![]() |
Tình trạng ảm đạm kinh tế toàn cầu đến từ các yếu tố phi kinh tế và rủi ro chính trị có thể cản trở sự phát triển của nhiều nước.
Đọc E-paper
Có một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sắp tới? Chắc là không. Thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái? Khả năng này không thể diễn ra sớm. Có những dấu hiệu lạc quan trong dài hạn nhưng bản cập nhật dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) "Triển vọng kinh tế thế giới" vẫn đưa ra nhiều con số và dự báo ảm đạm. Phát biểu tại Washington DC, kinh tế gia trưởng của IMF, Maurice Obstfeld, đã hạ triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu.
Một trong những rủi ro lớn cho nền kinh tế thế giới là từ yếu tố "phi kinh tế”. Maurice Obstfeld cảnh báo kinh tế thế giới hướng đến tình trạng tăng trưởng ảm đạm có thể dẫn đến những nguy cơ xấu về chính trị. IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2016 từ 3,4% xuống 3,2%. Dự báo mức tăng trưởng của Mỹ và khu vực đồng euro giảm 0,2 điểm phần trăm, mức giảm sâu nhất trong các nền kinh tế phát triển.
IMF cũng điều chỉnh hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm nay xuống 0,5%, so với mức ước tăng 1% đưa ra trước đó. Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng tới kinh tế Nhật Bản và triển vọng ảm đạm của kinh tế toàn cầu đang đẩy đồng yen lên giá, gây tổn thương cho lợi nhuận của các doanh nghiệp lớn của Nhật.
Dự báo cho các tiểu vùng Sahara châu Phi đã được điều chỉnh nhiều nhất, phần lớn do triển vọng ảm đạm đối với nền kinh tế lớn nhất châu lục là Nigeria. Kinh tế Nigeria được dự báo tăng 2,3% trong năm 2016, giảm 1,8 điểm phần trăm so với mức dự báo tăng 4,1% đưa ra hồi tháng 1.
Sự phục hồi gần đây của giá dầu thô sẽ giảm áp lực cho các nhà sản xuất dầu mỏ nhưng IMF cho rằng "không có giá dầu 100 USD trong một thời gian dài nữa". Có một điểm sáng trong dự báo của IMF là nâng dự báo tăng trưởng tại Trung Quốc 0,2 điểm phần trăm trong năm nay và năm tới, sau những dấu hiệu ổn định về "nhu cầu trong nước" và tăng trưởng dịch vụ bù đắp sự yếu kém trong sản xuất. Nhưng sự lạc quan trong ngắn hạn không thể che giấu những lo ngại lâu dài về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế 1,4 tỷ dân này.
![]() |
Brazil cho thấy một nền kinh tế xấu có thể khiến chính trị tê liệt. "Tăng trưởng thấp có thể dẫn đến tăng cường "chủ nghĩa dân tộc" ở các nước giàu", ông Obstfeld cho biết. Chính trị ở Mỹ đang chuyển động chống lại tự do thương mại. Và một lần, Hy Lạp không phải là yếu tố nguy cơ lớn nhất ở châu Âu.
Các cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Liên minh Châu Âu (EU) đã gây áp lực lên chính sách mở biên giới. Khả năng nước Anh có thể rời khỏi EU và sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố. Theo IMF, nếu nước Anh rời khỏi EU sẽ đặt ra một "thách thức lớn" và có thể làm "tổn thương nghiêm trọng trong khu vực và toàn cầu bằng cách phá vỡ các mối quan hệ kinh doanh đã được thiết lập".
IMF có một số biện pháp quen thuộc cho nền kinh tế toàn cầu: giữ chính sách tiền tệ nới lỏng, tăng cường kích thích tài chính và thêm một số cải cách tăng trưởng. Hành động như vậy là cần thiết để bảo đảm chống lại các rủi ro. "Nhưng thế giới cũng nên có kế hoạch dự phòng cho một phản ứng phối hợp nếu một cú sốc tài chính xảy ra. Không còn nhiều chỗ cho sai sót!", ông Obstfeld cảnh báo.
>Kinh tế thế giới: Vẫn rủi ro vì "nặng nợ"
>Lão hóa tác động xấu đến kinh tế thế giới