Cuối tuần này, người dân Italy sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp, sự kiện chính trị mà nhiều nhà phân tích gọi là “quan trọng nhất ở châu Âu" năm 2016, thậm chí chấn động hơn cả Brexit vì có thể tác động tới ngành ngân hàng khu vực.
Người dân Italy bỏ phiếu cho điều gì?
Cải cách Hiến pháp. Thủ tướng Matteo Renzi dẫn đầu nhóm nói "có", đang vận động người dân bỏ phiếu cho sự thay đổi mạnh mẽ trong cả bộ máy chính trị Italy, giúp việc chèo lái nền kinh tế này dễ dàng hơn. Nếu thành công, ông Renzi sẽ loại bỏ được quyền lực từ Thượng viện, đồng nghĩa với mọi dự luật chỉ cần Hạ viện thông qua. Hiện tại, một dự luật sẽ đi vào đời sống nếu được sự đồng thuận tại cả hai viện.
Thủ tướng Renzi đã đặt cược tất cả cho canh bạc này. Nếu ông thua, đây cũng là dấu chấm hết cho tương lai chính trị của đương kim thủ tướng Italy.
Tương lai của cuộc cải cách?
Cuộc thăm dò dư luận gần nhất, được công bố 2 tuần trước thời điểm người dân đi bỏ phiếu, cho thấy phần lớn người dân được hỏi nói “không” với kế hoạch cải cách. Holger Schmieding - chuyên gia kinh tế trưởng tại Berenberg Bank cho rằng, người dân Italy sẽ từ chối cuộc cải cách mang tính lịch sử này, đồng nghĩa với việc đẩy nền kinh tế Italy rơi vào khủng hoảng.
Tuy nhiên, hy vọng vẫn còn. Bài học Brexit và gần đây là cuộc đua quyền lực nhất nước Mỹ đang khiến các cuộc thăm dò trở nên thiếu chính xác. Kết quả thăm dò cho thấy số lượng áp đảo ủng hộ Anh ở lại với Liên minh châu Âu (EU) nhưng thực tế diễn ra trái ngược. Tại Mỹ, bà Hillary Clinton dẫn trước trong phần lớn các cuộc thăm dò như lại thua đối thủ tới gần 70 phiếu đại cử tri.
>>Hậu Brexit và bầu cử Mỹ: Kết quả các cuộc thăm dò có còn đáng tin?
Các kịch bản trái ngược
“Bên cạnh những cải cách chính trị, cuộc trưng cầu là một nỗ lực nhằm lật đổ Thủ tướng Matteo Renzi. Trong khi đó, thị trường tài chính sử dụng kết quả cuộc trưng cầu để đánh giá xu hướng của người dân Italy, từ đó quyết định cho các khoản đầu tư”, ông Adolfo Laurenti - chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Thụy Điển J. Safra Sarasin nhận định.
Nếu đa số người dân chọn “có”, các chuyên gia của Ngân hàng Anh hy vọng ông Renti tiếp tục đảm trách vai trò thủ tướng trong thời gian thay đổi chính trị ở Italy. Nó sẽ diễn ra trong quý II hoặc quý III năm 2017. Đồng nghĩa với đó, thị trường Italy sẽ ít biến động và không tác động nhiều tới khu vực EU, vốn phải chịu nhiều sóng gió sau Brexit.
Nếu đa phần người dân nói “không”, Thủ tướng Renti nhiều khả năng sẽ từ chức ngay lập tức. Trong bối cảnh này, hệ thống bầu cử của Italy sẽ phải khởi động để tổ chức một cuộc bầu cử vào quý II hoặc quý III năm 2017. Phản ứng tức thì, thị trường Italy sẽ lao dốc ngay trong ngày thứ 2 đầu tuần và tác động tới cả khu vực châu Âu.
Tàn phá như thế nào tới hệ thống ngân hàng dễ tổn thương của Italy?
Rất lớn. Các quan chức và chuyên gia cấp cao các ngân hàng trong và ngoài khu vực cho rằng, nếu ông Renzi thua, 8 ngân hàng lớn nhất của Italy sẽ gặp phải hàng loạt vấn đề. Thậm chí, nó có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng ngân hàng trên toàn bộ châu Âu. Với ngành ngân hàng, nguy cơ này hiện hữu hơn nhiều so với các thay đổi chính trị của đất nước "hình chiếc ủng".
Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng tiền chung châu Âu, từng trải qua một cuộc suy thoái với khoản vay 377 tỷ USD. Các ngân hàng Italy cần 21 tỷ USD làm vốn cho những tháng sắp tới để bù lỗ các khoản vay nóng và lên kế hoạch thanh lý các khoản nợ xấu. Nếu người dân nói “không”, một sự bất ổn tài chính quy mô lớn, thậm chí gây hoảng loạn cho các nhà đầu tư, sẽ tiếp tục nối dài những bất lợi với ngành ngân hàng Italy.