nhiên, những người sớm cắt lỗ khi thị trường không phục hồi như kỳ vọng thì vẫn còn may, khi mà nhiều nhà đầu tư thậm chí đã trót mua vào ngay đỉnh hoặc chưa kịp hay không muốn cắt lỗ, thì các phiên giảm mạnh vừa qua có lẽ đang phải ngậm ngùi chứng kiến tài khoản bị bán giải chấp hoặc ngày càng lỗ nhiều hơn, trong khi đường về lại đỉnh dường như rất xa vời.
Dù cuối tuần qua (ngày 6/7), thị trường đã có một phiên bật mạnh trở lại và có thể có thêm những phiên phục hồi , tuy nhiên với những gì đang diễn ra thì để quay trở lại đỉnh cao như trước đây sẽ không dễ gì.
GDP quý II giảm tốc, lạm phát và tỷ giá đang bất ổn, chính sách tài khóa gần như hết dư địa và buộc phải tăng thuế, phí hoặc tạo ra các loại thuế phí mới để tái cấu trúc nguồn thu ngân sách, trong khi chính sách tiền tệ dường như đang trong giai đoạn bắt đầu phải thắt chặt trở lại với ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô là những yếu tố làm thị trường chứng khoán khó tăng điểm.
Trong khi đó, các thị trường tài sản, bất động sản vẫn đang đối mặt với rủi ro bong bóng, trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bán ròng theo xu hướng chung. Các yếu tố khách quan như rủi ro chiến tranh thương mại và có thể là chiến tranh tỷ giá chưa biết sẽ để lại hậu quả đến đâu cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và những nền kinh tế nhỏ bé như Việt Nam nói riêng.
Với những yếu tố không chắc chắn của kinh tế thế giới lẫn trong nước, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng là điều tất yếu. Tâm lý bi quan vẫn chiếm lĩnh thị trường, bằng chứng là thanh khoản tiếp tục giảm sút so với giai đoạn trước đây, dù có những phiên phục hồi nhưng cũng không thể thu hút thêm dòng tiền tham gia.
Có vẻ như những ngày khốn khó của chứng khoán Việt Nam sẽ chưa sớm dừng lại và những nhà đầu tư thông minh cũng thừa hiểu rằng đừng bao giờ cố gắng chống lại thị trường hay đi ngược xu hướng thị trường.
Nếu không, quả đắng sẽ ngày càng đắng thêm, thua lỗ sẽ ngày càng thua lỗ thêm, trong khi mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là phải sống sót được qua những ngày giông bão của thị trường, kiên nhẫn chờ đợi thị trường trước khi gặt hái thành công mới khi thị trường xác lập xu hướng tăng trở lại.