Sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM: Tái định hình cấu trúc vùng và nâng tầm vị thế quốc gia
Việc hợp nhất tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM không chỉ đơn thuần là sự thay đổi về địa giới hành chính, mà còn được xác định là một bước chuyển mang tính cách mạng trong tư duy tổ chức, tầm nhìn chiến lược và khát vọng phát triển.
Đây là chủ trương lớn của Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư nhằm kiến tạo động lực tăng trưởng mới, đưa TP.HCM trở thành một siêu đô thị hiện đại, giữ vai trò đầu tàu phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Theo kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án hợp nhất, sự hội tụ của ba địa phương sẽ tạo nên một thể thống nhất đa dạng về văn hóa, phong phú về bản sắc và nhân văn về chiều sâu lịch sử. Việc kết nối chặt chẽ giữa TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ tăng cường liên kết vùng, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển, mà còn mở rộng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng.
Việc sáp nhập này nhằm hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế, đầu mối khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, logistics, có khả năng cạnh tranh với các siêu đô thị hàng đầu châu Á.

Để triển khai hiệu quả quá trình hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, Tỉnh ủy Bình Dương và Thành ủy TP HCM đã thống nhất phương hướng hành động cụ thể. Trọng tâm là tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách thiết thực và kịp thời.
Công tác cán bộ sẽ được đặc biệt chú trọng, đảm bảo lựa chọn và bố trí đội ngũ nhân sự có năng lực, phẩm chất phù hợp với yêu cầu trong giai đoạn mới. Các chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được ban hành đồng bộ, nhất quán, tạo điều kiện cho người lao động yên tâm công tác hoặc ổn định cuộc sống khi có thay đổi về vị trí công việc.
Một trong những nhiệm vụ then chốt là thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Việc số hóa tài liệu, chỉnh lý thông tin và kết nối hạ tầng dữ liệu sẽ được đẩy mạnh nhằm bảo đảm sự thông suốt trong hoạt động của các đơn vị hành chính sau sáp nhập. Mô hình làm việc trực tuyến cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt và hiệu quả.
Song song với quá trình tổ chức lại bộ máy, các địa phương đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, bảo đảm đúng tiến độ theo Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Việc xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XII sẽ phản ánh đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ của bối cảnh mới, phạm vi mới và tầm nhìn dài hạn, hướng đến sự phát triển toàn diện và bền vững.
Việc hợp nhất Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP.HCM là một quyết sách chiến lược, mở ra chương mới cho tiến trình phát triển không chỉ riêng từng địa phương mà cho toàn bộ khu vực Đông Nam Bộ và quốc gia. Đây không chỉ là sự thay đổi về cấu trúc hành chính, mà còn là sự hội tụ trí tuệ, bản sắc và khát vọng vươn lên vì một Việt Nam hùng cường trong kỷ nguyên mới.