Ngại nhất là virus cúm A/H1N1 "liên kết" với H5N1

P.V| 02/07/2009 04:11

Dịch cúm A/H1N1 đang lan nhanh, mỗi ngày Việt Nam ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân mới. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) lo ngại: Phải đề phòng trước nguy cơ tái tổ hợp 2 chủng virus H1N1 và H5N1...

Ngại nhất là virus cúm A/H1N1

Ảnh: Phạm Hải

Dịch cúm A/H1N1 đang lan nhanh, mỗi ngày Việt Nam ghi nhận thêm nhiều bệnh nhân mới. TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) lo ngại: Phải đề phòng trước nguy cơ tái tổ hợp 2 chủng virus H1N1 và H5N1 bởi chủng này vừa lan nhanh, vừa có tỷ lệ tử vong cao, nhất là trong dịp hè...

Trước diễn biến dịch cúm A/H1N1 đang ngày càng căng thẳng, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Nga.

- Xin ông cho biết Việt Nam hiện đang ở giai đoạn nào của dịch?

Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam hiện chưa lây lan ra cộng đồng. Chúng ta vẫn đang ở trong thời kỳ giám sát các ca bệnh và các ca nghi ngờ. Hiện Việt Nam đã có 166 người nhiễm cúm.

Tính đến nay, đã có 16 ca nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với bệnh nhân nhưng chưa có hiện tượng lây nhiễm sang người thứ 3.

Còn trên thế giới, tình hình đã phức tạp hơn nhiều. Thế giới đang ở mức cảnh báo số 6 - mức cao nhất của đại dịch.

- Vậy trong trường hợp nào, Việt Nam mới công bố dịch lây lan trong cộng đồng?

Ngoài những người nhiễm bệnh do tiếp xúc gần, khi nào phát hiện ổ dịch cúm A/H1N1 không rõ nguồn gốc, có tới 3 đến 4 người bị nhiễm bệnh và lây qua nhau thì chúng tôi sẽ công bố dịch ở Việt Nam đã lây lan ra cộng đồng.

Nếu dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đối phó.

- Trong số những nguy cơ của dịch bệnh, hiện tại nguy cơ nào khiến Việt Nam lo ngại, thưa ông?

TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Viện đã tiến hành phân lập các chủng virus của người bệnh đến từ Úc, Mỹ và kết quả là virus cúm A/H1N1 tại Việt Nam có độ tương đồng cao với virus cúm A/H1N1 đang lưu hành trên thế giới. Đến bây giờ, có thể khẳng định virus cúm A/H1N1 vẫn đang ổn định”

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới, tính chất cúm giữa các nước khác nhau không giống nhau, và virus cúm sẽ biến đổi theo mùa.

Tại Việt Nam, tồn tại song song cúm gia cầm A/H5N1. Virus cúm A/H5N1 trên gia cầm và trên người tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn bùng phát với tỷ lệ tử vong cao. Virus cúm A/H1N1 lây lan nhanh từ người sang người, nguy cơ tái tổ hợp 2 chủng virus này tạo thành chủng vừa lan nhanh, vừa có tỷ lệ tử vong cao, nhất là trong dịp hè nhiều khách du lịch và lưu học sinh từ các nước có dịch về Việt Nam.

Bộ Y tế dự báo nếu có sự tái tổ hợp giữa chủng virus cúm A/H1N1 với chủng virus cúm A/H5N1, số ca mắc và tử vong sẽ cao trong mùa thu đông tới bởi khí hậu, thời tiết mùa này tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát triển. Virus cúm sống “dai” hơn trong điều kiện nhiệt độ thấp.

- Ở thời điểm này, những ưu tiên của Việt Nam trong công tác đối phó với dịch cúm?

Ở thời điểm này, Việt Nam tiếp tục ưu tiên giám sát chặt chẽ các ca bệnh cũng như cách ly các trường hợp nghi ngờ, đồng thời tăng cường truyền thông cho công tác phòng chống dịch bệnh, giúp đông đảo nhân dân nắm được thông tin về dịch để tự giác phòng bệnh.

Song song với đó là công tác điều trị bệnh nhân đúng phác đồ, xử lý y tế nhanh chóng đối với những người nghi ngờ do tiếp xúc với người bệnh cũng được thực hiện rất chặt chẽ, hiệu quả.

Ông Nguyễn Huy Nga: "Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó nếu dịch cúm lây lan ra cộng đồng" (Ảnh: C.Q)

- Còn những tính toán “dài hơi” của Bộ Y tế?

- Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các bộ/ngành, tỉnh/thành phố khẩn trương xây dựng và hoàn thiện “Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A/H1N1” của riêng bộ/ngành, địa phương mình và chủ động triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp với diễn biến của dịch.

Ngoài ra, Bộ Y tế rất cần sự phối hợp và chủ động phòng dịch của người dân và các cơ quan thông tin đại chúng. Có nhiều người do đọc báo, đài và thấy mình có dấu hiệu nhiễm bệnh nên đã chủ động đến khám.

Nếu dịch lây lan trong cộng đồng, Việt Nam sẽ ưu tiên công tác chăm sóc, điều trị.

- Chúng ta đã có những điều chỉnh linh hoạt nào trong quá trình phòng, chống dịch?

Chúng tôi đã mở rộng phạm vi xét nghiệm ra nhiều bệnh viện để đáp ứng lượng người nghi ngờ cần được xét nghiệm ngày càng tăng cao. Đầu tiên chỉ có Bệnh viện Nhiệt Đới TP. HCM, sau đó có thêm một số bệnh viện khác tại TP. HCM.

Ngoài ra, công tác điều trị cũng có những thay đổi. Khi bệnh nhân cúm tăng nhanh, các bệnh viện khu vực như Bệnh viện Trung ương Huế đã tham gia điều trị bệnh nhân.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát cửa khẩu đường bộ vì Việt Nam đã có bệnh nhân cúm A/H1N1 vào qua đường bộ.

Các giường bệnh, khu cách ly sẽ được bổ sung thêm để phù hợp với tình hình mới.

- Trong buổi họp giao ban ngày 24/6, ông đã tiếp thu ý kiến cho rằng khi số bệnh nhân vượt quá con số 100, Việt Nam sẽ dừng xét nghiệm phát hiện bệnh lần 2, vừa để tiết kiệm vừa để giảm tải. Hiện nay, lượng bệnh nhân đã là 166, xin ông cho biết ý kiến của Bộ Y tế về vấn đề này?

Chúng ta vẫn phải làm xét nghiệm phát hiện bệnh lần 2, vì bên cạnh việc phục vụ công tác điều trị, chúng ta còn phải làm công tác nghiên cứu.

- Xin cảm ơn ông!

Các tỉnh, bộ, ngành lơ là với dịch cúm A/H1N1?

"Đã hơn 2 tháng dịch xuất hiện trên thế giới, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần yêu cầu các tỉnh, thành, các bộ, ngành hoàn thành kế hoạch hành động phòng chống cúm A/H1N1 của riêng mình.

Nhưng tính đến thời điểm này, mới chỉ có 20/63 tỉnh và 1/26 bộ, ngành có kế hoạch phòng chống cúm. Có thể nói đó là biểu hiện thực hiện chưa nghiêm, còn nói hơi “nặng lời” thì đó là lơ là với dịch. Hay là các địa phương đó chưa có bệnh nhân nên chưa lo?" (Hiện dịch cúm A/H1N1 đã có mặt tại 17 tỉnh, thành - PV)

(Ông Doãn Huy Chung, Chuyên viên Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngại nhất là virus cúm A/H1N1 "liên kết" với H5N1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO