Sống trong thấp thỏm ở 'yết hầu NATO'

Thanh Tâm| 02/09/2022 08:00

Kẹp giữa Kaliningrad của Nga và Belarus, nhiều người sống ở Hành lang Suwalki, nơi được ví như "yết hầu NATO", ngày càng lo lắng về nguy cơ xung đột.

Suwalki, thành phố gần 70.000 người của Ba Lan, nằm sát đường biên giới dài khoảng 70 km với Litva, kẹp giữa hai thành trì quân sự của Nga. Ở phía đông nam là Belarus, một đồng minh thân cận đóng vai trò như căn cứ tập kết lực lượng Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ở phía tây bắc là Kaliningrad, vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga.

Các chiến lược gia quân sự phương Tây gọi đó là Hành lang Suwalki. Nó còn có một tên gọi khác là "yết hầu NATO", bởi nếu Nga dùng vũ lực kiểm soát hành lang này, ba thành viên NATO là Litva, Latvia và Estonia sẽ bị chia cắt hoàn toàn khỏi phần còn lại của khối.

Hành lang Suwalki đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột trong lịch sử. Quân đội Napoleon đã tràn qua khu vực này khi tiến vào Nga cũng như rút khỏi nước này. Trong cả hai cuộc thế chiến, khu vực đã trải qua những trận đánh khốc liệt. Khi Thế chiến II kết thúc, Suwalki do Liên Xô kiểm soát và Kaliningrad được xác định là lãnh thổ của Nga.

Dù hiện tại, giới chức tình báo và quân sự phương Tây chưa thấy mối đe dọa quân sự ngay lập tức nào từ Nga, họ lo lắng về những động thái khó đoán của Moskva, đặc biệt là sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Vị trí thành phố Suwalki và hành lang Suwalki. Đồ họa: WSJ.

Vị trí thành phố Suwalki và hành lang Suwalki. Đồ họa: WSJ.

Ewa Sidorek, cựu phó thị trưởng Suwalki, cho biết nhiều người dân địa phương đã lo sợ khi Nga tiến quân vào Ukraine và một số tới giờ vẫn lo lắng. Bà nói một người bạn thậm chí đã chuẩn bị sẵn một vali quần áo và đổ đầy bình xăng trong trường hợp cần sơ tán. Thậm chí nhiều người ở các khu vực khác của Ba Lan đã nghĩ rằng hành lang Suwalki bị tấn công.

"Mọi người gọi điện hỏi chiến tranh ở đây như thế nào", bà Sidorek nói, thêm rằng số du khách tới thành phố đã giảm mạnh trong năm nay. "Họ nghĩ khu vực này nguy hiểm".

Czeslaw Renkiewicz, thị trưởng Suwalki, dự đoán khách du lịch rồi sẽ trở lại, nhưng ông lo rằng nỗi e ngại về nguy cơ xung đột sẽ làm chùn bước các nhà đầu tư. Khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda gặp Tổng thống Litva Gitanas Nauseda gần Suwalki mới đây, Thị trưởng Renkiewicz nói với ông Duda rằng các công ty ở địa phương có thể cần sự giúp đỡ của chính phủ.

Tại thị trấn Goldap gần đó, nơi cách biên giới Kaliningrad chưa đầy 5 km, các khách sạn đối mặt tình trạng hủy đặt phòng hàng loạt, theo Zuzanna Rozmyslowska-Wasilewska, quản lý trung tâm du lịch khu vực. "Rất nhiều căn hộ ở đây đã được rao bán", cô nói.

Bên kia biên giới thuộc Litva, Sandra Kvietinskaite, quản lý một văn phòng hỗ trợ công ty khởi nghiệp ở thành phố Marijampole, sẵn sàng kế hoạch sơ tán. Sau khi Nga tiến quân vào Ukraine, cô đã kiểm tra hộ chiếu của bố mẹ và đóng gói hành lý để sẵn sàng rời đi bất kỳ lúc nào.

Binh sĩ Anh tham gia một cuộc diễn tập gần hành lang Suwalki năm 2017. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Anh tham gia một cuộc diễn tập gần hành lang Suwalki năm 2017. Ảnh: Reuters.

Trong trường hợp khẩn cấp, cô sẽ đưa cha mẹ đến Đức để ở với người thân, trong khi cô tới Na Uy, nơi từng làm việc. "Tôi hy vọng chúng tôi an toàn. Tôi đang cầu nguyện", cô nói.

Đại tá quân đội Ba Lan về hưu Kazimierz Kuczynski, người sống ở Suwalki, ít lo lắng hơn. Ông nói Nga đã tiêu tốn rất nhiều nguồn lực ở Ukraine nên khó có khả năng tấn công hành lang này. "Chúng tôi có thể ngủ yên giấc", ông nói.

