Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Ảnh VGP/Quang Thương |
Trước tình hình những ngày gần đây giá cả một số mặt hàng trong nước tăng do giá xăng dầu thế giới tăng cao, Phó thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chiều 14/3/2022 đã họp với một số bộ ngành, địa phương về công tác điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.
Theo Bộ Tài chính, đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. Song diễn biến giá hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới tiếp tục tăng, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung. Công tác quản lý điều hành giá đến cuối năm rất khó khăn, không được chủ quan.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng khái quát về diễn biến, nhận định và đề xuất các giải pháp, biện pháp để điều hành một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Cụ thể, với xăng dầu, sau thời điểm tăng đột biến 2 tuần qua, giá dầu thế giới đã có dấu hiệu chững lại trong vài ngày gần đây.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị tiếp tục biến động nhanh, khó lường. Các bên tiếp tục áp biện pháp trừng phạt. Trong bối cảnh đó, phần lớn tổ chức đều nhận định giá dầu có thể tiếp tục ở mức cao, từ 110-130 USD/thùng giai đoạn tới. Không loại trừ khả năng giá dầu tăng lên 150 USD/thùng.
Nhấn mạnh mặt hàng xăng dầu trong nước hiện chịu áp lực lớn về nguồn cung cho nhu cầu tiêu dùng và diễn biến giá thế giới, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành để ổn định nguồn cung. Nắm bắt dự báo, diễn biến giá xăng dầu thế giới để có phương án điều hành phù hợp. Sử dụng Quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.
Đồng thời tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý...
Theo Bộ Tài chính, xăng dầu tăng giá đã tạo áp lực lên các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ. Hiện các doanh nghiệp vận tải đều đang tính toán để tăng giá cước. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành tham mưu cho UBND theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu.
Trên cơ sở đó, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá có phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào hay không, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá niêm yết.