Virus corona – Những điều cần biết

Bảo Quân| 01/04/2020 04:55

Doanh Nhân Sài Gòn xin gửi đến quý bạn đọc các thông tin cần biết và cách xử lý khi có người bị phơi nhiễm chủng virus gây bệnh Covid-19 đáng sợ này.

Virus corona – Những điều cần biết

Tính đến 6g00 sáng 1/4/2020, Việt Nam đã ghi nhận 212 người bị nhiễm SARS-CoV-2 một chủng của virus corona. Doanh Nhân Sài Gòn xin gửi đến quý bạn đọc các thông tin cần biết và cách xử lý khi có người bị phơi nhiễm chủng virus đáng sợ này.

1. Virus corona là gì?

Coronavirus (còn được gọi là virus corona) là một nhóm gồm các loại virus thuộc phân họ Coronavirinae, theo bộ Nidovirales. Chủng virus này gây bệnh ở các loài động vật có vú, bao gồm cả con người và chim. Ở người, virus corona gây nhiễm trùng đường hô hấp, có thể dẫn đến tử vong.

Giống như 2 chủng virus MERS-CoV và SAR-CoV, bệnh do virus corona (Covid-19) là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi một chủng vi-rút mới trước đây chưa từng được xác định ở người. Các cơ quan y tế và đối tác y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của virus. 

2. Các chủng virus corona ở người và ở động vật

* Virus corona ở người:

Có 7 chủng virus corona trên người đã được biết tới:

- Corona virus 229E ở người (HCoV-229E)

- Corona virus OC43 (HCoV-OC43)

- SARS-CoV (gây Hội chứng viêm hô hấp cấp nặng)

- Corona virus ở người NL63 (HCoV-NL63)

- Corona virus ở người HKU1

- Corona virus MERS-CoV (gây Hội chứng hô hấp Trung Đông, trước đây gọi là virus corona mới 2012 và HCoV-EMC) 

- SARS-CoV-2 còn được gọi là 2019-nCoV, Covid-19 

Virus-corona-Nhu-ng-die-u-ca-n-6415-3538

Hiện, có 7 chủng virus corona trên người đã được biết tới; trong đó, SARS-CoV-2 gây ra Covid-19 có bộ gen giống ít nhất 70% với virus gây ra dịch SARS năm 2003.

Sau sự bùng phát của dịch SARS năm 2003, các nhà virus học đã bắt đầu quan tâm hơn tới các chủng virus corona. Trong nhiều năm, các nhà khoa học chỉ biết về 2 loại virus corona ở người là HCoV-229E và HCoV-OC43. Việc phát hiện SARS-CoV đã bổ sung một loại virus corona thứ ba ở người.

Đến cuối năm 2004, ba phòng thí nghiệm nghiên cứu độc lập đã báo cáo về việc phát hiện ra một loại virus corona thứ tư ở người. Nó đã được các nhóm nghiên cứu khác nhau đặt tên là NL63, NL và New Haven coronavirus. Đầu năm 2005, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông báo cáo đã tìm thấy một loại virus corona thứ năm ở hai bệnh nhân bị viêm phổi. Họ đặt tên cho nó là Human coronavirus HKU1.

Riêng dịch viêm phổi ở Trung Quốc vào năm 2019–2020, bắt nguồn từ một loại virus corona mới được WHO ký hiệu là 2019-nCoV, bùng phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và dần lan rộng sang các vùng khác ở Trung Quốc cũng như các quốc gia khác.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) là Covid-19 (viết tắt của Coronavirus Diseases 2019). Ủy ban quốc tế về phân loại virus (ICTV) cũng quyết định đặt tên chính thức cho chủng virus corona mới này là SARS-CoV-2 vào ngày 11/2/2020.

* Virus corona ở động vật:

Virus corona đã được công nhận là nguyên nhân gây bệnh lý trong thú y từ đầu những năm 1970, ngoại trừ viêm phế quản truyền nhiễm gia cầm và các bệnh liên quan chủ yếu tại đường ruột.

Chợ buôn bán động vật hoang dã - một trong những địa điểm bị tình nghi làm bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc

Chợ buôn bán động vật hoang dã - một trong những địa điểm bị tình nghi làm bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc

Virus corona chủ yếu lây nhiễm đường hô hấp trên và đường tiêu hóa của động vật có vú và chim, gây ra một loạt các bệnh ở động vật trang trại và vật nuôi được thuần hóa, có thể trở thành mối đe dọa cho ngành nông nghiệp. Ở gà, virus corona không chỉ gây bệnh ở đường hô hấp mà còn cả đường tiết niệu và có thể lây lan đến các cơ quan khác. 

Với loài heo và bò, virus corona gây bệnh viêm dạ dày, viêm ruột, có thể dẫn đến viêm phúc mạc do nhiễm trùng (FIP), một bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Chủng virus này gây tổn thương nghiêm trọng đặc biệt với gia súc mới sinh.

Với loài chồn, virus corona gây ra hội chứng rối loạn tiêu hóa, gọi là viêm ruột epizootic (ECE). Virus viêm gan chuột (MHV) cũng là một loại virus corona gây ra bệnh dịch trên chuột với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là trong số các đàn chuột trong phòng thí nghiệm. 

3. Các dịch bệnh nghiêm trọng từ virus corona

* Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS)

Năm 2003, sau khi SARS bùng phát ở châu Á và các trường hợp thứ phát ở một số nơi khác trên thế giới, WHO đã đưa ra thông cáo báo chí nói rằng một loại virus corona mới là tác nhân gây bệnh SARS. Virus được đặt tên chính thức là SARS coronavirus (SARS-CoV). Có hơn 8.000 người bị nhiễm bệnh này và khoảng 10% trong số đó tử vong. 

* Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS)

Vào tháng 9/2012, một loại virus corona mới đã được xác định, ban đầu được gọi là Novel Coronavirus 2012, và bây giờ được đặt tên chính thức là virus corona hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV). Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một cảnh báo toàn cầu ngay sau đó. Đến ngày 30/10/2013, đã có 124 trường hợp và 52 người chết ở Ả Rập Saudi. 

Vào tháng 5/2014, hai trường hợp nhiễm MERS-CoV duy nhất của Mỹ đã được ghi nhận; cả hai ca bệnh đều xảy ra ở những nhân viên chăm sóc sức khỏe làm việc ở Ả Rập Saudi và sau đó đi du lịch đến Mỹ, một bệnh nhân được điều trị ở Indiana và một điều trị ở Florida. Cả hai bệnh nhân này đã được nhập viện tạm thời và sau đó xuất viện.

MERS - một trong số những dịch bệnh nguy hiểm gây ra bởi virus corona

MERS - một trong số những dịch bệnh nguy hiểm gây ra bởi virus corona

Tháng 5/2015, dịch MERS-CoV đã xảy ra ở Hàn Quốc, khi một người đàn ông đi du lịch đến Trung Đông. Bệnh nhân này đã đến 4 bệnh viện khác nhau trong khu vực Seoul để điều trị bệnh. Đây chính là một trong những vụ dịch MERS-CoV lớn nhất bên ngoài Trung Đông.

Tính đến tháng 12/2019, có 2.468 trường hợp nhiễm MERS-CoV đã được xác nhận, 851 trong số đó đã tử vong, tỷ lệ tử vong khoảng 34,5%.

* Dịch viêm phổi Vũ Hán năm 2019-2020 (Covid-19)

Dịch viêm phổi bắt đầu vào giữa tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc, khi một nhóm người bị bệnh viêm phổi nhưng không rõ nguyên nhân, liên quan chủ yếu đến những người buôn bán làm việc tại chợ hải sản Hoa Nam - nơi chuyên bán động vật hoang dã sống.

Các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã tìm thấy một chủng loại virus corona chưa từng biết đến trước đó, được WHO ký hiệu tạm thời là 2019-nCoV và sau đó có tên chính thức là SARS-CoV-2 được đặt bởi ICTV. Loại virus corona mới phát hiện này có bộ gen giống ít nhất 70% với virus gây ra dịch SARS năm 2003 (SARS-CoV).

4. Cơ chế lây truyền của Covid-19?

Virus gây bệnh ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. 

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt của họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

5. Các triệu chứng của Covid-19

Các triệu chứng của Covid-19 từ nhẹ đến nặng gồm sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, Covid-19 gây sốt và có thể làm tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, bệnh nhân bị viêm phổi và có thể lây lan nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là người cao tuổi và những người mắc bệnh nền sẵn có.

Virus-corona-Nhu-ng-die-u-ca-n-9778-7793

6. Làm thế nào để kiểm tra một người có mắc Covid-19?

Các kiểm tra chẩn đoán chính xác Covid-19 chỉ có thể được tiến hành tại các cơ sở y tế được phép thực hiện xét nghiệm. Kỹ thuật xác định chủng SARS-CoV-2 gồm kỹ thuật giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) và kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm SARS-CoV-2, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

7. Tự bảo vệ bản thân bằng cách nào?

Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2, mỗi người hãy chủ động thực hiện các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc.

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn); súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Khẩu trang - vũ khí đắc lực để phòng chống Covid-19

Khẩu trang - vũ khí đắc lực để phòng chống Covid-19

- Chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

- Không đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng…

- Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.

- Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

- Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

- Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.

8. Xử lý khi có trường hợp mắc Covid-19 

Bộ Y tế công bố 2 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về Covid-19 là 1900.3228 và 1900.9095.

Ngoài đường dây nóng của Bộ Y tế, 63 tỉnh thành cũng có đường dây nóng tư vấn phòng chống Covid-19 để người dân khi có nhu cầu sẽ được cung cấp thông tin kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Virus corona – Những điều cần biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO