Covid-19 khiến cả thế giới chao đảo, mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đều vì nó mà bị ảnh hưởng. Và cũng vì thế mà trong thời gian này, người ta bắt đầu sống chậm hơn, để ý đến những điều thường nhật nhiều hơn. Dù đã được công chiếu từ nhiều năm trước, nhưng ba tác phẩm này vẫn luôn là những bộ phim hay về tình yêu, về cuộc sống rất đáng xem.
1. Lời đề nghị khiếm nhã (Indecent Proposal)
Bộ phim lấy bối cảnh nước Mỹ thập niên 90, xoay quanh câu chuyện về một cặp đôi trẻ - David (Woody Harrelson) và Diana (Demi Moorre) - yêu nhau say đắm, đang ở giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân. Nhưng đúng lúc vào thời điểm kinh tế nước Mỹ suy thoái, không tìm được việc làm, dù mang hoài bão lớn lao nhưng David và Diana cũng đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế.
Từ lời đề nghị tưởng như một trò đùa nhưng đã dẫn đến những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của cả ba nhân vật trong phim. Từ sự lựa chọn tới hành động của mỗi nhân vật trong hoàn cảnh của mình, Lời đề nghị khiếm nhã đã mang tới cho người xem những góc nhìn rất khác nhau về tình yêu, hôn nhân. David đã không ngăn Diana thực hiện quyết định của mình để rồi đau đớn và dằn vặt với những nghi kị. Và với Diana, tình yêu của cô không còn là thứ tình yêu màu hồng, trong sáng, mà thay vào đó là thứ tình yêu đã vượt qua thử thách để lựa chọn về bên nhau.
Với John Gage - nhà tỷ phú đứng bên lề cuộc hôn nhân của Diana và David, con người tưởng như cả cuộc đời chỉ biết tới những hợp đồng mua bán trao đổi, cũng đã lựa chọn cho mình một cách rút lui không thể đàn ông hơn. Ông biết, người phụ nữ này mãi mãi không thể dành tình yêu cho ông như cách mà cô yêu chồng của mình. Và ông đã để cô ra đi…
“Giờ anh biết những việc mà đôi uyên ương làm cho nhau. Họ ghi nhớ, nếu họ về bên nhau, không phải vì họ quên, mà là vì họ tha thứ”, David đã nói với Diana như vậy. Và đó chính là bài học mà Lời đề nghị khiếm nhã đã mang tới cho người xem.
2. Những cây cầu ở quận Madison (The bridges of Madison county)
Nếu bạn vẫn còn đang tự hỏi “Tình yêu là gì?” thì Những cây cầu ở quận Madison sẽ cho bạn đáp án. Đó là khi yêu ai thật lòng thì cứ hãy để cho họ được làm những gì họ yêu thích và hãy để cho họ được là chính mình. Những cây cầu ở quận Madison có lẽ sẽ được đồng cảm hơn rất nhiều khi người xem nó đủ từng trải, đủ độ chín chắn trong suy nghĩ, hoặc từng có một tình yêu đích thực nhưng không trọn vẹn.
Francesca (Meryl Streep) - một phụ nữ Ý - từ bỏ cuộc sống thành thị lãng mạn để trở thành vợ một nông dân ở vùng Iowa (Mỹ). Francesca đã sống những tháng ngày yên ả và với trách nhiệm gia đình luôn đặt lên trên hết. Một ngày mùa hè, Francesca gặp Robert Kincaid (Clint Eastwood) - một nhiếp ảnh gia tự do tựa cánh buồm phiêu du, một người cao bồi cuối cùng còn sót lại trên thế giới như ông tự gọi.
Như có một lực hút kỳ lạ nào đó được định sẵn giữa hai con người đồng điệu, Francesca và Robert có một chuyện tình ngắn ngủi nhưng đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của họ về sau. Cuộc tình chỉ vỏn vẹn 4 ngày nhưng bằng sức mạnh diệu kỳ đã vượt qua khoảng thời gian dài đằng đẵng, mà đi kèm theo nó là những đợi chờ vô vọng cùng sự hy sinh, trân trọng lớn lao dành cho nhau. Bộ phim đã cho chúng ta biết tới một tình yêu không đo bằng tháng năm ở bên nhau, mà bằng khoảng thời gian dài nghĩ về nhau trong tâm tưởng, sống vì những thứ được trân trọng trong đời.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng những gì ta lựa chọn. Tình yêu đích thực không phải lúc nào cũng xuất hiện kể cả khi chúng ta dành cả tháng năm tuổi trẻ để kiếm tìm. “Hãy làm những gì cần làm để có được hạnh phúc trong cõi đời này”, như Francesca đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho gia đình của cô. Chúng ta, ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, vậy nên hãy trân trọng từng phút giây chúng ta có, với những người chúng ta thuộc về…
3. Đồng minh (Allied)
Allied làm người ta nhớ đến bộ phim Casablanca rất nhiều. Không chỉ ở cùng bối cảnh khói bụi của thành phố cảng, cùng thời điểm diễn ra câu chuyện, mà hơn hết bởi vì nơi đây đều có (ít nhất) hai chuyện tình yêu mãnh liệt và cũng có (ít nhất) hai người đàn ông đã phải rời bỏ tình yêu của mình.
Không có nhiều cảnh hành động như các bộ phim cùng đề tài khác, Allied khai thác yếu tố tâm lý, sự đấu tranh trong mỗi con người trước mỗi thời khắc cho vận mệnh của chính mình và người mình thương yêu. Những hình ảnh đáng nhớ trong Allied chính là hình ảnh của cầu thang xoắn ốc sâu hun hút bởi màu xanh lạnh lẽo, nơi Max Vatan (Brad Pitt) phải đi bộ như thể xuống địa ngục để nhận lấy một sự thật về Marianne; là hình ảnh Marianne nhàu nhĩ trong lớp áo của một sản phụ, khi cô trào nước mắt gục đầu vào lòng Max: “Đây chính là con người em, chân thật nhất”, là hình ảnh đẹp nhất của một phụ nữ khi cô hạ sinh một thiên thần với người mình yêu.
Ánh mắt đầy giận dữ, đau đớn của Max khi anh biết được sự thật nhưng cũng chứa chan yêu thương vì chính anh biết rằng, trong chiến tranh người ta không có nhiều lựa chọn. Và vợ anh, Marianne không phải là người duy nhất phải hy sinh. Và hình ảnh Marianne ngồi trong xe với đứa con bé bỏng, biết rằng đây chính là giây phút cuối cùng cô phải đưa ra sự lựa chọn của mình.
Tình yêu nào cũng đẹp và tình yêu trong chiến tranh không chỉ mang vẻ đẹp thuần khiết mà còn là sự cao cả, hy sinh cho người mình yêu. Người phụ nữ vì gia đình nào cũng sẽ thương Marianna nhiều hơn là trách cô. Và bất kỳ người đàn ông dù mạnh mẽ đến cỡ nào cũng nên tự nhắc nhở mình rằng, cuộc đời không cho chúng ta nhiều cơ hội để hạnh phúc.