Thế giới đã có vaccine ngừa sốt xuất huyết

TS-BS. VÕ XUÂN QUANG - Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin| 03/01/2016 02:31

Thông tin về vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết vừa được triển khai ở Mexico đã làm dấy lên mối quan tâm của các bậc phụ huynh Việt Nam do căn bệnh này vẫn còn là mối nguy, nhất là đối với sức khỏe trẻ em.

Thế giới đã có vaccine ngừa sốt xuất huyết

Thông tin về vaccine ngừa bệnh sốt xuất huyết vừa được triển khai ở Mexico đã làm dấy lên mối quan tâm của các bậc phụ huynh Việt Nam do căn bệnh này vẫn còn là mối nguy, nhất là đối với sức khỏe trẻ em.

Đọc E-paper

Tìm hiểu về Dengvaxia

Vaccine Dengvaxia là loại vaccine chế tạo từ virus giảm độc lực (LAV=Live attenuated virus), có khả năng chống lại cả bốn phân nhóm virus gây bệnh sốt xuất huyết. Nhà sản xuất Sanofi Pasteur đã nghiên cứu dòng vaccine này từ năm 1992, song song với nhiều công ty dược phẩm khác. Mỗi công ty có những công nghệ khác nhau và do đó, sẽ có hiệu quả, chỉ định và tỷ lệ tai biến khác nhau. Tuy nhiên, Dengvaxia được nhắc đến vì đây là sản phẩm duy nhất đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và sẵn sàng để được thương mại hóa. Các vaccine khác đều đang được thử nghiệm và chưa thể áp dụng trong nhiều năm tới.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, những cố gắng để tạo nên vaccine cho đến nay gặp nhiều khó khăn vì sự phức tạp trong cấu trúc của 4 phân nhóm của virus (DEN1 - ­ DEN4 ), dẫn đến việc không có miễn nhiễm chéo. Vaccine muốn có hiệu quả cần phải có tác dụng trên cả bốn phân nhóm cùng lúc vì việc chống lại một nhóm duy nhất có thể dẫn đến rủi ro mắc phải thể bệnh nặng khi nhiễm các phân nhóm còn lại. Vì thế, tuy vaccine đơn nhóm đã được Sabin và Schelsinger đưa ra từ năm 1945, việc sử dụng thương mại của vaccine 4 nhóm chỉ được cấp phép vào năm 2015, đến 70 năm sau!

Việc nghiên cứu pha 3 của Dengvaxia đã được triển khai tại 15 nước từ năm 2011, trong đó có Việt Nam. Các kết quả của hai vùng dịch tễ lớn là châu Á và Nam Mỹ đã cho thấy Dengvaxia có tác dụng phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết và thể nặng của nó, tuy còn hạn chế. Sau khi pha 3 kết thúc, Sanofi đã đề nghị triển khai thương mại trên 20 nước và Mexico là nước đầu tiên đồng ý với đề xuất này.

Hiệu quả bảo vệ của Dengvaxia

Đa số người dân đều nghĩ đơn giản là vaccine có tác dụng phòng bệnh và chỉ cần tiêm vaccine là yên tâm. Điều ít ai để ý là mỗi loại vaccine chỉ có hiệu quả bảo vệ ở một tỷ lệ nào đó, có thể gần như 100%, như vaccine bại liệt, nhưng cũng có thể thấp hơn như trong trường hợp này của Dengvaxia. Nghiên cứu pha 3 của Dengvaxia được thực hiện trên 31.000 trẻ (Số liệu trong bài tham khảo từ Tạp chí New England Journal of Medicine, số ngày 24/9/2015) từ 2 ­ - 14 tuổi, kết quả lúc ban đầu không thật phấn khởi nhưng khi phân tích dữ liệu theo độ tuổi, các nhà nghiên cứu chỉ ra là có sự khác biệt giữa hai nhóm trên và dưới 9 tuổi.

Từ 9 tuổi trở lên, vaccine có hiệu quả bảo vệ là 65,6% (so với 44,6% ở nhóm dưới 9 tuổi), giúp tránh mắc thể nặng là 93,2% (so với 44,5%) và giúp tránh nằm viện trong 80,8% (so với 56,1%).

Hiệu quả bảo vệ của vaccine còn thay đổi khá nhiều theo phân nhóm. Cụ thể, trong nhóm từ 9 tuổi trở lên, hiệu quả bảo vệ của phân nhóm 4 là 83,2%, trong khi đối với phân nhóm 2 chỉ là 47,1%.

Các kết quả của pha 3 cho thấy, ở thời điểm hiện tại, Dengvaxia chỉ có tác dụng bảo vệ ở nhóm từ 9 tuổi trở lên, và tác dụng này cũng không phải là tuyệt đối 100%. Mặt khác, đối với một vài phân nhóm, tác dụng này còn có thể thấp hơn đáng kể.

Cần biết rằng, những kết quả này là tổng hợp từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, nhưng mô hình bệnh và phân bố dịch tễ virus ở từng nước có thể khác nhau nên việc ứng dụng trên thực tế cũng khác nhau.

Hình ảnh: Nguồn Internet

Sử dụng Dengvaxia ở Việt Nam

Tuy Sanofi đã cam kết có giá cả hợp lý cho các nước đang phát triển nhưng việc đưa Dengvaxia vào sử dụng đại trà chắc chắn sẽ có chi phí đáng kể. Vì thế, các nước đều đang cố gắng phát triển nguồn vaccine tại chỗ. Ngày 14/12/2015, Brazil đã công bố bắt đầu thử nghiệm pha 3 của vaccine Butantan nhờ sự cộng tác với NIH (National Institut of Health, Mỹ). Việt Nam cũng có những bước tương tự, qua sự cộng tác với NIH và sự giúp đỡ của DVI (Dengue Virus Initiative).

Trong khi chờ đợi các giải pháp tự thân này, việc cho phép lưu hành Dengvaxia có thể là một giải pháp tạm thời để giảm bớt gánh nặng của căn bệnh sốt xuất huyết lên hệ thống y tế. Quyết định của Bộ Y tế Mexico là dựa trên những mô hình bệnh và các con toán cho thấy những lợi ích đạt được khi triển khai vaccine đúng đối tượng. Tương tự, các nhà quản lý y tế của Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác cũng sẽ phải dè dặt cân nhắc khi áp dụng vào nước mình, nhất là khi chưa có khuyến cáo cụ thể từ Tổ chức Y tế Thế giới.

Cần nhắc lại, điểm hạn chế của Dengvaxia là hiệu quả vừa phải và chỉ được dùng cho trẻ từ 9 tuổi trở lên, trong khi nhóm tuổi thường hay bị sốt xuất huyết là từ 3 - 10 tuổi. Nói cách khác, các biện pháp phòng ngừa truyền thống như ngủ mùng, diệt muỗi, cách ly vẫn là yếu tố quan trọng trong việc phòng bệnh và phòng dịch hiện nay. Mặt khác, do chỉ mới hoàn thành pha 3, các vấn đề về lâu dài của vaccine như phác đồ tối ưu, tác dụng phụ và hiệu quả lâu dài vẫn cần được tiếp tục đánh giá và nghiên cứu thêm.

Các pha lâm sàng trong thử nghiệm thuốc và sinh phẩm y học, bao gồm vaccine:

Pha 0: Khảo sát tính chất dược lý và dược động học

Pha 1: Đánh giá tính an toàn

Pha 2: Đánh giá tính sinh miễn dịch

Pha 3: Đánh giá cuối cùng về hiệu quả và sự an toàn trong thực tế, thường làm ở nhóm lớn phù hợp

Pha 4: Nghiên cứu sau khi đưa vào sử dụng thương mại, bao gồm hiệu quả lâu dài, rủi ro và các chỉ định.

>WHO: Đã tìm thấy vaccine chống Ebola hiệu quả 100%

>Vaccine cúm A/H1N1 đến Bắc Kinh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới đã có vaccine ngừa sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO