Qua miền biên cương Amber xưa

27/01/2013 02:47

Miền biên cương ngày xưa thôi, chứ bây giờ Amber lọt thỏm trong lòng bang Rajasthan. Nhưng chiều muộn lang thang thành quách cũ, nhìn trường thành chạy dài hun hút, nghe gió lộng luồn qua những khung cửa đá già nua, khua lá xào xạc… tôi cứ ngỡ tiếng đoàn hùng binh ngày nao gìn giữ miền biên cương.

Qua miền biên cương Amber xưa

Miền biên cương ngày xưa thôi, chứ bây giờ Amber lọt thỏm trong lòng bang Rajasthan. Nhưng chiều muộn lang thang thành quách cũ, nhìn trường thành chạy dài hun hút, nghe gió lộng luồn qua những khung cửa đá già nua, khua lá xào xạc… tôi cứ ngỡ tiếng đoàn hùng binh ngày nao gìn giữ miền biên cương.

Rajasthan, tiểu bang lớn nhất Ấn Độ, ngày xưa gồm nhiều vương quốc nhỏ. Giờ đã hợp thành một, nhưng những miền đất nhỏ vẫn giữ được nét đặc trưng độc đáo riêng. Trong đó, thành Jaipur nổi tiếng, thủ phủ của bang, lôi cuốn rất nhiều du khách bởi những Thành phố Hồng (Pink City), Lâu đài Gió… Nhưng đến Jaipur, leo lên chiếc xe buýt cũ kỹ cọc cạch rời xa phố thị náo nhiệt về miền quê xa Amber, du khách sẽ được ngắm nhìn những cung điện, pháo đài, trường thành… nhiều trăm năm tuổi giờ vẫn rạng ngời.

Cung điện đầy sao của hoàng hậu

Pháo đài Jaigarh nằm trên đồi Phượng Hoàng vẫn sừng sững canh giữ thành Amber.

Bắt đầu được biết đến từ những năm 967, trở thành kinh đô của vương triều Kachwaha từ năm 1037. Rồi nhường lại vị trí đó cho Jainagara – Jaipur bấy giờ vào năm 1727, miền đất xưa Amber hoang vắng khi vương triều rời đô, kéo theo những cận thần cùng gia quyến. Giờ chỉ còn những dấu cũ. Gọi là pháo đài hoặc kinh thành, vì trong khuôn viên của tường thành vuông vức, tháp canh đồ sộ là một cung điện cùng tên. Được xây dựng năm 1592, cung điện Amber là nơi các vị tiểu vương dòng dõi Singh cùng gia quyến sinh sống, cho đến năm 1727.

Còn nhiều tuổi hơn cả Taj Mahal, Pháo đài Đỏ… nhưng có lẽ vì nằm trong miền đất khô ráo, không xa lắm sa mạc Đại Ấn (sa mạc Thar) nên pháo đài và những kiến trúc cổ của Amber vẫn còn trong tình trạng khá tốt. Gần nửa thiên niên kỷ trôi qua, mấy trăm năm bị bỏ mặc, nhưng lâu đài xưa, cung điện cũ giờ vẫn rạng rỡ. Thật đẹp với những cung Diwan-i-am, Diwan-i-khas, Sukh Niwaas… kiến trúc phối hợp Hindu – Rajput thanh thoát, được làm từ đá sa thạch đỏ, cẩm thạch trắng, gỗ đàn hương, ngà voi…

Ghé đến Sheesh Mahal, du khách sẽ nghe câu chuyện về Sheesh Mahal thật lãng mạn, Cung điện Gương (Mirror Palace) cũng như vẻ đẹp lung linh của nó.

Chuyện kể rằng, có một hoàng hậu rất yêu thiên nhiên, luôn nhớ nhung về thời thơ ấu bên mẹ cha, anh chị, bạn bè… với những đêm sao sáng lung linh. Nhưng quy tắc hoàng gia không cho hoàng hậu hay cung nữ phi tần sống trong những căn phòng có cửa sổ nhìn ra bên ngoài (!?). Theo yêu cầu của vị tiểu vương yêu vợ, các nghệ nhân thời đó đã sáng tạo bằng cách dùng hàng ngàn, hàng triệu những mảnh gương nhỏ ốp lát, trang trí cung điện, nhất là trên trần nhà. Để khi đêm về, chỉ cần thắp lên vài ngọn nến là Sheesh Mahal sẽ lung linh một bầu trời sao; làm rạng rỡ hơn nụ cười hạnh phúc của hoàng hậu…

Lên pháo đài nơi biên cương

Sheesh Mahal, cung điện đầy sao của hoàng hậu với câu chuyện lãng mạn...

Ngất ngây với những sắc màu, kiến trúc tinh xảo của đền đài Amber, tôi ra đến khoảng sân rộng lúc chiều đã thật chiều. Cậu bạn trẻ Hassan mới quen, nhiệt tình giới thiệu Amber, nói “Đó là Jaigarh, cái thứ hai trong ba pháo đài của cả miền Jaipur. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ Amber. Thô mộc, không lộng lẫy tinh xảo như Amber nhưng đó là pháo đài ấn tượng nhất theo-đúng-nghĩa-quân-sự”. Tôi bèn tất tả chạy lên con đường dốc ngược hướng về Jaigarh.

Được xây dựng năm 1726 bởi tiểu vương Jai Singh II, nhiệm vụ của Pháo đài Jaigarh là bảo vệ kinh thành Amber bên dưới, rồi Jaipur sau này. Nằm trên doi đất cao của đồi Phượng Hoàng, trong dãy núi Aravalli, pháo đài có tầm nhìn chiến lược ôm hết cả vùng đồng bằng rộng lớn xung quanh. Không có những lầu đài cung điện như Amber, được làm chủ yếu bằng sa thạch đỏ, Jaigarh là một pháo đài quân sự đúng nghĩa.

Với những tường thành cao, dày, các tháp canh ở các vị trí chiến lược, nhiều khẩu pháo xếp hàng chĩa nòng to đùng qua các lỗ châu mai… Những phiến đá lớn xây nên pháo đài vẫn đỏ sậm, cứng nguyên, sừng sững. Các tháp canh, vẫn hiên ngang thẳng đứng. Chỉ có những khẩu pháo to lớn là cho thấy dấu hiệu của thời gian ăn mòn gỉ, khẩu cannon trên bánh xe được cho là lớn nhất thế giới thời bấy giờ.

Nhìn chiều rơi. Trên cao còn chút nắng hoang hoải, trường thành xa tít tắp kia như đang chạy vào bóng đêm. Gió chiều lộng, rít qua cửa thành hẹp, cứ ngỡ tiếng đoàn hùng binh ngày nào. Tự nhiên tôi nhớ những ngày lang thang miền biên cương phía bắc quê nhà, rồi bật nhớ câu hát cũ: “…mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng,… ra biên cương trong một chiều sương âm u…” Chia tay Amber, không nhớ những cung vàng điện ngọc; chỉ nhớ mênh mang một chiều sương biên cương…

Cùng Delhi, Agra (với Taj Mahal), Jaipur nằm trong Tam Giác Vàng du lịch Ấn Độ. Không xa lắm Delhi (4 giờ đi xe hơi, 6 – 7 giờ đi buýt), đường nhựa, đường xe lửa tốt, nhiều chuyến xe, tàu nên Jaipur được nhiều khách đi tour lẫn tự đi chọn đến. Giá khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống ở đây khá rẻ. Từ Jaipur, đi xe buýt chỉ mất vài ngàn đồng để đến Amber (11km) hay có thể thuê xe, taxi nếu đi theo nhóm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Qua miền biên cương Amber xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO