Rối loạn đi tiểu: Chớ xem thường

BS. CKI. Phó Minh Tín (*)| 12/06/2022 01:00

Bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt gây ra tình trạng rối loạn đi tiểu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu nặng có thể gây bí tiểu cấp, nhiễm khuẩn niệu, tiểu máu đại thể, sỏi bàng quang, thậm chí suy thận do ngược dòng.

Rối loạn đi tiểu: Chớ xem thường

Một số yếu tố nguy cơ tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt như tuổi càng cao thì khả năng mắc bệnh càng nhiều, tiền căn gia đình có cha hoặc anh trai bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt hoặc người bị béo phì, đái tháo đường, ít vận động thể lực... Các triệu chứng gồm tiểu khó, tia nước tiểu yếu, rặn khởi động, tiểu ngắt quãng hoặc các triệu chứng kích thích tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đêm hoặc nước tiểu nhỏ giọt khi tiểu xong. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào có tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đều biểu hiện triệu chứng. 

Có rất nhiều bệnh có thể gây ra triệu chứng đường tiểu dưới như viêm bàng quang, sỏi bàng quang, hẹp niệu đạo, ung thư tuyến tiền liệt... Trường hợp phát hiện bệnh do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, điều trị là làm giảm nhanh triệu chứng lâm sàng, tránh các biến chứng cần phải phẫu thuật và cải thiện chất lượng cuộc sống người bệnh bằng cách sử dụng thuốc điều trị ít gây ra các tác dụng phụ đến chức năng tim mạch, tình dục của người bệnh.

Đối với người bệnh có mức độ nhẹ, không cần dùng thuốc mà chỉ cần điều chỉnh lối sống và đánh giá lại sự thay đổi của triệu chứng mỗi 3-6 tháng. Nếu người bệnh có triệu chứng đường tiểu mức độ trung bình trở lên, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên điều trị bằng thuốc. Trường hợp điều trị thuốc không hiệu quả hoặc đã có các biến chứng của tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (bí tiểu cấp tái đi tái lại, tiểu máu, nhiễm khuẩn niệu, sỏi bàng quang, túi thừa bàng quang, suy thận ngược dòng) cần được phẫu thuật ngay. 

Ngoài việc dùng thuốc, nên áp dụng bài tập tăng cường cơ vùng chậu giúp cải thiện triệu chứng tiểu rỉ. Các bài tập liên tục co và thả lỏng các cơ vùng chậu làm cơ vùng chậu khỏe hơn, giúp cho việc nâng đỡ bàng quang và đóng cơ thắt tốt hơn. Ngoài ra, cần thay đổi lối sống như hạn chế sử dụng các chất kích thích, hạn chế uống nước trước khi ngủ, chỉ uống một lượng nhỏ nước nhiều lần trong ngày thay vì uống nhiều nước để tránh làm tăng đột ngột dung tích nước tiểu trong bàng quang... 

(*) Tác giả là Quản lý và điều hành Khoa Tiết niệu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Rối loạn đi tiểu: Chớ xem thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO