Sách "Hội họa Trịnh Công Sơn"

Diên Vỹ| 17/04/2021 06:40

Ca từ và giai điệu của Trịnh Công Sơn luôn gợi cho tôi bóng dáng của thiên đường. Nhưng ca từ cho dù thánh thiện đến đâu vẫn bị nghĩa mặc định của nó giới hạn chính nó và giới hạn sự tự do của người tiếp nhận. Nhưng màu sắc thì gần như thoát khỏi điều đó.

Sách

Bùi Giáng, Nguyễn Tuân và những chân dung khác hay chính chân dung Trịnh Công Sơn là những người đã hiện diện trong những ngôi nhà, những đường phố, những quán cà phê... rất cụ thể với nhiều phức tạp, thăng trầm và những bí ẩn của đời sống họ và con đường sinh ra những tác phẩm của họ. Thế nhưng khi họ hiện ra trong màu và nét của Trịnh Công Sơn thì tất cả đều chuyển sang một không gian khác, một không gian không có bất cứ hạt bụi nào của đời sống trần tục chạm tới. Tôi đã ngắm nhìn chân dung thi sĩ Bùi Giáng rất nhiều lần và lại đọc về Bùi Giáng và lại ngắm tranh Trịnh Công Sơn vẽ Bùi Giáng. Và tôi luôn mang cảm giác rằng, Bùi Giáng trong tranh Trịnh Công Sơn là một nguồn sáng kỳ lạ được giấu trong quần áo, tóc tai của Bùi Giáng ngoài đời. Một nguồn sáng tinh khiết vô tận đi qua Bùi Giáng và những kiếp người trong tranh Trịnh Công Sơn... Ca từ của Trịnh Công Sơn, giai điệu của Trịnh Công Sơn và màu sắc của Trịnh Công Sơn cho dù mỗi thứ đều mang "thiên chức" riêng và độc lập của nó nhưng đều hòa đồng trong một ánh sáng - ánh sáng từ tâm hồn một con người mang tên Trịnh Công Sơn.

Đó là một đoạn trích trong bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong ấn phẩm Hội họa Trịnh Công Sơn sắp đến với bạn đọc vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa. Cùng với nhiều sự kiện âm nhạc được tổ chức năm 2021 này, quyển sách đầu tiên và có lẽ là duy nhất về hội họa Trịnh Công Sơn đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước. 

Trịnh Công Sơn vẽ khá nhiều các bức họa và tranh bằng nhiều chất liệu nhưng thuộc về nhiều bộ sưu tập khác nhau. Ngoài số tranh thuộc về gia đình ông, nhiều bức đang nằm ở Mỹ, Canada, Pháp... trong các sưu tập bạn hữu của ông mà nhiều nhất là sưu tập của cố họa sĩ Đinh Cường, người bạn thân thiết nhất của ông. 

Trinh-2-2376-1618472939.jpg

Trong tự bạch của Trịnh Công Sơn được in trong sách, ông viết: "Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi. Tôi đã dùng đủ mọi phương cách để tìm một chữ "mình" đã bị thất lạc, đã biến hình đổi dạng, trong muôn hình vạn trạng của cuộc đời... Tháng 12/1990, tôi cùng hai họa sĩ bạn rủ nhau tổ chức một phòng tranh. Nhiều người đến phòng tranh và nói với tôi: ông vẽ như viết nhạc vậy. Đúng. Tôi muốn đi tìm cái phần nhạc không nói được trong hội họa của tôi. Nếu tôi có thể nói được tất cả mọi điều của đời sống, của con người, của thiên nhiên bằng âm nhạc thì tội gì tôi phải vơ vào cho mình thêm một tội lỗi nữa.

Tôi đã đi tìm tôi trong âm nhạc thi ca. Chưa thấy đủ khuôn mặt của mình. Và tôi đã cố gắng rẽ về phía hội họa, tiếp tục lên đường, để tìm lại tôi... Có những ngày tháng tôi đã bỏ mình vào một cõi tịch lặng vô ngôn để thử nhìn lại rõ mình hơn, nhưng vô vọng. Và tôi đã tìm đến với thế giới của im lặng và hội họa. Ở đây tôi đã bắt gặp một mảng đời của mình bấy lâu nay vẫn còn bị che giấu".

Bài viết của cố họa sĩ Đinh Cường cho biết, dù Trịnh Công Sơn không hề học hội họa trường lớp chính quy, nhưng ông đã nhiều lần triển lãm chung với các tác giả chuyên nghiệp. Có thể kể, với Tôn Thất Văn, Đinh Cường (tại nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, tháng 3/1988); với Đỗ Quang Em, Đinh Cường tại Nhà hữu nghị Tiệp Khắc (TP.HCM, tháng 1/1989), với Đỗ Quang Em, Trịnh Cung tại nhà hàng Ritz (TP.HCM, từ ngày 15/2/1990 đến 2/1/1991); với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Tôn Thất Văn tại khách sạn nổi Sài Gòn (tháng 9/1991) và triển lãm sau cùng với Bửu Chỉ, Đinh Cường tại gallery Tự Do (TP.HCM, từ ngày 20/8 đến 3/9/2000).

Cùng với khoảng 100 bức vẽ và tranh của Trịnh Công Sơn, ấn phẩm Hội họa Trịnh Công Sơn gồm nhiều bài viết và nhận định nghệ thuật của các tác giả tên tuổi, có thể kể: Đinh Cường, Thái Bá Vân, Cao Huy Thuần, Nguyễn Duy, Dương Tường, Lương Xuân Đoàn... được thực hiện nhằm tái hiện "một mảng đời lâu nay còn bị che giấu" của người nhạc sĩ đã để lại cho đời những ca khúc bất hủ, từ những bài tráng ca như Nối vòng tay lớn; Huế - Sài Gòn - Hà Nội; Dựng lại người, dựng lại nhà... cho đến những bản tình ca sống mãi theo thời gian như Diễm xưa, Nắng thủy tinh, Hạ trắng, Phôi pha... Sách do nhà báo Nguyễn Trọng Chức chủ biên, với thiết kế của họa sĩ Mai Quế Vũ, người từng làm đẹp nhiều ấn phẩm trước đây như Thư tình gửi một người; Trịnh Công Sơn, tôi là ai, là ai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sách "Hội họa Trịnh Công Sơn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO