Bán lẻ vẫn là mảng thu hút đông đảo thương hiệu trong nước và nước ngoài tham gia. Ảnh: T.Linh |
Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đã có sự "soán ngôi" của nhà đầu tư Thái Lan. Năm 2014, thị trường bán lẻ dậy sóng khi thương vụ chuyển nhượng hệ thống bán sỉ Metro Cash & Cary Việt Nam của Tập đoàn Metro (Đức) với giá 655 triệu EUR (tương đương 879 triệu USD) cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan đã thành hiện thực. Theo đó, toàn bộ 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan của Metro Cash & Cary Việt Nam đã thuộc về BJC.
Sau khi về tay ông chủ người Thái, đầu năm 2017, hệ thống này đã đổi tên thành MM Mega Market. Số lượng các trung tâm bán sỉ này vẫn giữ nguyên nhưng cơ cấu hàng hóa bán đã thay đổi và tỷ lệ hàng Thái tại những trung tâm này đã tăng mạnh so với trước.
Cũng trong chiến lược khai phá thị trường láng giềng trong khối ASEAN, một nhà đầu tư khác của Thái Lan là Central Group đã mua gần 50% cổ phần của Nguyễn Kim. Và ngay sau đó sở hữu luôn hệ thống 43 cửa hàng và 30 siêu thị Big C Việt Nam của Tập đoàn Casino (Pháp).
Thương vụ vào khoảng hơn 1 tỷ USD và sự kiện này một lần nữa khuấy đảo thị trường bán lẻ Việt khi Saigon Co.op - nhà bán lẻ hiện sở hữu hơn 600 điểm bán với đầy đủ các mô hình bán lẻ (trung tâm thương mại SCVivo City, Sense City, đại siêu thị Co.opXtra, siêu thị Co.opmart, cửa hàng thực phẩm Co.op Food, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.opSmile, cửa hàng tiện lợi 24h Cheers, cửa hàng Co.op...) cũng muốn sở hữu hệ thống bán lẻ vốn là đối thủ đáng gờm này. Thế nhưng, vì cơ chế chính sách mà Saigon Co.op đành phải "nhường kèo thơm" này cho Central Group.
Sau thương vụ, Central Group vẫn giữ thương hiệu Big C và đầu tư thêm vào các trung tâm thương mại mới song song với việc nâng cấp các siêu thị hiện hữu thành trung tâm thương mại bán lẻ cao cấp. Theo đó, từ năm 2017 đến năm 2021, Central Group đầu tư 30 triệu USD để nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ của Big C hiện hữu thành những trung tâm thương mại lớn hơn về quy mô và diện tích.
Theo tính toán của các chuyên gia, sau thương vụ Big C Việt Nam bán cho tập đoàn Thái Lan, 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái. Cán cân thị trường đã nghiêng hẳn về phía doanh nghiệp nước ngoài, trong đó chủ yếu là do người Thái nắm giữ "miếng bánh lớn".
Chia sẻ với báo giới cách đây chưa lâu, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cùng với cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ nước ngoài, các thương vụ M&A đã làm sôi động thị trường bán lẻ. Đây sẽ là xu hướng tiếp diễn trong những năm tới do nhu cầu tự thân của doanh nghiệp và sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Cùng nhận định này, ông Diệp Dũng - Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức khi mà thị trường bán lẻ hiện đại chiếm đến 25% thị phần, khắc phục được những điểm yếu của thị trường bán lẻ truyền thống và đang phát triển đến thị trường nông thôn. Qua hội nhập, các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế ngày càng xâm nhập nhiều hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua M&A.
Theo đại diện của Saigon Co.op, làn sóng mua bán và sáp nhập phát triển mạnh mẽ chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt học hỏi để nâng sức cạnh tranh, bứt phá hơn nữa. Đây cũng là dịp để Saigon Co.op nhìn lại chính mình và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Và thay vì chọn Co.opmart là hệ thống bán lẻ chủ lực, Saigon Co.op đã phát triển hầu hết các mô hình bán lẻ hiện nay như trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng bách hóa hiện đại, cửa hàng tiện lợi, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op...
Sớm nhìn ra bán lẻ thực phẩm là thị trường ngách rất màu mỡ, đơn vị này đã nhanh chân xây dựng thương hiệu Co.op Food như là một mô hình vệ tinh thu nhỏ của Co.opmart chuyên về thực phẩm sạch và tiện lợi phủ khắp các khu dân cư với 300 cửa hàng. Trong tháng 10/2018, Saigon Co.op đã khai trương siêu thị thứ 100, nâng tổng số điểm bán lẻ của đơn vị lên hơn 600 điểm.