Ngày 15/9 tại Tòa nhà Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Q.11, TP.HCM đã long trọng tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa ẩm thực Đông Nam Á. Ông Lê Văn Tiếp - Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Phát triển Bảo tồn Văn hóa Nghệ thuật Đông Nam Á đến tham dự và trao quyết định thành lập.
Tham gia sự kiện còn có sự hiện diện của lãnh đạo quận, các doanh nghiệp liên quan đến ngành ẩm thực, nhà hàng, các nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực hàng đầu, cơ quan thông tấn tại TP.HCM. Trong sự kiện các chuyên gia sẽ tham gia thảo luận về các hoạt động nghiên cứu và bảo tồn.
Ẩm thực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng, được đánh giá là một trong những nét tinh hoa văn hóa truyền thống đặc trưng trên bản đồ văn hóa thế giới. Âm thực Đông Nam Á phong phú từ nguyên liệu, tinh tế ở khâu chế biến, đặc biệt mỗi một đất nước lại có thói quen ăn uống khác nhau tạo nên một phần quan trọng của di sản văn hóa độc đáo của khu vực này.
Theo ông Tiếp, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa ẩm thực Đông Nam Á là một dự án có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa ẩm thực trong khu vực Đông Nam Á. Văn hóa ẩm thực không chỉ là một phần quan trọng của di sản văn hóa của chúng ta mà còn là một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.
“Trung tâm này sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu, ghi nhận, và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, và kỹ thuật nấu nướng độc đáo của Đông Nam Á. Chúng tôi cũng sẽ khám phá cách thức áp dụng và phát triển các phương pháp nấu nướng truyền thống để thích nghi với thời đại mới, đồng thời giới thiệu nó đến các thế hệ trẻ. Điều này giúp duy trì sự đa dạng và sâu sắc của ẩm thực Đông Nam Á và đồng thời thúc đẩy du lịch văn hóa trong khu vực”, ông Tiếp cho biết.
Với sứ mệnh quan trọng trong việc bảo tồn nền văn hóa ẩm thực, Viện Nghiên cứu phát triển bảo tồn Văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa ẩm thực Đông Nam Á với nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, bảo tồn, và thúc đẩy văn hóa ẩm thực của Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Sự kiện này đánh dấu bước quan trọng trong việc bảo tồn và thúc đẩy văn hóa ẩm thực của của Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ sự giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên quý báu cho nền văn hóa ẩm thực các nước trong khu vực.