Bất ngờ hoàn hảo

PHƯƠNG VY| 13/07/2010 05:57

Có lẽ đã rất lâu rồi, World Cup mới có một kỳ hấp dẫn và nhiều bất ngờ đến thế. Một chiến thắng trọn vẹn cho Tây Ban Nha mở ra những điều thú vị mới của bóng đá thế giới.

Bất ngờ hoàn hảo

Mùa Đông của Nam Phi đã có một tháng nóng bỏng với những trận đấu hấp dẫn cho đến phút chót. Có lẽ đã rất lâu rồi, World Cup mới có một kỳ hấp dẫn và nhiều bất ngờ đến thế. Một chiến thắng trọn vẹn cho Tây Ban Nha mở ra những điều thú vị mới của bóng đá thế giới.

Hấp dẫn trọn vẹn

Hàng tỷ người hâm mộ bóng đá đã hướng về sân vận động Soccer City tại Johannesburg, nơi diễn ra trận chung kết lịch sử Cúp bóng đá thế giới giữa đội tuyển Tây Ban Nha và Hà Lan. Cuối cùng, thế giới đã đón nhận Tây Ban Nha trở thành nhà vô địch thế giới mới trong trận chung kết lịch sử. Gọi là trận chung kết lịch sử vì đây là lần đầu tiên bóng đá châu Âu đăng quang ở bên ngoài cựu lục địa này kể từ khi bắt đầu có Cúp bóng đá thế giới vào năm 1930.

Đội tuyển Tây Ban Nha lần đầu tiên vô địch thế giới

Hành trình của đội tuyển Tây Ban Nha từ vòng đấu bảng cho đến khi chạm tay vào chiếc cúp Jules Rimet là hành trình tiêu biểu cho một kỳ World Cup hấp dẫn với đầy bất ngờ. Những nền bóng đá lớn của thế giới như Đức, Anh, Argentina, Brazil đều phải treo giầy trước những đối thủ nhỏ bé hơn. Thất bại của những ông lớn này cho thấy xu thế mới của bóng đá thế giới, ở đó các châu lục đã tìm được thế cân bằng hơn trong ngày hội bóng đá thế giới. Châu Á, châu Phi đã có những đại diện xứng đáng, hứa hẹn tạo nên những thế hệ cầu thủ có đẳng cấp quốc tế thực sự.

Hơn hết, khủng hoảng kinh tế hay bất cứ lo âu nào cũng không hề làm giảm sức hấp dẫn của môn thể thao vua. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tổng kết: tổng số khán giả trên khắp thế giới coi 64 trận đấu World Cup 2006 là 26 tỷ người. Đây là lần đầu tiên tất cả các cuộc thi đấu được truyền hình hầu như tới tất cả mọi lãnh thổ.

Số khán giả sẽ còn cao hơn nữa nếu bao gồm cả những người coi qua internet và điện thoại di động. Số cổ động viên đến sân cũng đạt con số kỷ lục: Trên 3 triệu người bất chấp giá rét của vùng Nam bán cầu đã đến sân cổ vũ cho các trận đấu, một con số lớn nhất kể từ sau World Cup 1994 tại Hoa Kỳ.

Hậu World Cup

Sẽ là khâu chuẩn bị cho World Cup tiếp theo, cụ thể là ở Brazil năm 2014. Nhưng xa hơn nữa, sau cuộc đua giành chức vô địch World Cup 2010, người ta sẽ lại được chứng kiến một cuộc đua căng thẳng không kém: Cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.

Theo lộ trình, Ban chấp hành FIFA sẽ họp vào tháng 12 tới với nội dung chính là bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai hai kỳ World Cup nói trên. Danh sách các ứng viên, sau khi đã loại Indonesia và Mexico, thì còn có Anh, Nga, Úc, Mỹ, liên danh Bỉ - Hà Lan, liên danh Bồ Đào Nha - Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc và Qatar. Và do đó, đây chính là giai đoạn quyết định cho cuộc đua đó, với những cuộc vận động hành lang bên lề các trận đấu ở World Cup 2010.

Những ngày qua, Nam Phi đã được tiếp đón rất nhiều chính khách, quan chức của các liên đoàn quốc gia tham dự cuộc đua nói trên. Dĩ nhiên, tất cả đều tranh thủ tìm kiếm sự ủng hộ, hay nói đúng hơn là tìm kiếm những lá phiếu từ các thành viên Ban chấp hành FIFA cũng đang có mặt ở World Cup.

Sự việc càng trở nên nóng bỏng khi tờ The Age của Úc đưa tin, một số thành viên Ban chấp hành FIFA đã được tặng những món trang sức đắt tiền, hay những suất đi du lịch hạng sang để họ tác động tới cuộc đua. Điều này khiến người ta nhớ lại vụ tai tiếng nổ ra ngay trước thềm World Cup, khi Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh kiêm Chủ tịch Ủy ban vận động giành quyền đăng cai World Cup của nước này, David Triesman, đã buộc phải từ chức sau khi có những phát ngôn cho rằng Nga và Tây Ban Nha có những thỏa thuận ngầm trong cuộc vận động nói trên.

Hiện FIFA đang tiến hành điều tra những thông tin của tờ The Age. Kết quả ra sao là chuyện hậu xét, song những gì xảy ra cho thấy, rõ ràng việc giành quyền đăng cai World Cup đã đem lại những gánh nặng kinh tế không hề nhỏ, như Nam Phi đang phải gánh chịu. Nhưng mặt khác, nó cũng đem lại những mối lợi to lớn mà khó đong đếm được, chí ít là về mặt quảng bá hình ảnh.

Cũng có thể lấy luôn Nam Phi làm ví dụ điển hình. Trước World Cup 2010, nhiều người Việt chỉ biết đất nước này nằm ở cực Nam châu Phi (bởi tên gọi của nó đã nói lên điều đó), chứ mấy ai biết mùa Hè ở ta lại là mùa Đông ở nước họ!

Hẹn gặp lại Brazil 2014

Một tháng World Cup với những con sốt mang tên Vuvuzela hay Jabulani đã kết thúc. Thế giới đã trở lại với vòng quay bình thường và cùng chờ đợi 4 năm nữa, khi World Cup được tổ chức ở Brazil, đất nước hâm mộ môn thể thao này cuồng nhiệt nhất thế giới. Và khi ấy, chúng ta sẽ lại được sống trong bầu không khí lễ hội thực sự như đã từng có ở Nam Phi suốt một tháng qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bất ngờ hoàn hảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO