Phát triển đô thị thông minh: Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Hồng Nga| 22/02/2023 03:58

Ngày 21/2/2023, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA) và Liên minh Phát triển Đô thị Thông minh Việt Nam (VSCC) tổ chức “Hội nghị giải pháp tương lai cho đô thị thông minh”.

Theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, đến 2050, 2/3 dân số toàn cầu và 64% dân số các nước châu Á sẽ sống ở đô thị, 80% GDP toàn cầu sẽ đến từ các đô thị. Tốc độ tăng trưởng của thị trường thành phố thông minh toàn cầu là 22,4%, ước tính đạt giá trị 2.800 tỷ USD vào năm 2027. 

Tại Việt Nam, phát triển đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hướng tới phát triển bền vững. Chính phủ xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Theo thống kê của Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, tính đến tháng 12/2022, cả nước có 888 đô thị và đã có 54/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. 

Phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam đang trong giai đoạn đầu và gặp nhiều thách thức như hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị phân tán ở nhiều ngành, thiếu tính nhất quán dẫn đến việc dự báo, định hướng và điều hành gặp khó khăn. Các hệ thống cơ sở pháp lý, quy phạm pháp luật và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan chưa đầy đủ. Đồng thời việc phát triển đô thị thông minh phải có tính chất liên ngành, liên quan tới nhiều lĩnh vực…, nên cần có sự phối hợp đồng bộ. Hơn nữa, phát triển đô thị thông minh yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư lớn và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. 

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam đã chủ động tiếp cận và định hướng phát triển đô thị thông minh từ khá sớm, bắt nhịp với các quốc gia trên thế giới. Còn theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dù phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng các địa phương chủ yếu tập trung vào phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số. Các địa phương chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường…

Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang cho rằng, phát triển đô thị thông minh là một quá trình dài hạn đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sự chung tay của nhiều doanh nghiệp...

Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang cho rằng, phát triển đô thị thông minh là một quá trình dài hạn đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sự chung tay của nhiều doanh nghiệp...

Riêng TP.HCM, thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình, hành động hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Thành phố đã xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, thành lập Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, phê duyệt Đề án thành lập Công ty CP Vận hành Trung tâm An toàn thông tin thành phố. Hiện thành phố cũng tổ chức triển khai thí điểm "Đề án đô thị thông minh" tại quận 1 và quận 12, song song với việc ban hành hướng dẫn mô hình triển khai đô thị thông minh cho các sở, ban, ngành quận, huyện, làm cơ sở để các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai.

Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trong một hội nghị tổ chức hồi tháng 12/2022 cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý chưa rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công - tư liên quan đến đầu tư, đấu thầu, và thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu. Muốn phát triển đô thị thông minh thành công, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ. Chính quyền địa phương cần có những giải pháp để đầu tư về cơ sở vật chất, con người theo hướng trọng điểm, không dàn trải, từng bước xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao để đáp ứng các yêu cầu quản lý, phát triển. Vì đây là quá trình lâu dài, cần tổ chức nguồn lực để triển khai, đặc biệt là cần có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch phát triển đô thị...

Liên minh Phát triển Đô thị Thông minh Việt Nam (VSCC) do Fundacion Metropoli, Điện Quang và Chunghwa Telecom đã được thành lập nhằm tạo ra một đầu mối tập trung giúp các đơn vị tìm ra giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Liên minh Phát triển Đô thị Thông minh Việt Nam (VSCC) do Fundacion Metropoli, Điện Quang và Chunghwa Telecom đã được thành lập nhằm tạo ra một đầu mối tập trung giúp các đơn vị tìm ra giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Theo ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Điện Quang, tại Hội nghị giải pháp tương lai cho đô thị thông minh cho rằng, việc phát triển đô thị thông minh là một trong những động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tại Hội nghị giải pháp tương lai cho đô thị thông minh, Liên minh Phát triển Đô thị Thông minh Việt Nam (VSCC) do Fundacion Metropoli, Điện Quang và Chunghwa Telecom đã được thành lập nhằm tạo ra một đầu mối tập trung giúp các đơn vị tìm ra giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Liên minh này đồng thời hướng đến việc xây dựng một diễn đàn hội tụ các cá nhân, DN, cơ quan chức năng cùng chia sẻ những giải pháp, kinh nghiệm và tạo ra cơ hội hợp tác, xây dựng và phát triển các dự án đô thị thông minh theo hướng dài hạn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển đô thị thông minh: Cần hành lang pháp lý rõ ràng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO