Tiếp sau Hoàng Anh Gia Lai và Tôn Đông Á, Điện Quang đã xuất hiện tại sân cỏ của giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - Ngoại hạng Anh. Đây được xem là chiến dịch quảng bá, xây dựng thương hiệu ra nước ngoài hữu hiệu mà các doanh nghiệp (DN) đang nhắm đến.
Đọc E-paper
Điện Quang "lên sóng"
Tại trận cầu giữa hai đội bóng West Ham và Arsenal ngày 9/4/2016, những tín đồ của môn bóng đá Việt Nam đã rất bất ngờ khi thấy dòng chữ "Led Điện Quang - Made in Vietnam" chạy trên bảng quảng cáo điện tử. Tiếp đó, vào ngày 7/5, trong trận đấu giữa Sunderland và Chelsea, bảng chạy chữ quảng cáo của Điện Quang lại xuất hiện trước hàng triệu người hâm mộ bóng đá Anh.
Ngay sau các trận đấu, hầu như các báo thể thao đều đưa tin về việc Điện Quang "lên sóng" nước ngoài. Thậm chí, trên các diễn đàn, rất nhiều bình luận của người yêu bóng đá thể hiện niềm tự hào khi một thương hiệu Việt Nam xuất hiện tại nơi mà người ta nghĩ chỉ dành cho những tập đoàn lớn, thương hiệu mạnh của nước ngoài.
Các chuyên gia thương hiệu đánh giá đây là bước đi táo bạo trong khi lãnh đạo Điện Quang cho rằng việc này nhằm định vị thương hiệu của DN tại thị trường châu Âu trong hành trình hội nhập thế giới. Bởi đến thời điểm hiện tại, Điện Quang đã xuất khẩu thành công công nghệ sang thị trường Venezuela và đã xuất khẩu sản phẩm ra hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ với báo giới hồi đầu tháng 5, ông Hồ Quỳnh Hưng - Tổng giám đốc Công ty CP bóng đèn Điện Quang cho rằng, dù chưa định lượng được hiệu quả nhưng điều có thể thấy ngay là thương hiệu Điện Quang đã đến được với hàng tỷ khán giả theo dõi các trận bóng của giải đấu này trên toàn cầu.
Ông Nguyễn Trung Thẳng - Chủ tịch Masso Group, người đã tư vấn cho Điện Quang xây dựng chiến lược này cho biết, cái lợi của Điện Quang là không cần bỏ thêm tiền nhưng truyền thông vẫn quảng bá cho chiến dịch khi khắp các mặt báo đều nhắc đến sự xuất hiện của DN tại giải đấu.
Như vậy, thương hiệu Điện Quang một lần nữa lan tỏa trong nước. Để làm mới chương trình, ngoài quảng cáo chạy chữ trên bảng điện tử tại các sân vận động, ông Thẳng đã tư vấn cho lãnh đạo Điện Quang tổ chức các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng mà giải thưởng là các chuyến đi xem giải Ngoại hạng Anh.
Nhưng không chỉ có Điện Quang, trước đó, Hoàng Anh Gia Lai và Tôn Đông Á cũng đã xuất hiện trên các sân cỏ của giải bóng đá nổi tiếng nhất hành tinh này. Năm 2015, Tôn Đông Á đã chi nhiều tỷ đồng để dòng chữ "Ton Đong A - Made in Vietnam" xuất hiện tại 10 trận đấu của giải, kéo dài từ tháng 8/2015 đến hết quý I/2016.
Đây là mùa bóng thứ 2 thương hiệu Tôn Đông Á xuất hiện tại Premier League. Trong chiến lược phát triển DN, lãnh đạo Tôn Đông Á đã xác định: bên cạnh thị trường nội địa và các nước châu Á, mục tiêu là phải phinh phục các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ. Vì thế, việc tiếp cận khách hàng châu Âu và Mỹ thông qua giải Ngoại hạng Anh được xem là khá phù hợp với quy mô công ty.
Với tầm nhìn xây dựng thương hiệu ra quốc tế, năm 2007, Hoàng Anh Gia Lai cũng chọn môn "thể thao vua" làm phương cách tiếp cận khách hàng phương Tây. Việc quảng cáo tại Premier League tuy tốn khá nhiều tiền nhưng giúp tăng uy tín cho thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai không chỉ trong nước mà cả nước ngoài.
Cũng từ chương trình quảng cáo này mà Hoàng Anh Gia Lai đã hợp tác với Câu lạc bộ Arsenal hình thành nên Học viện Arsenal - Hoàng Anh Gia Lai. Học viện này đã góp phần nâng cao uy tín thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai khi trở thành "lò luyện cầu thủ” nổi tiếng với các lứa cầu thủ như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh... mà báo chí ca ngợi suốt mấy năm qua.
Tăng uy tín thương hiệu
Theo đánh giá của các nhà quản trị thương hiệu, việc Điện Quang, Tôn Đông Á, Hoàng Anh Gia Lai quảng bá hình ảnh tại giải Ngoại hạng Anh là nước cờ khôn ngoan, thể hiện tầm nhìn của DN khi tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Phân tích kỹ về chiến lược xây dựng thương hiệu cũng như chiến dịch quảng cáo, ông Nguyễn Trung Thẳng cho rằng, tùy theo mục tiêu DN hướng đến mà chọn chiến lược quảng bá phù hợp. Premier League là giải bóng đá uy tín hàng đầu thế giới mà cả người châu Á và châu Âu đếu rất quan tâm, vì thế, nếu DN muốn phát triển thương hiệu ra thị trường quốc tế thì việc quảng bá ở giải này là rất phù hợp.
Các DN chưa ra thị trường nước ngoài nhưng muốn nâng cao hình ảnh thương hiệu trong nước chọn cách này cũng tốt và uy tín thương hiệu cũng tăng theo. Hơn nữa, người Việt xem giải đấu này rất nhiều nên việc quảng bá của Điện Quang cũng đến đúng khách hàng mục tiêu.
Nhiều lo ngại cho rằng quảng cáo ở nước ngoài sẽ tốn kém hơn so với quảng cáo trong nước. Chia sẻ về vấn đề này, ông Thẳng cho rằng: chưa hẵn như vậy. "Quảng cáo trong nước, DN phải thực hiện trên nhiều kênh, nhiều đài truyền hình khác nhau, rất tốn kém mà chưa chắc khách hàng xem đủ hết các kênh. Trong khi một trận đấu của giải Ngoại hạng Anh có rất nhiều đài phát sóng lại và như vậy, chỉ cần đầu tư một mối thì có thể hưởng nhiều mối. Nếu so sánh về hiệu quả chi phí thì chưa chắc quảng bá ở nước ngoài mắc hơn", ông Thẳng nói.
Đến thời điểm này, chưa có DN nào công bố hiệu quả mà chương trình mang lại nhưng theo các chuyên gia thì chiến dịch quảng bá này có tác dụng tích cực, cho dù là nhắm đến đối tượng khách hàng trong nước hay quốc tế. Bởi Premier League là giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất thế giới, thu hút cả tỷ lượt người xem mỗi mùa.
Đó là lý do mỗi năm, các nhà đài phải bỏ ra hàng chục triệu USD để mong có được bản quyền phát sóng giải này. Và DN cũng vì thế mà bỏ ra hàng tỷ đồng để quảng bá thương hiệu.
>Người mua thị trấn Mỹ kể chuyện PhinDeli
>Giải Ngoại hạng Anh: Không chỉ là chuyện quảng cáo...