Tiến hay lùi?

NGUYỄN THỊ MINH TÂM Giám đốc Công ty UNITY - Love work, Love life| 02/07/2010 05:26

Ngoài công cụ Feedback, doanh nghiệp (DN) hiện nay còn hướng đến công cụ mới Feedforward để cân bằng các luồng thông tin phản hồi nhiều chiều.

Tiến hay lùi?

Ngoài công cụ Feedback, doanh nghiệp (DN) hiện nay còn hướng đến công cụ mới Feedforward để cân bằng các luồng thông tin phản hồi nhiều chiều.

Chúng ta vẫn thường nói đến một công cụ “Feedback” khá phổ biến và cần thiết cho các DN. Feedback có thể được hiểu là “cung cấp thông tin phản hồi” hay “góp ý”. Quy trình này thường được bắt đầu bằng việc chỉ ra cho nhân viên thấy những điều họ làm chưa tốt và sau đó góp ý để họ làm tốt hơn hay ít ra là không lập lại sai sót nữa...

Trước kia, cứ nói đến Feedback là chúng ta thường nghĩ đó là công việc của các lãnh đạo, vì sau khi giao việc, lãnh đạo phải theo dõi nhân viên làm việc thế nào để kịp thời góp ý.

Tuy nhiên, sau này, ở một số các công ty, Feedback được diễn ra theo hai chiều, nghĩa là nhân viên cũng cần góp ý với các lãnh đạo, giúp cho các lãnh đạo có những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn. Chúng ta cũng nghe đến Feedback 360 độ, nghĩa là ngoài góp ý hai chiều (lãnh đạo góp ý cho nhân viên, nhân viên góp ý cho lãnh đạo), còn chiều góp ý ngang diễn ra giữa các nhân viên cùng cấp hay đồng nghiệp...

Tuy nhiên, dù là góp ý giữa những đối tượng nào thì cũng có một số mặt hạn chế nhất định. Ví dụ: góp ý thường tập trung vào quá khứ, vào những việc đã xảy ra, mà chúng ta lại không thể thay đổi quá khứ hay thay đổi những việc đã xảy ra... Mặc dù chúng ta luôn cố gắng “góp ý xây dựng”, nhưng đối tượng vẫn rất dễ cảm thấy mặc cảm, bị chạm tự ái và không dễ tiếp thu.

Những điều này cũng chính là xuất phát điểm để Tiến sỹ Marshall Goldsmith tạo ra một công cụ mới là “Feedforward”. Nếu như Feedback tập trung vào quá khứ thì Feedforward lại hướng đến tương lai. Thay vì tập trung vào sai lầm đã xảy ra, đối tượng tham gia vào quá trình, Feedforward sẽ được nhận những ý tưởng giúp họ thành công hơn trong tương lai và họ sẽ cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn và dễ dàng đón nhận hơn.

Một câu hỏi được đặt ra là Feedforward có thể thay thế Feedback không? Bởi vì, nếu như nhân viên phạm lỗi và chúng ta bỏ qua việc nhắc nhở lỗi, thì họ có biết để mà sửa lỗi không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được. Thử lấy một ví dụ: nhân viên A vừa có một buổi báo cáo trước ban giám đốc và nhân viên này đã trình bày rất tệ. Bạn cũng có mặt ở đó chứng kiến tất cả lỗi của anh ấy.

Bây giờ bạn có hai lựa chọn: Một là góp ý xây dựng (dĩ nhiên sẽ phải nhắc lại những điều anh ấy chưa làm tốt và sau đó giúp anh ta làm tốt hơn cho những lần sau). Cách thứ hai là dùng Feedforward, thay vì nhắc lại những điều chưa làm tốt, bạn tập trung vào việc giúp anh ta chuẩn bị những bài trình bày trong tương lai hiệu quả hơn.

Vậy cả hai việc Feedback và Feedforward đều cho anh ta những ý tưởng để thành công hơn. Tuy nhiên, Feedforward sẽ giúp anh ta tránh được mặc cảm có lỗi, cảm giác mất mặt và như thế anh ta sẽ dễ dàng đón nhận những đóng góp hơn.

Ngoài những lý do đã nêu, có rất nhiều lý do để dùng Feedforward thay vì dùng Feedback. Thông thường ở các công ty, mỗi năm nhân viên sẽ cùng ngồi lại với lãnh đạo một đến hai lần cố định để đánh giá hiệu quả công việc, và trong buổi nói chuyện này dĩ nhiên sẽ có những lúc lãnh đạo góp ý với nhân viên (Feedback).

Trong thực tế, dù có những lãnh đạo đã cố gắng góp ý xây dựng nhưng đã có không ít nhân viên vẫn cảm thấy lãnh đạo cố tình bắt lỗi, vạch lá tìm sâu... hơn là thật sự góp ý vì muốn họ tiến bộ. Có nhiều nhân viên còn cảm thấy cuộc nói chuyện với lãnh đạo chỉ nhằm mục đích là chứng minh họ có lỗi. Vậy trường hợp này rõ ràng sử dụng Feedforward sẽ giúp cả lãnh đạo và nhân viên thoát khỏi không khí nặng nề, hướng đến những giải quyết thành công hơn.

Với Feedforward mọi người sẽ đón nhận những ý kiến đóng góp như những lời khuyên khách quan mà họ cần để họ làm tốt hơn. Vì vậy, Feedforward không những là một công cụ hữu ích cho các lãnh đạo, mà còn rất hữu ích cho các nhân viên ngang cấp khi cần đóng góp ý kiến cho nhau.

Không phủ nhận sự cần thiết của Feedback, nhưng Feedforward lại đem đến bầu không khí mới trong việc đóng góp ý kiến trong công việc hằng ngày - một điều cần thiết nhưng ai cũng cảm thấy ngại ngùng và khó khăn khi phải làm. Và hơn hết, hiệu quả công việc sẽ cao hơn nhiều lần khi mỗi ngày, mọi nhân viên trong công ty được sống và làm việc trong bầu không khí thân thiện và vui vẻ, liên tục phát huy sáng kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tiến hay lùi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO