Đây cũng là chủ đề xuyên suốt tại Hội thảo khoa học quốc tế mang tên Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS) vừa diễn ra sáng 29/11/2021. Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (SMEDEC2) phối hợp Khoa Chính trị - Hành chính (SPAS), ĐHQGHCM và Tạp chí Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia (NAPA) tổ chức.
Không chỉ là diễn đàn học thuật dành cho các nhà khoa học, quản lý, chuyên gia trong lẫn ngoài nước, sự kiện còn là nơi lắng nghe, đóng góp nhiều ý kiến thảo luận chuyên sâu và thiết thực trong công tác quản trị nhà nước trước những thay đổi của công cuộc CĐS.
Theo TS. Hà Minh Hiệp - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), CĐS trong quản trị quốc gia, nói cách khác là quản trị trong cơ quan nhà nước, đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các nước thế giới. Việt Nam cũng vậy, CĐS là một trong những mục tiêu quan trọng mà Chính phủ, các bộ ngành quan tâm, với các hoạt động hết sức cụ thể trong công tác điều hành của Chính phủ, cũng như của chính quyền địa phương, các bộ ngành, cơ quan…
"Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng rất mong muốn hội thảo là cơ hội để chúng ta có thể nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quản trị số, cũng như xây dựng Chính phủ số. Qua đó, cung cấp và hệ thống hóa các luận cứ khoa học về quản trị nhà nước, các đề xuất về cơ chế chính sách cũng như các kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước dưới tác động của CĐS trong các cơ quan thuộc khu vực công, từ đó đưa ra các định hướng giải pháp nhằm nâng cao năng suất hiệu quả quản trị nhà nước trong giai đoạn hiện nay", ông Hiệp cho biết.
Trong khi đó, Phó giám đốc Phụ trách điều hành NAPA Nguyễn Đăng Quế cho rằng, quản trị nhà nước tốt đã khó, quản trị trong bối cảnh CĐS lại càng nhiều thách thức. Theo ông Quế, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ban hành chiến lược CĐS quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức CĐS song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Hiện, việc chuyển dịch này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giống như công cuộc khai phá kinh tế diễn ra trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo môi trường và không gian phát triển mới cho đất nước.
Ở cấp quốc gia, CĐS là chuyển đổi chính phủ, kinh tế số và xã hội số. Ở cấp địa phương, CĐS là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và công dân số trên địa bàn của địa phương đó. Ở cấp cá nhân, CĐS là chuyển đổi cách tư duy về vai trò của công dân, chuyển đổi về cách hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo đảm quyền và lợi ích của cả hai phía.
Quản trị nhà nước không phải quá trình tác động một chiều từ phía nhà nước, cơ quan quản lý đến đối tượng quản lý. Đó là quá trình tương hỗ nhiều chiều giữa nhà nước, thị trường và xã hội; quá trình đó dưới sự hỗ trợ của CĐS được kỳ vọng sẽ đề ra đột phá cả về lượng và chất.
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi, ý kiến thảo luận chuyên sâu từ các nhà khoa học, quản lý xoay quanh vấn đề chiến lược, quy mô CĐS, rủi ro, nhân tố nào tác động... cũng được nêu ra tại hội thảo.