Cách quản lý nhân viên hiệu quả là không nên ép họ làm việc trước 10 giờ sáng. Nếu phải làm việc trước thời điểm này, người lãnh đạo gần như đang tra tấn nhân viên, làm cho họ ốm yếu, mệt mỏi và căng thẳng. Đó là tuyên bố từ nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Oxford.
Trước tuổi 55, nhịp độ sinh học xuất hiện một lần mỗi ngày ở con người sẽ hoàn toàn bị rối loạn khi phải làm việc 5 tới 9 tiếng. Với thời lượng làm việc ấy, công việc sẽ trở thành “mối nguy hại” tới sức khỏe tâm lý.
Theo lời tiến sĩ Paul Kelley tại Đại học Oxford, ta cần một sự thay đổi lớn về thời gian biểu học và làm hiện nay, để phù hợp hơn với đồng hồ sinh học của loài người. Đó là cách để chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống, và là cách làm việc hiệu quả, nâng cao chất lượng công việc.
Các thí nghiệm nghiên cứu về nhịp sinh học cho thấy rằng một đứa trẻ ở độ tuổi trung bình là 10 sẽ không thể tập trung trọn vẹn trước 8 giờ 30 phút sáng được. Trong cùng nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra thiếu niên 16 tuổi nên bắt đầu học vào lúc 10 giờ sáng, và 11 giờ sáng là khung giờ bắt đầu tốt nhất cho sinh viên đại học.
Tiến sĩ Kelley tin rằng việc điều chỉnh lại thời gian biểu của trường học như vậy sẽ tăng điểm số trung bình của học sinh lên tới 10%. Trước đây, tiến sĩ Kelley là một giáo viên tại Trường trung học Monkseaton, phía Bắc Tyneside. Khi đó, ông đã chuyển giờ dạy từ 8 rưỡi sáng lên 10 giờ sáng, và nhận thấy rằng số lượng điểm số cao của học sinh đã tăng tới 19%.
Tương tự như vậy, các công ty buộc nhân viên đi làm sớm hơn bình thường sẽ khiến họ giảm năng suất cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
“Đây là một vấn đề xã hội cực kì lớn”, tiến sĩ Kelley nói. “Nhân viên nên bắt đầu làm việc từ 10 giờ sáng, và khi bạn 55 tuổi, bạn mới nên quay lại khung giờ làm việc bắt đầu từ 9 giờ. Chúng ta đang có trong tay một xã hội thiếu ngủ, điều đó rất nguy hiểm”.
“Việc thiếu ngủ ấy ảnh hưởng và gây hại tới hệ thống hoạt động của cơ thể ta, từ thể chất cho tới tâm lý, năng suất của một cá nhân”.
Theo như tiến sĩ Paul Kelley khẳng định, gan và tim sẽ có một chiều hướng hoạt động khác tự nhiên khi bắt chúng làm việc sai giờ. Ông nói rằng đây là một vấn đề toàn cầu, mọi người hiện tại đều đang gánh chịu nó.
“Chúng ta không thể thay đổi nhịp điệu sinh học 24 giờ của cơ thể con người được. Cơ thể bạn sẽ tương tác với ánh nắng và đó là thứ khiến cho bạn dậy, không phải là khi bạn nhìn thấy ánh nắng thì mới tỉnh giấc”.
Ông còn bổ sung rằng việc dậy quá sớm còn ảnh hưởng tới những bệnh nhân và tù nhân, khi họ bị bắt dậy sai giờ, cho ăn những thứ họ không muốn. Tổng kết lại, ông nói việc thiếu ngủ là một sự tra tấn thể chất cũng như tinh thần con người.
Nghiên cứu cho thấy thiếu ngủ sẽ gây ảnh hưởng tới năng suất làm việc, trạng thái tinh thần, sự tập trung, trí nhớ dài hạn và có xu hướng khiến con người tìm tới thuốc và chất gây nghiện. Bên cạnh đó, còn những hậu quả khác như cáu gắt, ức chế, tăng huyết áp, tăng cân, suy yếu hệ miễn dịch, v.v...
Các nhà thần kinh học nói rằng cơ chế sinh học của thanh thiếu niên khiến họ đi ngủ vào khoảng thời gian nửa đêm, điều đó sẽ khiến họ không thể hoàn toàn tỉnh táo cho tới thời điểm 10 giờ sáng. Theo như tiến sĩ Kelley, thanh thiếu niên thiếu ngủ trung bình 10 tiếng/tuần, khi phải liên tục dậy sớm để chuẩn bị đi học.
“Chỉ cần thay đổi thời gian bắt đầu học buổi sáng, chúng ta có thể tăng cường chất lượng cuộc sống của cả một thế hệ”, ông bổ sung và nhấn mạnh. “Ta đang có trong tay cơ hội tạo nên lợi ích cho hàng triệu người trên Trái Đất này”.
Thử nghiệm thực tế cho thấy, nhóm học sinh bắt đầu học lúc 10 giờ sáng có điểm kiểm tra tốt hơn hẳn, chứng tỏ rằng giờ học bắt đầu muộn sẽ có ảnh hưởng rất tích cực. Kết quả này cho thấy cách để làm việc hiệu quả, để học tập đạt chất lượng cao, chúng ta đừng nên lao vào công việc quá sớm.
Hiện tại, những học sinh từ 100 trường học tại Anh sẽ tham gia vào một bài thử nghiệm kéo dài nhiều năm, dựa trên những bằng chứng khoa học chỉ ra rằng thiếu niên đang bị lệch nhịp sinh học khi phải liên tục đi học sớm. Đội ngũ nghiên cứu mong muốn sẽ công bố kết quả nghiên cứu vào năm 2018.
(Theo Trí Thức Trẻ)