Sự kiện do Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban tổ chức 248); Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
"Sức mạnh mềm” của văn hóa
Mục đích của diễn đàn nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhiều ý kiến tâm huyết được đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: HNM |
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cộng đồng doanh nghiệp được ví như "trái tim của nền kinh tế". Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nước ta đang ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh văn hóa mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ.
Theo Bộ trưởng Hùng, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước nhiều cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hoá dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Bởi thế, Việt Nam cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trong nước mà còn vươn tầm thế giới. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
Với ý nghĩa đó, Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp năm 2022 là cơ hội để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, thiết thực thực hiện có hiệu quả Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nhiệm vụ “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh”; Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế - xã hội” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021... Qua đó, đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Trao Bằng khen tặng các doanh nghiệp đạt chuẩn. Ảnh: HNM |
Diễn đàn đã tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh các vấn đề chính như: Vai trò, nội dung, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; Những bài học thực tiễn của các doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là trong và sau đại dịch; Giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu Covid- 19, các xung đột địa - chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.
Phụ thuộc vào người đứng đầu
Theo ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (BTC 248), dù mới được triển khai một thời gian ngắn nhưng Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định sự cần thiết đối với hoạt động kinh doanh nói riêng và sự phát triển toàn diện của từng doanh nghiệp.
Ông Tuấn nhấn mạnh, hoạt động không chỉ mang tính chất tôn vinh mà còn nhằm phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong quá trình xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp, từ đó lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
Trong buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp đồng quan điểm, cho rằng xu thế phát triển bền vững, văn hóa kinh doanh chính là một yếu tố cốt lõi của năng lực cạnh tranh. Nó là nền tảng phát triển của doanh nghiệp. Để phát triển liên tục và bền vững, doanh nghiệp cần củng cố và xây dựng nền móng văn hóa kinh doanh vững và sáng. Về giải pháp, đại diện doanh nghiệp tham dự cho rằng, văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào người quản lý. Các tiêu chí văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp phải được lan tỏa đến từng cán bộ công nhân viên và phải được vận dụng vào thực tế hàng ngày…
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2022 cho 24 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét duyệt. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tặng bằng khen cho 13 tập thể có thành tích xuất sắc triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. Ban tổ chức tặng 248 bằng khen cho 33 đơn vị đã tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” năm 2022. |