Giải pháp quản lý sản xuất nông nghiệp thông minh |
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và do nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu; thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã phát triển với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Việc lựa chọn phương thức phát triển chuỗi giá trị các nhóm sản phẩm dựa trên các nguyên tắc sau: Một là, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, liên kết với các thành phần trong chuỗi giá trị; bên cạnh vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn, đặc biệt lưu ý đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức của nông dân; lấy đây làm nền tảng và khâu trung gian quan trọng để kết nối nông hộ nhỏ vào các chuỗi giá trị nông nghiệp một cách toàn diện và bền vững. Hai là, xây dựng liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ để kết nối với cả thị trường toàn cầu, thị trường khu vực và thị trường nội địa. Ba là, đẩy mạnh áp dụng quy trình đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo năng lực cạnh tranh theo yêu cầu thị trường ở tất cả các công đoạn.
Hiện nay các hình thức liên kết của doanh nghiệp với hộ sản xuất có 3 loại hình chính là: Một là, loại hình hộ liên kết với nông dân qua hợp đồng thu mua nông sản chiếm tỷ lệ cao nhất và phổ biến nhất; thực tế các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn bán qua hệ thống thương lái, chỉ một phần nhỏ có liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng cung cấp đầu vào. Việc xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm. Tổng diện tích sản xuất của cánh đồng lớn đạt 579,3 nghìn ha, trong đó diện tích trồng lúa 516,9 nghìn ha (chiếm 89,2%). Hai là, loại hình hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà. Đây là hình thức liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ được thực hiện giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp. Các điển hình áp dụng mô hình này có thể kể đến, như Công ty C.P Việt Nam, DABACO, Emivest… Ba là, loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp là hình thức khá tiên tiến và có một số doanh nghiệp như Công ty Mía đường Lam Sơn, Công ty Cao su Sơn La… đang áp dụng hình thức này; một số doanh nghiệp, như Công ty Nam Cường - tỉnh Nam Định, TH TrueMilk, Trường Hải… bắt đầu xây dựng các chuỗi liên kết khép kín theo cách thuê/mua đất của nông dân và sau đó thuê chính người đã bán/cho thuê đất làm “công nhân” sản xuất theo quy trình và tiêu thụ trực tiếp trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp này.
Tuy vậy, nông nghiệp, nông thôn nước ta cũng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đang đứng trước những thách thức mới, đó là: chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế; thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa thiếu ổn định trong bối cảnh đã hội nhập sâu, rộng vào chuối giá trị toàn cầu; biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn gia tăng, nhiều địa bàn rất gay gắt và phức tạp hơn, hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững. Các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; tỷ trọng giá trị sản phẩm được sản xuất, chế biến tiêu thụ qua hợp đồng vẫn còn thấp, kể cả đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia; trong các mô hình liên kết, doanh nghiệp thường thông qua thương lái thu gom nông sản, chưa quan tâm nhiều đến phát triển liên kết trực tiếp với người nông dân.