VCCI: Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền theo pháp luật dân sự |
Bản góp ý của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Bộ Tài chính đã khẳng định qui định này thiếu căn cứ pháp lý, thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Theo VCCI, Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Dự thảo sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP… là các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế 2019 và theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản quy định chi tiết (Nghị định) chỉ được quy định nội dung được giao. Vì Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán và cũng không trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này... nên Dự thảo mà Bộ Tài chính đang soạn thảo chưa có căn cứ pháp lý.
Luật Thuế thu nhập cá nhân cũng chỉ quy định hai chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế, gồm: (i) cá nhân có thu nhập chịu thuế và (ii) tổ chức, cá nhân trả thu nhập. Sàn TMĐT không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán, nên trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế (trong trường hợp này là người bán trên sàn TMĐT).
Luật Thuế giá trị gia tăng cũng quy định hai đối tượng nộp thuế gồm: (i) tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (cơ sở kinh doanh); (ii) tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa (người nhập khẩu). Theo quy định này, thì người bán trên sàn TMĐT là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, qui định của Dự thảo cũng không phù hợp với pháp luật dân sự về xác lập quyền đại diện. Theo Luật Dân sự, quyền đại diện chỉ có thể xác lập theo một trong hai căn cứ: (i) đại diện theo ủy quyền; (ii) đại diện theo pháp luật. Đại diện theo pháp luật của cá nhân chỉ phát sinh khi sàn TMĐT đại diện cho người bán, không thuộc trường hợp quy định tại Luật Dân sự. Còn đại diện theo uỷ quyền chỉ được xác lập trên cơ sở tự nguyện giữa người uỷ quyền và người được uỷ quyền thông qua văn bản ủy quyền. Trong khi đó, Dự thảo lại quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn TMĐT có tính chất bắt buộc, hoàn toàn không phù hợp với pháp luật dân sự.
VCCI: Việc yêu cầu sàn TMĐT thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán tạo ra gánh nặng và tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp |
Không chỉ thiếu căn cứ pháp lý và thiếu tính thống nhất với hệ thống pháp luật, qui định sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cũng chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn TMĐT, tạo ra gánh nặng và tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.
Nhiều sàn TMĐT không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, chẳng hạn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt - người mua trả tiền người bán thông qua đơn vị vận chuyển (shipper) hoặc shipper trả trực tiếp cho người bán và thu tiền từ người mua. Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn về tài chính cho doanh nghiệp khi họ phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng rồi sau đó phải thực hiện thu lại số tiền thuế của người bán. Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT sẽ không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại số tiền thuế mà sàn TMĐT đã đóng thay.
Khảo sát sơ bộ của VCCI với 107 sàn TMĐT cho thấy, mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu năm 2022 của các sàn TMĐT so với năm 2021 nếu thực hiện việc kê khai, nộp thuế thay sẽ tăng 10,65% so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Có tới 69,2% sàn TMĐT cho rằng, việc kê khai, nộp thuế thay là “khó” và “rất khó”; 57,4% lo ngại sẽ phải thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp; 100% cho rằng sẽ gặp khó khăn xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.
Theo VCCI, Dự thảo của Bộ Tài chính cần bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn và việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền theo pháp luật dân sự.