Tăng đơn hàng nhờ xanh hóa
Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường này của DN là tất yếu.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu VinaT&T Group cho biết, thế giới đang hướng tới nông nghiệp xanh, kinh tế xanh. Chẳng hạn, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thể hiện rất rõ vai trò của kinh tế xanh, nông nghiệp xanh. Rất nhiều thứ mà DN Việt Nam phải dần thay đổi để đáp ứng "luật chơi" của thế giới, như bao bì, đất, chống phá rừng, không gây ô nhiễm và giảm chất thải carbon.
Gần đây, sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc và tạo được tiếng vang, xuất khẩu bưởi vào Mỹ cũng tăng trưởng tốt. Nông sản Việt Nam đã có thị trường, kim ngạch xuất khẩu cao, giờ phải giữ vững chất lượng, không vi phạm hàng rào kỹ thuật của thị trường và bảo vệ được thương hiệu để xuất khẩu bền vững.
Trong lĩnh vực dệt may, Công ty CP Kết nối thời trang Faslink đã rất thành công trong việc sản xuất xanh. Hiện nay, công ty đã ứng dụng công nghệ thời trang mới với kỹ thuật dệt 3D Knitting giúp tối ưu hóa các bước sản xuất, tiết kiệm chi phí và giảm thải nguyên vật liệu. Không riêng ở sản phẩm và nguyên liệu, Faslink còn đặt mục tiêu chuyển đổi xanh toàn diện trong vận hành, sản xuất, phân phối và tiếp thị sản phẩm theo xu hướng Eco-Fashion. Không chỉ xuất khẩu, Faslink là đơn vị đầu tiên trên thế giới thương mại hóa áo sơ mi bamboo và đến nay đã bán được hàng chục triệu bộ trang phục từ chất liệu tre này. Bốn năm trước, Faslink cũng là công ty đầu tiên trên thế giới thương mại thành công áo sơ mi từ sợi cà phê. Đến nay, công ty đã cung cấp khoảng 20 triệu chiếc áo bằng nguyên liệu này ra thị trường.
Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Tổng giám đốc Faslink cho rằng, xanh hóa ngành dệt may là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới. Điều này giúp ngành dệt may có nhiều lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Với chiến lược phát triển bền vững, Faslink đã tiên phong thương mại hóa các loại sợi vải từ tre, bã cà phê, vỏ hàu, lá bạc hà, thân và lá sen... và đã trở thành một trong những nhà cung ứng hàng đầu Việt Nam và khu vực khi mang đến các giải pháp nguyên liệu, đồng phục và gói dịch vụ FOB (giao hàng lên tàu).
Khảo sát của Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) với nhiều DN thành viên từ cuối năm 2022 đến nay cho thấy, trong bối cảnh hầu hết DN bị sụt giảm mạnh đơn hàng hoặc không có đơn hàng thì những DN thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, sản xuất xanh lại không thể nhận thêm đơn hàng vì đã quá công suất sản xuất.
Nhìn sang đối thủ của ngành dệt may Việt Nam là Bangladesh cũng thấy rõ việc xanh hóa sản xuất đã mang lại lợi thế cạnh tranh rất lớn. Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, DN Việt Nam không có đơn hàng thì DN dệt may Bangladesh lại luôn ở thế "đơn hàng vẫn nhận không hết". Có được vị thế này vì Bangladesh đã đầu tư cho xanh hóa sản xuất từ nhiều năm trước. Số liệu cho thấy, đến nay Bangladesh có hơn 30% DN dệt may, các công ty gia công đạt chứng nhận nhà xưởng xanh, hơn 50% có các chứng nhận liên quan đến hệ thống xanh bền vững và khí thải nhà kính ở cấp độ 3...
Nhưng không dễ đối với DN
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HUBA, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là hướng đi bắt buộc và sống còn, không chỉ riêng DN mà cho cả nền kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên, để có thể lựa chọn hướng phát triển xanh vừa phù hợp nội lực của DN Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà các thị trường quốc tế đang áp dụng là không dễ.
Bởi như chia sẻ của ông Nguyễn Văn Viện - Trưởng Phòng Đánh giá chứng nhận và môi trường, Công ty Intertek Việt Nam, muốn phát triển bền vững trước tiên DN phải tồn tại. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, hàng loạt DN rơi vào cảnh tìm kiếm đơn hàng từng tuần, thậm chí phá sản. Đã có DN đề nghị Intertek Việt Nam dừng đăng ký đánh giá tiêu chuẩn về môi trường do từ Tết Nguyên đán 2023 đến nay không có đơn hàng, phải dừng sản xuất. Trước đây, bình quân mỗi tháng Intertek Việt Nam có khoảng 100 DN đăng ký đánh giá tiêu chuẩn về môi trường, nhưng nay đã giảm đến 50%.
Theo TS. Nguyễn Minh Tú - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM, hiện có rất nhiều tiêu chí xanh để DN hướng tới. Muốn đưa sản phẩm ra thị trường thế giới, ngoài những quy định như tiêu chuẩn về lượng kháng sinh trong tôm, chiếu xạ thanh long, khai thác thủy sản… còn có những tiêu chuẩn tự nguyện như thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất theo hướng organic, sinh thái…. Nếu sản phẩm có được những tiêu chuẩn này thì được giá cao hơn, tuy nhiên quá trình chuyển đổi sẽ không dễ dàng. Trong đó, có những tiêu chí xanh rất khó thực hiện trong thời gian ngắn, cần phải đưa ra lộ trình cụ thể, hợp lý. Đây là cơ hội cho DN gia tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam và thế giới.
Nhiều DN cho rằng, sản xuất xanh gặp nhiều khó khăn như vốn lớn và thời gian thu được lợi nhuận không thể một sớm một chiều. Chỉ riêng với chứng nhận nhà xưởng xanh, DN phải mất đến tiền tỷ. Cụ thể, để các tổ chức quốc tế chứng nhận là nhà xưởng xanh, chi phí 600 triệu đồng/lần đánh giá, phần tư vấn 1-1,2 tỷ đồng.
Bà Phú Xuân cho rằng, chi phí cao là một trong những khó khăn nhất của hành trình chuyển đổi xanh. Thời gian đầu, hàng chưa bán được nhưng chi phí đầu tư, nhân sự, cơ sở vật chất vẫn phải đảm bảo. Hiện nay, nhiều DN trong nước vẫn đối mặt với những bất lợi vì định kiến "chuyên gia công", chưa đủ năng lực và tài lực để tạo ra công nghệ sản xuất nguyên liệu xanh như các nước tiên tiến. Để có được thành công như hiện nay, Faslink đã mất đến hơn 10 năm đầu tư với nguồn kinh phí không nhỏ. Với các DN mới bắt đầu "xanh hóa", bà Phú Xuân khuyên DN có thể cải thiện dần bằng việc tập trung vào nghiên cứu và phát triển (R&D), áp dụng R&D vào sản xuất. Muốn thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững, DN dệt may Việt Nam không thể "đi một mình" mà phải "đi cùng nhau".
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030, dự kiến cần đến khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30%, nên cần đến 70% từ khu vực tư nhân. Thế nhưng, hiện nay đến 98% DN của Việt Nam là DN nhỏ và vừa nên không thể có đủ nguồn tài chính ấy.
Bên cạnh đó, một bộ phận DN sản xuất vẫn chưa hiểu về "xanh" nên không biết bắt đầu xanh hóa từ đâu. Vì vậy, bên cạnh sự chuẩn bị của DN, Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền cho DN hiểu thế nào là "xanh" và có chính sách hỗ trợ việc xanh hóa sản xuất. Và dù cộng đồng DN đã xác định phải đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng để làm được điều đó, DN cần nhiều giải pháp, đầu tiên là vốn. Vì vậy, họ rất mong chính quyền tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nguồn vốn tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi, thời hạn hoàn trả dài hơn những đề án sản xuất, kinh doanh thông thường.