Doanh nghiệp lớn hái "quả ngọt" từ chuyển đổi số
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khối SME tuy chiếm 96,7% số lượng doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam, 40% GDP, tạo 60% việc làm của cả nước, nhưng do ngân sách hạn hẹp, tác động tích cực của CĐS theo họ là không đáng kể. Số liệu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cũng cho thấy, chỉ 15% DN Việt Nam đang thực hiện CĐS và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh đang đối mặt với thách thức CĐS.
Nhưng trong khi nhiều DN ở TP.HCM bị xáo trộn về quy trình sản xuất suốt thời gian phải giãn cách xã hội (từ ngày 31/5 - 30/9/2021) thì điều đó đã không xảy ra ở Công ty Daikin Việt Nam. Nhờ tập trung xây dựng nền tảng số từ hơn một năm trước, Daikin tổ chức làm việc trực tuyến ngay tuần đầu của giãn cách. Tại tư gia, trưởng nhóm quản lý chương trình số của Daikin Việt Nam - ông Trần Thế Dũng và cố vấn kỹ thuật Huỳnh Nguyễn Tường Thi thuộc Công ty Phát triển Phần mềm Nexlab vẫn trao đổi công việc bình thường qua màn hình, để tiếp tục làm việc với ban lãnh đạo Daikin về mảng dịch vụ.
Nhiều nhân viên của Daikin lẫn Nexlab đã được phân nhóm, cho phép làm từ xa trong nhiều tuần trước khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. "Sáng đầu tiên trong giãn cách, mọi phòng ban từ mảng dịch vụ đến hậu cần, bộ phận sale và tổng đài chăm sóc khách hàng đều phối hợp hoạt động nhịp nhàng, thậm chí đạt năng suất cao hơn dù không cần đến văn phòng", ông Thi cho hay.
Ngoài Daikin, nhiều DN lớn đã gặt hái "trái ngọt" từ công cuộc CĐS. Như trong năm 2020, Vingroup cho ra đời VinShop, giúp kết nối 1,5 triệu tiệm tạp hóa gia đình với các nhà cung ứng hàng hóa, sau khi Vingroup bán chuỗi VinCommerce và VinEco cho Tập đoàn Masan.
Từ năm 2016, The Coffee House giới thiệu ứng dụng gọi thức uống trực tuyến. Đến giờ, ứng dụng của họ đã có hơn 800.000 lượt tải, giúp chuỗi thức uống này tăng trưởng tốt hơn so với nhiều chuỗi khác trong đại dịch vì có hình thức bán mang đi.
Cần tầm nhìn dài hạn khi CĐS
Vốn đầu tư cao hay chi phí vận hành công nghệ đắt đỏ là lý do mà các nhà quản lý Việt Nam hay nhắc đến. Nhiều chủ DN có thói quen dọ giá, mua sản phẩm rẻ về chắp nối. Hệ quả là không có giải pháp tổng thể và đồng bộ. Ví dụ đầu tư 500 triệu đồng cho hệ thống CĐS, nhiều DN vẫn chê đắt và chỉ thoải mái chi trong ngưỡng 5 triệu đồng/phần mềm, hoặc từ 10-100 triệu đồng và thường phải nằm trong gói marketing campaign (quảng cáo tiếp thị).
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản, DN Việt thường vấp phải 5 rào cản trong CĐS: thông tin (30,4%), nhân lực nội bộ có chuyên môn ứng dụng công nghệ số (32,3%), bảo mật dữ liệu (33,9%), cơ sở hạ tầng công nghệ đã lạc hậu (38,9%), chi phí không phù hợp (55,6%).
Một vấn đề cốt lõi là trở ngại nhưng cũng là tiền đề để DN thích ứng và thay đổi: DN Việt Nam sử dụng đến 80% máy móc nhập khẩu có công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990. Phần lớn DN vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều rào cản trong CĐS, chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số và chủ động hơn trước phản ứng của thị trường hay có chiến lược số hóa để đổi mới.
Theo ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh CĐS cho DN nhỏ và vừa (DTS), sự nhất quán của cấp lãnh đạo và quản lý, tính kiên trì là những tố chất không thể thiếu khi DN triển khai CĐS.
Ông Huỳnh Nguyễn Tường Thi cho rằng, sản phẩm và dịch vụ SaaS (phần mềm bán sẵn) chỉ phù hợp với đơn vị có kinh nghiệm áp dụng công nghệ. Vận hành thành công một chương trình CĐS là việc không thể kiêm nhiệm nếu thiếu nghiệp vụ chuyên môn. Nếu CĐS bài bản, việc tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lên đến 25-30%, hoặc cao hơn nữa là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Ngày 28/10/2021 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm.
Vì thế, CĐS không phải ở thì tương lai mà là việc ngay trước mắt DN phải nghĩ đến, nếu muốn tồn tại và phát triển.