Một dự án lấn sông Sài gòn bị buộc tháo dỡ |
Tình trạng lấn chiếm
Kết quả rà soát sơ bộ cho thấy, toàn tuyến sông Sài Gòn đã được phủ kín quy hoạch với 83 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ, khu công viên kết hợp với vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ khoảng hơn 454ha. Đặc biệt, trong đó có 76 công trình đã xây dựng ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ sông, rạch. Theo Quyết định số 150/2004 ngày 9/6/2004 của UBND TP.HCM Quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, suối, kênh rạch, mương và hồ công cộng thuộc địa bàn TP.HCM, sông Sài Gòn có hành lang bảo vệ bờ sông rộng từ 30m đến 50m (tùy đoạn). Tuy nhiên, hiện nhiều dự án được cấp phép xây dựng đã vi phạm quyết định này, như Riverside - khu A của Công ty Liên doanh ven sông Sài Gòn có 13 khu nhà ở chỉ cách sông 7,5m, đã được cấp phép từ năm 1995.
Tương tự là 11 lô đất trong đó có 9 khu nhà ở của Công ty TNHH Văn Minh đã được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM thỏa thuận quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 1998 với hành lang bảo vệ bờ sông chỉ có 10m. Công ty TNHH Xây dựng Thế Minh có 17 lô đất, trong đó có 7 khu nhà ở đã được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 từ năm 1998 chỉ có hành lang bảo vệ sông 15m so với 50m như quy định hiện nay. Công ty TNHH Hải Vương có giấy phép xây dựng từ năm 1996 với hành lang bảo vệ sông chỉ từ 12m - 20m cho 8 lô đất, trong đó có ba khu nhà ở. Công ty TNHH Sài Gòn Riviera có một khu nhà phụ trợ cách sông 10m. Công đoàn Công ty Thép Miền Nam có 5 công trình tạm, cách sông 20m. Công ty TNHH Xây dựng Bảo Tiến có 11 lô đất cách sông 26m, Công ty Xây dựng - Kinh doanh Nhà Phú Nhuận có 20 lô đất với hành lang bờ sông chỉ có 20m so với yêu cầu của quy định mới là 50m...
Tại khu dân cư thấp tầng Thảo Điền Sapphire (quận 2), do Công ty CP TDS làm chủ đầu tư đã "vô tư” xây dựng 14 hồ bơi, khu thể dục thể thao với diện tích vi phạm lên đến 1.396,64m2 trên phần đất thuộc hành lang bảo vệ sông Sài Gòn. Đến cuối năm 2018, UBND quận 2 và Sở Xây dựng quyết liệt buộc chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm.
Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do một số dự án được phê duyệt quy hoạch theo nhiều thời điểm khác nhau, có dự án trước năm 2004, nên chiều rộng hành lang bờ sông không phù hợp với quy định hiện hành. Tuy nhiên, sở này cũng thừa nhận, tình trạng lấn chiếm hành lang bờ sông để sử dụng vào các mục đích cá nhân (các công trình phụ trợ, nhà ở), xây dựng bến neo đậu cano, kinh doanh nhà hàng, quán cà phê... còn phổ biến, nhất là tại các khu vực có mật độ đô thị hóa cao, nhưng hiện chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.
Khai thác đi đôi bảo tồn
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - ông Lê Hoàng Châu chia sẻ, TP.HCM hơn nhiều đô thị lớn trên thế giới nhờ hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt chạy len lỏi trong nội đô. Điểm nhấn đặc sắc, độc đáo nhất của Thành phố là hệ thống sông Sài Gòn. Nhưng nhiều năm qua, TP.HCM chỉ đưa ra tiêu chí bảo vệ mà chưa có hướng khai thác phát triển, lợi thế quỹ đất ven sông.
Để không lãng phí nguồn đất này, nên giao quỹ đất cho doanh nghiệp khai thác. Nếu phần đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch cần có quy định buộc chủ đầu tư phải có trách nhiệm xây dựng bờ kè bảo vệ, xây dựng đường ven sông, công viên, cây xanh, công trình dịch vụ phục vụ cộng đồng dân cư và du khách. Đối với các dự án trước đây chưa giao quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, rạch thì cần có chính sách khuyến khích chủ đầu tư dự án đó hoặc mời gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư khai thác để sử dụng hiệu quả quỹ đất.
Để khai thác và bảo tồn thật hiệu quả, vừa qua, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc đánh giá tổng thể 50 đồ án quy hoạch phân khu đã được duyệt dọc hai bên bờ sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7. Nội dung đánh giá là mối quan hệ, tính kết nối về giao thông, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan và sử dụng đất hai bên bờ sông với đặc thù về cảnh quan, môi trường tự nhiên; làm rõ điểm nổi bật về vị trí, cảnh quan và sử dụng đất của từng khu vực; xây dựng đề cương, kế hoạch nghiên cứu để lập điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị hoặc quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan dọc sông Sài Gòn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông...
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM được giao tổ chức lập đề án Nghiên cứu giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế về tự nhiên, cảnh quan và môi trường sông Sài Gòn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Nội dung đề án cần rà soát hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông, xác định những khu vực do Nhà nước quản lý, đất của người dân đang sử dụng để lên phương án khai thác hợp lý.