Đây là một trong những chương trình nằm trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện nghị Quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự và chủ trì diễn đàn cùng Đại sứ Hà Lan Carel Richter, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành và ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.
Chương trình cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM, Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, nhà khoa học, chuyên gia và các cơ quan thông tấn báo chí.
Khai mạc diễn đàn, Bộ Trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã chia sẻ những câu chuyện nhìn lại về chặng đường 2 năm thực hiện Nghị Quyết 120 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, xác định những giải pháp trước mắt và lâu dài vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL - một trong những vùng chịu nhiều áp lực của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước được xem là vấn đề cốt lõi để xem xét các chương trình hành động thực hiện nghị quyết 120.
Ông cũng nêu rõ về hai nội dung quan trọng của Hội nghị, đó là: Khai thác quản lí tài nguyên như thế nào và diễn biến của biến đổi khí hậu đang tác động vô cùng phức tạp hiện nay: “Diễn biến của biến đổi khí hậu đang đến nhanh hơn nhiều so với kịch bản mà chúng ta dự báo. Nên cần đánh giá lại hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông đang diễn ra như thế nào để giải quyết bờ sông, bờ biển dựa trên các quy hoạch…”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định.
Đồng thời, báo cáo về tài nguyên nước và giải pháp ứng phó với các sụt lún đất trong khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL ngay sau đó của Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT và Tổng cục phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh: ĐBSCL đang đối diện với những thách thức về tình hình lũ lụt, xâm nhập mặn và sạt lở bờ sông, bờ biển, mà một phần là do đặc điểm địa chất - địa mạo.
Về tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, vào các tháng mùa khô, ĐBSCL chịu tác động mạnh bởi xâm nhập mặn. Đây là đặc tính của vùng, mức độ xâm nhập những năm trước đây có tính quy luật tương đối rõ rệt.
Các thách thức này còn chịu tác động từ các hoạt động kinh tế, xã hội và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các hoạt động khai thác cát trên sông không đúng quy hoạch, diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Sự suy giảm diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn và ngập mặn ven biển, gia tăng hoạt động của tàu, thuyền gây tác động lên bờ sông và nền địa chất yếu của ĐBSCL.
Theo số liệu từ Cục Tài Nguyên nước, phạm vi xâm nhập mặn ngày càng tăng, ranh mặn 4g/l trước đây chỉ vào sâu nhất đến 60km ở các cửa sông Cửu Long ở những năm bị xâm nhập cao, còn nay xảy ra thường xuyên hơn, điển hình đợt xâm nhập mặn kỷ lục năm 2016, chiều sâu xâm nhập mặn cao nhất lên tới 90km.
Tại Hội nghị, cũng có rất nhiều những báo cáo và tham luận đáng chú ý như Báo cáo lũ lụt, xâm nhập mặn, ứng phó với sạt lở vùng ĐBSCL (Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), Giải pháp tổng thể nhằm chủ động giảm thiểu rủi ro do thay đổi nguồn nước và suy giảm bùn cát ở ĐBSCL dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xây dựng các đập trên thượng lưu và sụt lún (GS. Đan Nguyên, Đại học Paris)...
Các đại biểu đến dự đã tích cực tham gia đóng góp các ý kiến thể hiện quan điểm, định hướng phát triển tài nguyên nước, ứng phó thiên tai cho ĐBSCL phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn.
Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện nghị Quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng biến đổi khí hậu.
Không chỉ nhìn lại chặng đường hai năm "quyết tâm" ứng phó với biến đổi khí hậu mà Hội nghị còn là nơi để cởi mở chia sẻ, thẳng thắn đánh giá, nhìn nhận và đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mekong.
Biến đổi khí hậu không còn là câu chuyện của một gia đình, một quốc gia mà đã và đang ở đây ngay lúc này, những tác động cụ thể của nó trở thành mối đe dọa của tất cả các quốc gia trên thế giới. Và Hội nghị phần nào đã mở ra những định hướng mới trong việc nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai ở ĐBSCL nói riêng và vì sự phát triển bền vững của các nước trên thế giới nói chung.