Andrzej Sek, giảng viên an ninh nội địa tại Đại học Nghề PUZ ở Suwalki, gần đây điều hành một hội nghị thường niên tại hành lang Suwalki. Các cuộc thảo luận chủ yếu xoay quanh những chủ đề như chiến tranh hỗn hợp, gồm các hình thức như tấn công mạng, phá hoại và các chiến thuật khác.

"Tôi hiện không thấy mối đe dọa lớn nào với Ba Lan, Litva hay hành lang Suwalki. Nhưng ai mà biết điều gì có thể xảy ra trong tương lai gần", ông nói. Nỗi lo lắng trong khu vực gia tăng vào tháng 6, khi Nga và Litva tranh cãi về tuyến tàu chạy qua Litva, nối Kaliningrad với Nga.

Trong nhiều thập kỷ, các tuyến đường ray này nằm trong lãnh thổ Liên Xô. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 và Litva tuyên bố độc lập, nó trở thành tuyến đường sắt quốc tế. Khi các nước Baltic gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004, Nga và Litva đã đồng ý với các điều khoản liên quan tới hoạt động của các chuyến tàu tới Kaliningrad. Khoảng 250 chuyến tàu Nga đã qua Litva mỗi tháng vào năm ngoái để tới vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Moskva từ tháng 2 đã khiến thỏa thuận đường sắt này trở nên phức tạp. Vào tháng 6, Litva thực thi các hạn chế của EU bằng cách cấm vận chuyển một số mặt hàng bị trừng phạt qua tuyến đường sắt này. Điều này khiến giao thông vận tải đường sắt từ Nga tới Kaliningrad bị tắc nghẽn.

Moskva cáo buộc Litva áp lệnh phong tỏa với Kaliningrad và đe dọa đáp trả. Khi căng thẳng gia tăng vào tháng 7, Litva nói họ chỉ thực thi yêu cầu của EU, trong khi Đức và một số thành viên kêu gọi không làm căng thẳng tình hình. Cuối tháng 7, Litva và các đồng minh EU nhất trí để các đoàn tàu Nga tiếp tục di chuyển tới Kaliningrad.

Nhưng điều đó lại khiến người dân Litva cảm thấy bất an. "Nhiều chuyến tàu Nga chạy qua Litva. Chúng tôi rất lo lắng", Migle Onaityte, cư dân 19 tuổi ở Pilviskiai, gần tuyến đường sắt, nói.

Nhiều chuyến tàu Nga đã được trực thăng Litva hộ tống để đảm bảo chúng không dừng lại, không đưa thêm hoặc tháo dỡ cái gì khỏi tàu. Biên phòng Litva đã tăng cường lực lượng tuần tra gấp 4 lần so với năm 2020.

"Một số người tưởng rằng những trực thăng quân sự đó là của Nga. Thật đáng sợ", Onaityte nói. "Mọi người cũng sợ cả Belarus", Davydas Jasaitis, một người bạn của Onaityte, cho biết thêm.

Một người đạp xe trên con phố ở Suwalki, biên giới Ba Lan - Litva. Ảnh: WSJ.

Một người đạp xe trên con phố ở Suwalki, biên giới Ba Lan - Litva. Ảnh: WSJ.

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến chính quyền thành phố Suwalki tăng cường khả năng phòng thủ dân sự. Phó thị trưởng Sidorek cho biết giới chức đã chuẩn bị sẵn các kịch bản đề phòng xung đột nổ ra, nhưng không công bố rộng rãi.

"Phần lớn các lệnh báo động hoặc quy trình ứng phó xung đột đang được giữ bí mật", bà nói.

Thị trưởng Renkiewicz nói rằng đầu năm nay, ông đã yêu cầu kiểm tra lại các hầm trú ẩn cũng như bãi đỗ xe ngầm có thể được trưng dụng làm ẩn náu cho người dân khi cần thiết, nhưng không công khai để tránh gây thêm lo lắng cho công chúng. Ông cho hay thành phố có 19 loại còi báo động cho những tình huống khác nhau, và cư dân cần được hướng dẫn thêm để phân biệt chúng.

Mỗi năm hai lần, lực lượng quân sự Mỹ và NATO lại được triển khai đến căn cứ cách thành phố Suwalki gần 90 km. Sự hiện diện của lực lượng NATO giúp người dân khu vực bớt lo lắng hơn về nguy cơ "yết hầu" bị cắt đứt. "Mọi người thấy NATO thực sự ở đây, chứ không chỉ qua lời kể", Renkiewicz nói.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống trong thấp thỏm ở 'yết hầu NATO'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO