Cuộc chiến công nghệ...
Trong tháng 1/2021, trước khi chuyển giao quyền lực sang tổng thống đắc cử Joe Biden, chính quyền Trump đã tung thêm một “cú đấm” về phía Trung Quốc, khi liệt 9 công ty của nước này vào danh sách những doanh nghiệp có liên hệ với quân đội, nâng tổng số đơn vị trong danh sách này lên 44. Động thái này nối tiếp bởi quyết định thêm 60 công ty của Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ trong tháng 12/2020.
Trong số ấy có nhà sản xuất điện thoại Xiaomi và nhà sản xuất máy bay quốc doanh Comac. Trong khi Comac vốn là trọng tâm trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm sản xuất máy bay thân nhỏ có thể cạnh tranh với Boeing và Airbus, thì Xiaomi trong quý III/2020 đã vượt doanh số bán điện thoại thông minh của Apple. Trước đó, tập đoàn công nghệ Huawei cũng đã bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump hồi tháng 11/2020, các nhà đầu tư Mỹ sẽ buộc phải thoái vốn khỏi bất kỳ công ty nào của Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ trước tháng 11/2021. Trước đó, ba tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc là China Mobile Ltd., China Telecom Corp. Ltd. và China Unicom Hong Kong Ltd. đã bị sàn giao dịch New York (NYSE) hủy niêm yết, buộc các nhà cung cấp chỉ số MSCI Inc, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices phải xóa ba công ty này ra khỏi các chỉ số của họ. Các ngân hàng Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley cũng đã đề nghị hủy niêm yết hàng trăm sản phẩm tài chính tại Hồng Kông liên quan đến các công ty viễn thông Trung Quốc.
Cổ phiếu của các công ty bị liệt vào danh sách mới đây đã lao dốc nặng nề khi các nhà đầu tư tìm cách bán tháo để tránh rủi ro bị hủy niêm yết. Có thể nói đây là đòn trừng phạt khá nặng nề vào các doanh nghiệp Trung Quốc, khi cắt đứt nguồn tài trợ vốn từ các nhà đầu tư khắp thế giới nói chung, các nhà đầu tư Mỹ nói riêng. Đó chỉ là những bước tiếp theo khi các giải pháp ngăn chặn này đã từng được chính quyền Trump đưa ra từ năm 2019.
Dù vậy, chính sách này sẽ có những hạn chế nhất định, khi một số công ty công nghệ Trung Quốc có vốn hóa lớn đang chiếm tỷ trọng lớn trong các bộ chỉ số thị trường quan trọng của nước này và là cổ phiếu ưa thích của các nhà đầu tư Mỹ, như Alibaba, Tencent, Baidu. Nếu đưa các công ty này vào danh sách đen, các quỹ sẽ phải đồng loạt bán ra một lượng lớn cổ phần, sẽ đẩy giá các cổ phiếu này rớt thảm hại, tác động xấu lên thị trường Mỹ và thiệt hại cho các nhà đầu tư Mỹ. Chính vì vậy mà sau khi Bộ Quốc phòng có ý định đưa các hãng Internet này vào danh sách cấm, Bộ Tài chính Mỹ đã tìm cách ngăn chặn.
...Hay những ẩn ý chính trị?
Trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các giao dịch với 8 ứng dụng phần mềm của Trung Quốc, gồm Alipay, CamScanner, QQ Wallet, SHAREit, Tencent QQ, VMate, WeChat Pay và WPS Office. Bộ Thương mại Mỹ sẽ có 45 ngày để thực hiện nhiệm vụ xác định các giao dịch nào sẽ bị cấm theo sắc lệnh trên mà được cho là nhắm vào phần mềm QQ Wallet và WeChat pay của Công ty Tencent Holdings Ltd.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó nhiều ứng dụng xâm lấn toàn cầu và thu hút cả người dân Mỹ, Washington lo ngại xu hướng này sẽ trở thành mối đe dọa với nước Mỹ khi ngày càng có nhiều người sử dụng và có thể lộ những dữ liệu nhạy cảm.
Theo giới quan sát, trước sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó nhiều ứng dụng đang xâm lấn toàn cầu và thu hút cả người dân Mỹ, Washington lo ngại xu hướng này sẽ trở thành mối đe dọa với nước Mỹ khi ngày càng có nhiều người sử dụng và có thể lộ những dữ liệu nhạy cảm.
Trong khi những căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh hạ nhiệt dần kể từ khi hai bên ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, có hiệu lực từ ngày 15/2/2020, cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 bắt đầu loang ra trên toàn cầu, dù việc thực thi cho đến lúc này vẫn chưa có kết quả rõ ràng, thì những xung đột giữa hai cường quốc lại xoáy sâu vào lĩnh vực công nghệ và mở đường trừng phạt tài chính khi phía Mỹ ngăn chặn các công ty Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ.
Dường như Mỹ cũng lo ngại các tập đoàn lớn của họ có thể thất thế trong cuộc đua công nghệ mới với Trung Quốc, đơn cử là cuộc chiến công nghệ 5G giữa Qualcomm của Mỹ với Huawei của Trung Quốc, nên trừng phạt nhắm vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc là cần thiết.
Tuy nhiên, trước tần suất trừng phạt liên tục được đưa ra, một số ý kiến cho rằng chính quyền Trump muốn để lại một di sản khó nhằn cho tổng thống kế nhiệm Biden trong trường hợp ông này muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc. Theo đó, nếu Tổng thống Biden đảo ngược những lệnh trừng phạt ấy thì sẽ được cho là thỏa hiệp với Bắc Kinh và khiến Biden đánh mất sự ủng hộ của dân chúng với tâm lý chống Trung Quốc vô cùng mạnh mẽ.
Dù trong giai đoạn tranh cử, Biden thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh, nhưng nhiều chuyên gia dự báo ông sẽ chọn phương án bắt tay với đồng minh nhằm xây dựng một liên minh chặt chẽ, thay vì áp dụng cách tiếp cận gây áp lực tối đa với Trung Quốc như ông Trump.