Quản trị chuỗi cung ứng xanh

LƯU HÀ DANH| 02/11/2018 06:00

Chuỗi cung ứng xanh (green supply chain) - cụm từ đã trở nên thông dụng trên thế giới từ nhiều năm nay.

Quản trị chuỗi cung ứng xanh

Đây là xu hướng phát triển đáng quan tâm trong thời gian gần đây trên phạm vi toàn cầu, nhưng vẫn là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam.

Chuỗi cung ứng xanh là gì?

Chuỗi cung ứng xanh có thể được định nghĩa là quá trình sử dụng đầu vào thân thiện với môi trường và biến các sản phẩm phụ của quá trình sử dụng thành thứ có thể cải thiện hay tái chế được trong môi trường hiện tại. Quá trình này giúp cho các sản phẩm đầu ra và các sản phẩm phụ có thể được tái sử dụng khi kết thúc vòng đời và sẽ tạo ra chuỗi cung ứng bền vững để giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Những quốc gia, doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư có tầm nhìn xa đều có thể đi tiên phong và góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn để góp phần vào quá trình phát triển bền vững. Ở góc độ quốc gia, chuỗi cung ứng xanh cùng với khái niệm "mua sắm công xanh" là động lực chủ yếu cho tăng trưởng xanh. Ở góc độ DN, chuỗi cung ứng xanh nằm trong chiến lược đầu tư xanh, tức là tạo ra một mô hình kinh doanh cạnh tranh hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên.

Link bài viết

Hiện nay, ở châu Á, người tiêu dùng có xu hướng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm xanh. Đó là do họ bắt đầu nhận thức được việc sử dụng các sản phẩm này không chỉ là một sự lựa chọn, mà là điều tất yếu. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành mới đây với hơn 13.000 người tại 17 quốc gia, khoảng 70% số người tiêu dùng Nhật Bản cho biết họ sẵn sàng chấp nhận trả mức giá cao hơn để được sử dụng các sản phẩm xanh, tiếp theo là Úc với 57% và Singapore là 55%.

Một lý do khác khiến các công ty ở châu Á bắt đầu áp dụng thực hành chuỗi cung ứng xanh là áp lực từ phía các nhà bán lẻ. Ví dụ, các quy định nghiêm ngặt của châu Âu về giảm các chất độc hại (RoHS), chất thải thiết bị điện và điện tử (WEEE) và quy định đăng ký, đánh giá, cấp phép, hạn chế các chất hóa học (REACH) buộc các nhà cung cấp ở châu Á phải thay đổi phương pháp sản xuất, trong khi các chính phủ cố gắng hài hòa luật pháp của mình với thực tế thương mại.

Để có hiệu quả, chuỗi cung ứng xanh cần được thực hiện trong tất cả các giai đoạn, từ khi lập kế hoạch, tìm nguồn cung ứng, sản xuất cho đến khi xuất hàng hóa thành phẩm. Giai đoạn tìm nguồn cung ứng bao gồm việc hợp tác với các nhà cung cấp trong thiết kế các sản phẩm xanh.

Trong giai đoạn sản xuất, DN có thể triển khai từ giải pháp "thiết kế xanh", tức là kết hợp việc xem xét khía cạnh môi trường vào công tác thiết kế và phát triển sản phẩm để mang lại giá trị xanh cho khách hàng, thiết kế bao gói xanh cho đến cải tiến xanh trong quản lý và vận hành kho. Giai đoạn xuất hàng hóa, DN đặt trọng tâm vào việc xây dựng hệ thống vận tải xanh.

Đổi mới xanh

Hiện nay vẫn còn nhiều DN lo ngại việc đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững sẽ dẫn đến tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh. Nói cách khác, làm sao để vừa mang lại giá trị xanh cho khách hàng, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất và có trách nhiệm xã hội cao nhất, vừa mang lại lợi nhuận tốt nhất. Thực ra, giải quyết vấn đề đó không đến nỗi quá khó khăn như nhiều người tưởng.

Có thể thấy, bên cạnh các hoạt động liên quan đến công nghệ môi trường như xử lý nước thải, lọc khói bụi, tái chế phế liệu..., xu hướng đổi mới sản phẩm theo hướng xanh cũng đang là xu thế chung trên thị trường thế giới. Đổi mới xanh đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa việc cải tiến phát triển sản phẩm mới (hàng hóa, dịch vụ), quy trình sản xuất, cơ cấu tổ chức hay giải pháp tiếp thị với việc giảm thiểu tác động có hại đến môi trường bằng cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực tự nhiên. Với việc áp dụng chiến lược đổi mới xanh, DN sẽ sử dụng đúng nguyên vật liệu, công nghệ và quy trình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và kiểm nghiệm các giải pháp mới.

"Thiết kế xanh" chính là khâu đột phá đầu tiên và giải pháp hữu hiệu để đáp ứng những yêu cầu đó, là kết hợp việc xem xét khía cạnh môi trường vào công tác thiết kế và phát triển sản phẩm nhằm cải thiện chất lượng qua toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Hầu hết các tác động đến môi trường có thể tránh được triệt để ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. Chủ động xem xét các yếu tố bền vững ngay từ đầu sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ví dụ, thiết kế sẽ cho biết loại nguyên liệu nào được sử dụng và phương pháp sản xuất nào được áp dụng. Nó cũng ảnh hưởng đến việc tái sử dụng, tái chế hay hủy bỏ.

Như vậy, đổi mới xanh là tạo ra một mô hình kinh doanh cạnh tranh hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn lực sinh thái tự nhiên. Khi tham gia vào quá trình còn mới mẻ này, năng lực của DN sẽ được cải thiện và có động lực để nâng cao uy tín trên thị trường. Điều quan trọng hơn là người tiêu dùng sẽ được sử dụng các sản phẩm "sạch". Nhờ đó, DN không chỉ tạo thêm giá trị từ các sản phẩm và dịch vụ mà còn gia tăng cơ sở khách hàng bằng cách thâm nhập vào những thị trường mới.

Lựa chọn đi theo xu hướng này sẽ giúp DN có nhiều khách hàng hơn cũng như mở rộng được thị trường xuất khẩu, thậm chí có thể thu hút vốn đầu tư từ DN nước ngoài và phát triển bền vững. Ngoài ra, việc đổi mới sản phẩm sẽ giúp DN đón đầu xu thế các quy chuẩn đang ngày càng trở nên nghiêm ngặt cả về khía cạnh sử dụng tài nguyên lẫn kiểm soát quy trình sản xuất, kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản trị chuỗi cung ứng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO