Sử dụng yến sào đúng cách

BS. CK1 ĐÀO THỊ YẾN THỦY - Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM| 05/09/2015 04:16

Yến sào đã trở nên phổ biến trong khẩu phần ăn của các gia đình có mức thu nhập từ khá trở lên, nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng để mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe.

Sử dụng yến sào đúng cách

Nếu như ngày xưa các thực phẩm bổ dưỡng thuộc nhóm quý hiếm: yến sào, vi cá, nhung hươu... chỉ dành cho vua chúa, thì nay chúng đã có mặt trong khẩu phần ăn của các gia đình có mức thu nhập từ khá trở lên. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng để mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe.

Đọc E-paper

Hiện nay, dù giá cả vẫn còn khá đắt nhưng do công nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm phát triển, sản phẩm được tiếp thị và giới thiệu rộng rãi nên việc tìm mua và sử dụng nhóm thực phẩm trên đã tương đối phổ biến hơn.

Với yến sào ngân nhĩ chẳng hạn, hiện có thể dễ dàng tìm thấy ở các nhà hàng, khách sạn lớn. Đã có công ty sản xuất và phân phối yến sào với nhiều chi nhánh, đại lý trong cả nước, với giá cả thay đổi tùy loại, từ cao đến... rất cao, từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho 100gr yến.

Yến sào có thật sự bổ dưỡng?

Yến sào là hợp chất gồm 2 yếu tố chính: glyco và protein. Phần glyco bao gồm 7 loại xơ tan trong cơ thể, dễ hấp thụ. Phần protein có chứa nhiều acid amin thiết yếu cơ thể không tổng hợp được.

Yến sào có 18 loại acid amin, một số có hàm lượng rất cao như Aspartic acid, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine... Đặc biệt, acid Syalic với hàm lượng 8,6% và Tyrosine là những chất có tác dụng phục hồi nhanh các tổn thương khi bị nhiễm xạ hay chất độc hại, kích thích sinh trưởng hồng cầu.

Ngoài ra, yến sào có cấu trúc glucoprotein có năng lượng cao, cơ thể dễ hấp thụ. Các nguyên tố đa, vi lượng trong yến sào rất phong phú, rất giàu canxi (Ca) và sắt (Fe) là các khoáng chất cần thiết cho cơ thể.

Các nguyên tố có ích cho ổn định thần kinh, trí nhớ như mangan, brôm, đồng, kẽm (Mn, Br, Cu, Zn) cũng có hàm lượng cao. Một số nguyên tố hiếm tuy với hàm lượng thấp nhưng rất quý giá trong kích thích tăng tiêu hóa hấp thu qua màng ruột như crôm (Cr), chống lão hóa, chống chất phóng xạ như selen (Se). Qua đó có thể thấy yến sào rất quý.

Yến sào có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể; tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, bồi bổ hệ huyết học, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, giảm thời gian đông máu, tăng cường sự kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị thương tổn, chống lão hóa, giúp hồi xuân, tăng tuổi thọ.

Gần đây, khi nghiên cứu tác dụng của yến sào trong trường hợp cơ thể bị nhiễm chất độc hại, người ta nhận thấy yến sào hạn chế mức độ sút cân, phục hồi sức khỏe nhanh, ổn định các chỉ tiêu huyết học.

Yến sào cũng đang được nghiên cứu dùng điều trị các bệnh ung thư và HIV/AIDS vì có chứa một số hoạt chất sinh học kích thích sinh trưởng tế bào bạch cầu ngoại biên.

Sử dụng yến sào như thế nào là hợp lý?

Có một số người tuổi cao thấy sức yếu, muốn "bổ mau mạnh sớm" nên đã sử dụng yến sào mỗi ngày và liên tục mấy ngày liền. Hậu quả là cơ thể không thể tiêu hóa, gây khó chịu, bụng đầy trướng và không thể ăn cơm. Đó là do lượng đạm khá cao trong yến sào.

Người lớn tuổi có gan, thận yếu, người bệnh gan, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh gout (thống phong)... không nên ăn quá nhiều đạm.

Yến sào giúp bồi bổ, tăng sức khi yếu mệt vì ăn uống kém hay bệnh tật, nhưng không phải là thuốc thần để chữa bệnh. Yến sào cũng không phải là thực phẩm tuyệt đối hoàn hảo về dinh dưỡng và không thể thay thế hoàn toàn cho bữa ăn với thực phẩm thông thường.

Người trưởng thành, phụ nữ hoặc trẻ em có thể thỉnh thoảng dùng yến sào như một loại thực phẩm cung cấp chất đạm, nhất là khi ăn uống kém. Với một tổ yến khoảng 8 - 10gr thì người lớn có thể ăn 1/2 hay 1/3 tổ mỗi ngày; dùng cho trẻ em thì chia làm 4 - 5 phần, ăn mỗi ngày 1 phần, nên ăn lúc bụng hơi đói để hấp thu tốt.

Không nên ăn một lúc nhiều hơn 20gr yến sào và cũng không cần ăn thường xuyên mà nên luân phiên với các thức ăn giàu đạm khác như thịt, cá, trứng, sữa, đậu hũ...

Khi dùng một thực phẩm lạ, hãy "lắng nghe cơ thể của mình" để đoán biết sự thích hợp của thực phẩm đối với cơ thể. Vừa đủ là nguyên tắc của dinh dưỡng hợp lý.

>8 đồ uống lành mạnh cho người bị tiểu đường

>Trái cây tươi: Thức ăn nhẹ hàng đầu

>Thực phẩm tốt - xấu cho bệnh viêm xoang

>Thực phẩm giúp tăng cường cơ bắp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sử dụng yến sào đúng cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO