Những nhóm người nên đặc biệt cảnh giác với biến thể BA.5 của Omicron

HT| 06/07/2022 06:00

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, biến thể phụ BA.5 của Omicron được đánh giá có khả năng lây lan nhanh, gây rủi ro cao đối với một số nhóm người, nên rất cần tiêm mũi vaccine tăng cường để duy trì miễn dịch.

Những nhóm người nên đặc biệt cảnh giác với biến thể BA.5 của Omicron

Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10-13%. Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5. Biến thể BA.4 và BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát. Trong tuần qua, biến thể BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu.

Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, ngành y tế Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. Việc sử dụng các biện pháp như đeo khẩu trang ở những không gian kín, rửa tay… đã giúp kiểm soát được dịch. WHO khẳng định là Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp chính phủ phát hiện sớm các nhóm gen hoặc các biến chủng mới.

Việt Nam đã tiêm chủng với tỷ lệ rất cao và vaccine mà Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả đối với các biến thể BA.4 và BA.5. Đấy chính là lý do người dân Việt Nam vẫn được khuyến cáo tiêm các mũi vaccine phòng Covid-19, mũi nhắc lại, mũi tăng cường. 

Link bài viết

Đại diện WHO cho rằng cần phải tiêm liều bổ sung, đặc biệt các nhóm đối tượng nguy cơ cao. WHO khuyến nghị liều bổ sung nên tiêm cách 4-6 tháng sau khi đã hoàn thành liều tiêm cơ bản, do hiệu quả vaccine suy giảm dần theo thời gian, kể cả với Omicron và Delta. Cách tốt nhất để ngăn ngừa Covid-19 lây lan là đảm bảo mỗi người đều được bảo vệ thông qua tiêm phòng.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những người lớn tuổi thì miễn dịch đã giảm hơn. Do đó, những đối tượng này cần phải tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập. Cán bộ y tế tuyến đầu rất cần tiêm, bởi đây là những người có nguy cơ cao. Khi các biến thể mới có mức độ xâm nhập, lây lan như vậy có thể ngăn chặn, giảm được mức độ lây nhiễm sang cho các đối tượng khác, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

Cục Y tế dự phòng cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ các mũi tiêm nhắc lại để vừa ngăn chặn dịch, vừa tránh được lây lan cho những người có nguy cơ cao như người trên 50 tuổi trở lên, những người có mức độ suy giảm miễn dịch ở thể vừa và thể nặng. Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc của trẻ em trong thời gian qua, từ lúc bắt đầu dịch đến giờ, tương đương với tỷ lệ mắc trên người lớn, tức là khoảng 20-25% trẻ em mắc Covid-19. Do đó, trẻ em cũng là nhóm yếu thế bởi chưa được tiêm chủng nhiều, đặc biệt là nhóm dưới 11 tuổi. Nếu biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh trong cộng đồng, trẻ em dễ dàng bị lây hơn do ý thức đeo khẩu trang, khử khuẩn không bằng so với người lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những nhóm người nên đặc biệt cảnh giác với biến thể BA.5 của Omicron
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO