Đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu người bị sa sút trí tuệ

HT| 11/12/2022 02:42

Theo một báo cáo kết quả nghiên cứu được công bố mới đây, đến năm 2050, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi của nước ta sẽ lên tới 28%; song song với đó, số lượng người sa sút trí tuệ dự kiến khoảng 1,8 triệu người.

Đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu người bị sa sút trí tuệ

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu mới đây được công bố tại hội nghị tổ chức ở Đại học Y Hà Nội, Việt Nam hiện là một trong các nước có tốc độ già hóa dân số nhanh. Cụ thể, tỷ lệ dân số trên 60 tuổi của nước ta trong năm 2022 là 12%. Đến năm 2050, con số này sẽ lên tới 28%. Song song với đó, số lượng người sa sút trí tuệ ở Việt Nam được thống kê trong năm 2019 là gần 600.000 người và dự kiến tăng gấp ba lần, khoảng 1,8 triệu người vào năm 2050.

Trong bối cảnh đó, Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội, đã nghiên cứu một dự án trong giai đoạn 2019-2021 nhằm tìm hiểu khả năng ứng phó của Việt Nam đối với bệnh sa sút trí tuệ ở ba cấp độ: cá nhân (người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế); tổ chức chăm sóc sức khỏe; hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nước ta không có dịch vụ chăm sóc y tế hoặc chăm sóc xã hội chuyên về sa sút trí tuệ. Trong khi đó, các dịch vụ chăm sóc dài hạn về sa sút trí tuệ hiện chủ yếu dựa vào gia đình, người chăm sóc không chính thức hay dịch vụ tại nhà như người giúp việc. Tuy nhiên, tất cả đều không được đào tạo chính thức.

Cả nước hiện có rất ít nơi chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ. Cụ thể, các đơn vị tư nhân chỉ có 59 nhà dưỡng lão nhưng chi phí cao, không nhiều người đủ khả năng tiếp cận. Hiện cả nước có 134 trung tâm bảo trợ xã hội và 13 nhà dưỡng lão dành miễn phí cho các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội như người cao tuổi khó khăn, không nơi nương tựa, người trên 85 tuổi không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu.

Ngoài ra, nghiên cứu trên 405 cán bộ y tế ở tuyến huyện, xã, 967 người dân tại 8 tỉnh gồm Điện Biên, Hà Nam, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Kon Tum, Khánh Hòa, Cần Thơ và Tây Ninh cho thấy chỉ hơn 50% nhân viên y tế cơ sở có kiến thức đúng về sa sút trí tuệ.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra hầu hết người dân đều nhận thức sai lầm về bệnh sa sút trí tuệ khi xem đây là bệnh tuổi già. Kiến thức của người dân về bệnh, các triệu chứng, yếu tố nguy cơ, khả năng điều trị còn thấp. Đáng nói hơn khi vẫn tồn tại sự kì thị đối với người bệnh sa sút trí tuệ.

Những dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ

Dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ bao gồm sự thay đổi trong khả năng nhận thức, chẳng hạn trí nhớ, lập kế hoạch, quen thuộc với các công việc hằng ngày, thay đổi bất thường trong tâm trạng, rối loạn giấc ngủ và tăng sự thất vọng. Hầu hết dạng sa sút trí tuệ liên quan đến giảm trí nhớ ngắn hạn, tiếp theo là ngày càng mất trí nhớ, với những ký ức dài hạn còn tương đối nguyên vẹn, ít nhất là trong vài năm đầu của chứng rối loạn. Bệnh nhân trở nên dễ thất vọng, xúc động mạnh và có thể bị kích động hoặc hôn mê.

Tuy nhiên, dấu hiệu như hay quên những vấn đề nhỏ, lơ đãng nhẹ, thay đổi tâm trạng và thói quen ngủ không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Nhưng nếu những dấu hiệu và triệu chứng này trở nên dai dẳng, phổ biến hoặc nghiêm trọng hơn, bạn cần tìm kiếm sự chăm sóc và lời khuyên từ bác sĩ.

Các dấu hiệu của chứng sa sút trí tuệ khác nhau ở mỗi người. Các triệu chứng phổ biến bao gồm các vấn đề với trí nhớ, hành vi và thay đổi tính cách. Một dấu hiệu khác của chứng sa sút trí tuệ là gặp khó khăn khi viết, đọc và nói. Bên cạnh đó, người mắc chứng này trong giai đoạn đầu có thể gặp khó khăn trong việc tìm ra từ chính xác để sử dụng trong một cuộc trò chuyện hoặc không hiểu những gì khác người đang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến năm 2050, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu người bị sa sút trí tuệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO