Phong tỏa 2.0 - bài toán khó của hàng loạt nhà sản xuất thực phẩm

Trọng Đại| 18/11/2020 01:45

Các nhà kinh tế học cho biết, người tiêu dùng nhận ra rằng họ không thể lãng phí tiền bạc trong hoàn cảnh hiện tại, do đó họ sẽ rất chặt chẽ trong chi tiêu.

Khi những tin đồn về giai đoạn cách ly xã hội thứ hai tại Anh ngày một lan rộng, Leanne Barnes không khỏi cảm thấy thất vọng khi bánh mỳ và giấy vệ sinh một lần nữa lại trở thành những mặt hàng "nóng". Những kệ bày sản phẩm trong siêu thị địa phương nơi cô đang sinh sống nhanh chóng "cháy hàng". Nhưng cô cũng ngạc nhiên khi những kệ hàng đó lại được lấp đầy chỉ sau vài ngày.

Barnes tích trữ nhiều hàng hóa thiết yếu trong lần cách ly xã hội đầu tiên, thêm vào đó là các loại thực phẩm chế biến tiện dụng như pho mát macaroni, bánh bao ravioli, súp và mỳ spaghetti. Nhưng đến tuần trước, cô cho biết bản thân không cảm thấy việc tích trữ hàng hóa là điều quá cần thiết nữa. Tính tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa xuất hiện tình trạng "mua sắm hỗn loạn" từ phía người tiêu dùng, điều khiến cho các nhà sản xuất thực phẩm đóng hộp phải chật vật mới đáp ứng được đủ nhu cầu của thị trường hồi đầu năm nay. 

Nhiều nhà sản xuất thực phẩm lớn, trong đó có Campbell Soup, Kraft Heinz và McCormick & Co., thông báo họ đã áp dụng một loạt các biện pháp như thay đổi kể hoạch sản xuất, quá trình đóng gói và thậm chí là giá của sản phẩm, qua đó giúp các nhà bán lẻ có thể dự trữ, giảm thiểu tình trạng các kệ hàng trống trơn sau mỗi làn sóng mua sắm "điên cuồng".

Những bước đi của họ gồm mở rộng khả năng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, giảm tỷ trọng phân phối sản phẩm tới các nhà hàng để tăng phân phối cho các cửa hàng tạp hóa, và sản xuất các sản phẩm với bao bì lớn hơn trước. Nhiều kế hoạch thậm chí ngốn của họ rất nhiều tiền.

Nhân viên kiểm tra hàng hóa trên kệ tại một cửa hàng tạp hóa ở Manhattan, New York City, New York, Mỹ hôm 7/8. Ảnh: Reuters.

Nhân viên kiểm tra hàng hóa trên kệ tại một cửa hàng tạp hóa ở Manhattan, New York, Mỹ hôm 7/8. Ảnh: Reuters.

Các nhà kinh tế học cho biết người tiêu dùng nhận ra rằng họ không thể lãng phí tiền bạc trong hoàn cảnh hiện tại, do đó họ sẽ rất chặt chẽ trong chi tiêu. Người tiêu dùng có xu hướng không tích trữ hàng hóa nữa, cho dù các nhà bán lẻ tung ra nhiều hình thức khuyến mại hấp dẫn. Lý do là vì sức khỏe nền kinh tế còn tương đối "yếu" và họ muốn bảo toàn nguồn lực tài chính của mình, theo Benny Mantin - Giám đốc trung tâm quản lý vận tải và chuỗi cung ứng Luxembourg.

Một phân tích của Reuters về giỏ hàng hóa cho thấy người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đang mua sắm ít hơn so với quãng thời gian đầu năm nay, khi làn sóng cách ly xã hội đầu tiên ở nhiều quốc gia bắt đầu. Đối với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, những thiệt hại về mặt kinh tế khi chóng vánh đẩy mạnh khả năng sản xuất là khá nghiêm trọng.

Doanh thu của Beyond Meat trong quý III tăng trưởng chậm lại và công ty, trong ngày 9/11, công bố một khoản lỗ lên tới 19,3 triệu USD, một phần là do chi phí khá cao tới từ việc đầu tư trang bị lại chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu tăng vọt hồi đầu năm nay, bên cạnh đó là xu hướng "ít tích trữ hơn" trong nhưng quý sau đó.

Link bài viết

Chi phí của công ty sản xuất gia vị McCormick liên tục tăng trong hai quý trước đó và được dự đoán bởi Refinitiv, sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn trong quý hiện tại.

"Tôi muốn chia sẻ rằng, ngày hôm nay, chuỗi cung ứng của chúng tôi đang trở nên vững chắc hơn rất nhiều so với hồi đầu năm nay", Lawrence Kurzius - CEO của McCormick, chia sẻ với phóng viên hồi tháng 10.

Kurzius cho biết công ty đã phải thay đổi những sản phẩm ưu tiên như các gia vị không gluten chứa một số các thành phần hương vị phổ biến như gia vị bánh bí đao và bột tẩm ướp taco.

"Điều đó không có nghĩa là chúng tôi sẽ chấp nhận đương đầu với những rủi ro, nhưng tôi cho rằng McCormick cũng như cả ngành công nghiệp này, đang ở một vị thế tốt hơn rất nhiều".

Trong tháng tới, Campbell Soup - công ty chủ quản của sản phẩm nước tương pasta Prego, ước tính chi phí hoạt động của họ có thể sẽ tăng vọt lần đầu tiên trong 5 quý trở lại đây, theo Refinitiv. 

Campbell - công ty vốn đã phải hy sinh một số sản phẩm để dồn trọng tâm cho một số sản phẩm phổ biến hơn, ví dụ như gà và súp khoai tây, đã chi tiêu nhiều hơn cho công tác vệ sinh khử trùng và chi phí nhân công trong quý gần đây nhất và đầu tư 40 triệu USD xây dựng một nhà máy sản xuất bánh quy Goldfish trong tháng 9.

CEO của Campbell Mark Clouse nói công ty đã cho gia tăng các đơn hàng sản xuất súp đối với các đơn vị bên ngoài, nhiều sản phẩm đồ ăn nhẹ tới các nhà sản xuất bên thứ 3, hoặc thậm chí là hợp tác với các công ty đóng gói bao bì trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng mạnh.

Các kệ giấy vệ sinh tại siêu thị Walmart Supercenter, Toronto, Canada, trống trơn hồi tháng 3 vì nhu cầu tăng mạnh. Ảnh: Reuters.

Các kệ giấy vệ sinh tại siêu thị Walmart Supercenter, Toronto, Canada, trống trơn hồi tháng 3 vì nhu cầu tăng mạnh. Ảnh: Reuters.

"Sẽ có đủ súp cho người tiêu dùng trong mùa đông sắp tới", ông chia sẻ. "Bạn sẽ thấy những kệ hàng được chất đầy thậm chí còn nhiều hơn so với hồi tháng 3 khi mà chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các nhà bán lẻ để đảm bảo rằng chúng tôi có sự phân bổ hàng hóa tốt nhất".

Một vài công ty khác cũng phải đối diện với tình trạng chi phí sản xuất tăng cao trong đó bao gồm Procter & Gamble - công ty đang thực hiện sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Charmin với khối lượng cao kỷ lục trong năm nay, và thậm chí đã phải thuê thêm nhiều nhân công hơn để đảm bảo dây chuyền sản xuất hoạt động 24/7.

Đối thủ Kimberly-Clark, nhà sản xuất giấy vệ sinh lớn nhất thê giới, cũng đang phải chứng kiến việc chi phí sản xuất và phân phối tăng lên, trong khi Clorox cho biết trong tháng này rằng công ty "đang đầu tư mạnh mẽ" vào các nhà cung cấp bên thứ 3 và sẽ chuyển hàng tới các nhà bán lẻ trong khoản thời gian ngắn hơn so với trước đó.

Link bài viết

Các doanh nghiệp bao gồm Kraft Heinz cũng đang cho vận hành nhà máy 24/7, và sản xuất những sản phẩm có kích thước to hơn với giá dễ dàng tiếp cận hơn.

"Khả năng tiếp cận các sản phẩm đang là mối quan tâm lớn, điều có thể là lợi thế cho các công ty có khả năng thích ứng nhanh", theo Miguel Patricio - CEO của Kraft Heinz. Ông cho biết nhu cầu cho các sản phẩm như Mac & Cheese 12 gói và tương ớt loại to đang tăng dần.

Patricio cho biết Kraft Heinz đã đẩy mạnh việc phối hợp với các nhà sản xuất bên thứ 3 và tăng sản lượng các sản phẩm sản xuất từ họ thêm 20%, bên cạnh đó là gia tăng công suất của chính công ty lên 20-25%.

Kellogg cho biết công ty đang có kế hoạch đầu tư để gia tăng công suất sản xuất vào đầu năm 2021. Kurzius (McCormick) cũng cho biết công ty đang đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị đóng gói, và thay đổi ca làm việc để nhà máy có thể vận hành 24/7. Công ty cũng tuyển dụng thêm 400 công nhân để tăng công suất của nhà máy.

"Chúng tôi đã đầu tư số tiền tương đương với việc xây dựng một trung tâm sản xuất hoàn toàn mới để có thể đáp ứng được nhu cầu tăng vọt của thị trường trong năm nay", ông chia sẻ.

(Theo Người Đồng hành)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phong tỏa 2.0 - bài toán khó của hàng loạt nhà sản xuất thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO