Thời gian gần đây, nhiều người ví nông sản Việt Nam là “rồng lên mây” và sự ví von này có thể chấp nhận được.
Ảnh: Lê Hưng |
Nhớ lại, niên vụ sản xuất nông nghiệp năm 1976 sản lượng tăng hơn năm 1975 là 10%, đây là cơ sở để nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ tư đưa ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lúa mỗi năm trong kế hoạch 5 năm (1976-1980).
Chủ trương cải tạo nông nghiệp được đưa ra vào thời điểm đó là hoàn toàn đúng đắn, vì mục tiêu của Đảng ta không gì khác hơn là làm cho dân giàu nước mạnh, ai cũng được cơm no áo ấm, ai cũng được học hành.
Thế nhưng, các biện pháp được thực hiện một cách nóng vội, không tuân thủ quy luật, cán bộ quản lý, điều hành có trình độ, năng lực hạn chế, thậm chí không biết gì về quản lý.
Nông dân, nhất là dân miền Nam, nơi làm ra sản lượng nông sản nhiều nhất nước, còn chưa hề biết làm ăn hợp tác là gì, còn nặng đầu óc tư hữu, từ đó dẫn đến sản lượng nông sản giảm từ 50 - 90% vào đầu những năm 1980.
Đất nước có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, ruộng đất phì nhiêu, vậy mà thiếu ăn trầm trọng, mỗi năm phải nhập từ 500 nghìn - 1 triệu tấn lương thực, đồng ruộng thì bị bỏ hoang.
Trước tình trạng đó, ngày 13/1/1981, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 100 về thí điểm khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Nhiều người gọi nôm na là khoán “chui”, bởi phản ánh sự bắt đầu đổ vỡ khó tránh khỏi của mô hình tập thể hóa triệt để ruộng đất, khôi phục lại chức năng kinh tế hộ nông dân. Chỉ thị 100 đã đáp ứng được tâm tư, tình cảm của một bộ phận nông dân.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, đến tháng 4/1988, Bộ Chính trị khóa 6 có Nghị quyết 10 chấp nhận cho khoán gọn, mà bà con thường gọi là khoán 10.
Chức năng kinh tế của hộ nông dân được xác lập trở lại, hình thức và nội dung các hợp tác xã được đổi mới nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế hộ nông dân và nông nghiệp, từng bước chuyển từ nền kinh tế tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa theo định hướng XHCN.
Hai nghị quyết này tỏ ra có hiệu quả tức thì với nông sản Việt Nam và có thể ví von ở thời điểm này nông sản Việt Nam đã “vượt vũ môn” để hóa rồng.
Năm 1991, lần đầu tiên nước ta có đủ lương thực để ăn, còn có dư để xuất khẩu gần 1 triệu tấn.
Ở thời điểm này, nhờ những thành công của các nhà nông học nước ta, người nông dân đã tạo nên những chuyện thần kỳ: Nếu trước kia các loại hoa quả thường “mùa nào trái nấy”, như dưa hấu phải chờ đến Tết mới có, xoài, sầu riêng phải chờ tới mùa Hè..., thì lúc ấy nhiều loại trái đã có quanh năm.
Các loại thủy sản cũng bắt đầu nuôi trồng có hiệu quả. Đến giai đoạn 1995-2000, nông sản chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó thủy sản chiếm 25%, lúa gạo 23,8% với sản lượng xuất khẩu 4,5 triệu tấn, cà phê 13,5%...
Đặc biệt, trong giai đoạn này, mặt hàng rau quả có giá trị gia tăng cao nhất, từ 52 triệu USD năm 1988 lên 105 triệu USD năm 1999 và 205 triệu USD năm 2000.
Cách đây gần 20 năm, TS. Nguyễn Hồng Bỉnh, Giám đốc Sở Thủy lợi đầu tiên của thành phố, đã cho rằng những thắng lợi bước đầu của nông nghiệp Việt Nam ngoài do nỗ lực của người nông dân còn là nhờ chúng ta đã phát huy được hiệu quả của các công trình cơ sở hạ tầng của CNXH như thủy lợi, thủy điện và các viện, các trường nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp và đời sống.
Đến năm 2011, sản lượng nông lâm thủy sản của nước ta càng tăng cao hơn. Mặc dù chỉ tiêu đặt ra cho kim ngạch xuất khẩu nông sản (nói chung) chỉ có 23 tỷ USD, nhưng chúng ta đã đạt đến mức 25 tỷ USD, tăng 27,9% so với năm 2010.
Trong đó, thủy sản cao nhất với 6,1 tỷ USD; lâm sản đạt 4,1 tỷ USD, gạo xuất 7,2 triệu tấn thu về 3,7 tỷ USD; cao su đạt 3,3 tỷ USD; cà phê đạt 2,7 tỷ USD... Với mặt hàng hồ tiêu, Việt Nam là nước đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu với 125 ngàn tấn, thu về gần 740 triệu USD.
Đặt mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển, rồi lấy mặt hàng nông sản để khoe “rồng lên mây” là khập khiễng và không đúng, nhưng ít ra để người nông dân Việt Nam có thể tự hào.
Chính những người chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời đã làm nên kỳ tích, nhất là trong giai đoạn nền kinh tế nước ta bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các giá trị do nông sản đem lại đã góp phần củng cố nền kinh tế nước nhà.
Dù sản lượng xuất khẩu nông sản của nước ta trong những năm gần đây đều gia tăng, nhưng sản phẩm xuất thô cũng không ít (xuất thô theo cách nói của nông dân là bán lúa non), kế đó là giá trị gia tăng của các nông sản xuất khẩu ngày càng có xu hướng giảm dần.
Đây là vấn đề cần quan tâm và còn liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta cũng như định hướng phát triển trong từng lĩnh vực nuôi trồng và chế biến, tập trung nâng cao giá trị gia tăng.
Để tránh xuất nông sản thô, các doanh nghiệp trong nước nên tập trung vào khâu chế biến để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Nông sản Việt Nam như “rồng lên mây”, nhưng phải ở tầng mây nào mới là điều đáng nói.