Học cách sống chung với "secondhand stress"

AN BÌNH| 12/12/2018 06:29

Cảm xúc có khả năng lan tỏa. Nếu bạn làm việc với người hạnh phúc và lạc quan, có nhiều khả năng bạn cũng cảm thấy như vậy. Còn ngược lại, nếu đồng nghiệp liên tục căng thẳng, bạn cũng "stress lây".

Học cách sống chung với

Bạn thức dậy đúng giờ, đến nơi làm việc mà không có gì bất thường xảy ra cho tới khi một đồng nghiệp bước vào phòng với vẻ mặt cau có và đóng sầm hộc bàn làm việc của cô ta. Sau đó bạn cảm thấy mình cũng bị stress và có những hành vi tương tự. Trùng hợp ư? Không, đó chính là “secondhand stress”, hay có thể nói rằng bạn đã bị “lây stress” từ người khác.

Cảm xúc có khả năng lan tỏa. Nếu bạn làm việc với người hạnh phúc và lạc quan, có nhiều khả năng bạn cũng cảm thấy như vậy. Còn ngược lại, nếu đồng nghiệp liên tục căng thẳng, bạn cũng stress theo. Bạn có thể bị nhiễm stress từ người yêu, vợ hoặc chồng, từ người lạ hoặc thậm chí từ một nhân vật trên phim truyền hình. Làm thế nào để tránh được secondhand stress? Liệu bạn có thể lánh khỏi những cảm xúc của đồng nghiệp mà không cần phải “tẩy chay” họ?

Có một tin xấu là: bạn gần như không thể thoát khỏi secondhand stress. Chúng ta đang sống trong một thế giới siêu kết nối. Stress có thể lây lan từ nhiều dạng truyền thông: bằng lời, không lời, qua câu chữ. Điều đó có nghĩa là ta có thể “nhặt” stress đâu đó từ chiếc điện thoại cầm tay. Nhưng tin tốt là chúng ta không đến nỗi phải tuyệt vọng nếu có thể trang bị cho mình những kỹ năng, có những điều chỉnh nhỏ nhằm giúp bản thân ứng phó với sự lây lan của stress.

Link bài viết

Xác định nguồn cơn và không nên “vơ vào”

“Trước hết, bạn cần nhìn nhận rằng một ít stress là cần thiết”. Susan David – tác giả cuốn sách Emotional Agility (tạm dịch: Linh hoạt cảm xúc), nói. “Bạn không thể có được sự nghiệp, nuôi sống gia đình, lãnh đạo và tạo ra thay đổi cho một tổ chức mà không hề có chút căng thẳng nào”. Vì thế, nếu một người thân, một đồng nghiệp nào đó bị stress, hãy tìm hiểu xem điều gì đang xảy ra chứ đừng “cảm thấy mệt mỏi vì sự căng thẳng của họ”. Dừng lại, hít thở và tập trung vào bản thân mình. Đôi khi, chỉ cần một nhận thức đơn giản là bạn đã có thể tránh được “secondhand stress”.

Giúp người là để giúp mình

Buộc phải trò chuyện với những người quá căng thẳng có thể làm bạn lo lắng theo. Nhưng thái độ cảm thông sẽ giúp bạn kiểm soát được cảm xúc. Khi bạn bày tỏ sự chia sẻ, thông cảm và trò chuyện với người khác, bạn có thể giúp họ tìm ra một giải pháp tích cực hoặc ít ra là bớt căng thẳng. Và như thế bạn cũng chủ động tạo ra ảnh hưởng tích cực thay vì cứ để cho họ tác động tiêu cực đến mình.

Sử dụng “quyền đặt ra giới hạn”

“Nếu bạn thấy người nào đó bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đến mình, có thể tìm cách “tạm lánh” và giới hạn tiếp xúc với họ. “Cách ly” họ ở mức độ có thể thực hiện được cho tới khi bạn trở nên mạnh mẽ hơn”, Shawn Achor - tác giả quyển The Happiness Advantage (tạm dịch: Lợi ích của hạnh phúc), nói.

Nếu bạn trò chuyện quá nhiều với đồng nghiệp về stress và các vấn đề tiêu cực của cơ quan thì nên tạm thời dừng lại và đánh giá xem chuyện gì là “vô bổ”. Đồng thời, bạn nên tiếp xúc nhiều hơn với những người có thái độ sống tích cực vì cảm xúc tích cực cũng có khả năng “lây lan” như cảm xúc tiêu cực.

Bớt tiêu thụ "truyền thông rác"

Ngày nay, chúng ta liên tục bị vây quanh bởi các công nghệ truyền thông và không ngừng “nhặt rác” từ mạng xã hội hay những tin tức tiêu cực. Bạn dành cả ngày làm việc để trả lời thư điện tử, cuộc gọi và dự họp. Về đến nhà thì xem truyền hình và lướt mạng. Có lẽ bạn cần được “giải lao”, nghĩa là hạn chế sử dụng mạng xã hội và xem truyền hình. Ít nhất hãy trao tặng cho mình “một giờ không công nghệ” trước khi đi ngủ.

Giải tỏa gánh nặng của stress từ chính bạn và từ người khác

Nếu chúng ta đã “có đủ stress” trong đời mình thì càng khó ứng phó với stress từ người khác hơn. Gần như một nửa thời gian của chúng ta là để mang gánh nặng cảm xúc và khó khăn của người khác. Vì vậy, khi cảm thấy stress, hãy tự hỏi: Có phải stress của tôi không? Chúng ta cần sống với hiện tại và học cách cân bằng trong cuộc sống: “bước vào” và “bước ra” đúng lúc.

Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa stress, dù do mình hay do người khác, là phải biết tự chăm sóc sức khỏe. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục nhiều và ngủ đủ là những vũ khí quan trọng để đẩy lui stress. Và nếu bạn có được một thói quen tốt, hiệu quả như yoga hay thiền định thì nên chia sẻ với mọi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học cách sống chung với "secondhand stress"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO