Những cung đường trong mây

TRẦN THẾ DŨNG - Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM| 18/10/2012 05:25

Đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ, Pha Đin, Hoàng Liên Sơn, Mã Pì Lèng giữa một không gian núi non, mây trời chùng thấp dưới chân và vực sâu “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” trông đến vờn mắt, cái cảm giác chơi vơi, bay bổng xen lẫn nỗi lo sợ vu vơ luôn đeo bám chúng tôi.

Những cung đường trong mây

Đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ, Pha Đin, Hoàng Liên Sơn, Mã Pì Lèng giữa một không gian núi non, mây trời chùng thấp dưới chân và vực sâu “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” trông đến vờn mắt, cái cảm giác chơi vơi, bay bổng xen lẫn nỗi lo sợ vu vơ luôn đeo bám chúng tôi. Thế nên bốn con đèo này trở thành “Tứ đại đỉnh đèo” hiểm trở, ngoạn mục cũng như cao và dài nhất vùng Tây Bắc...

Đọc E-paper

Đèo Mã Pì Lèng trong mùa tam giác mạch

Vừa qua khỏi phần đất Sơn La trên đèo Pha Đin đang chìm đắm trong sương mù tràn về thì đất trời bỗng bừng sáng. Từ đây, quốc lộ 6 dẫn xuống Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên mở ra hai ngã rẽ: một là con đường mới mở, ít dốc cao, rộng rãi, tráng nhựa phằng lỳ.

Lối đi thứ hai, cũng là tuyến đường cũ trước đây với nhiều cua tay áo, chật hẹp, chênh vênh và mặt đường đã bị bong tróc, hư hỏng cùng cây cỏ dại, dây leo bò ra phủ kín, khuất tầm nhìn, dấu hiệu của sự vắng vẻ, không người qua lại.

May mà trong cái không gian hoang dại ấy thỉnh thoảng bắt gặp dưới thung sâu bản làng người H’Mông lan tỏa khói lam chiều như bao lâu nay vẫn thế. Và ven đường còn thấy tượng đài ố vàng, cũ kỹ ghi lại chiến công của hàng vạn dân công, bộ đội ngày đêm kéo pháo, thồ xe tiếp vận khí tài, lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Những con dốc dựng đứng nối với nhau đưa chúng tôi đến tháp tiếp sóng của Đài Truyền hình Việt Nam nằm trên đỉnh cao 1.648m so với mặt nước biển, nơi được xem là đài vọng cảnh ngắm nhìn toàn bộ đường đèo Pha Đin dài 32km hòa quyện với màu xanh núi non, trời đất như chính cái tên của nó: Pha là Trời, Đin nghĩa là Đất mà người xưa đã tôn vinh.

Từ Nghĩa Lộ theo quốc lộ 32 về hướng tây bắc, đi chừng 50km sẽ gặp xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tức là đã đến điểm khởi đầu lên đèo Khau Phạ. Cung đường đèo Khau Phạ vắt qua một nhánh của dãy Hoàng Liên Sơn phóng khoáng những đợt gió mát, xanh um màu lá cây rừng lãng đãng khói sương.

Vậy đó, cảnh đẹp dường như làm khách lữ hành đỡ mệt mỏi, lo lắng vì đường dài hơn 30km vòng vèo như rắn lượn trên vách núi và những con dốc cứ nối với nhau hút thẳng lên đỉnh đèo nằm ở độ cao 1.200m, nơi hằng ngày mây vần vũ bay và người Thái bản địa tin rằng người dưới dương gian gặp oan khúc nếu cầu khấn, tâm sự có thể thấu đến Thượng đế.

Nét đẹp của Khau Phạ mang dấu ấn riêng. Không chỉ bởi đường nét, khúc đoạn, thế núi làm say lòng người, mà còn quyến rũ từ những thung lũng mênh mang, chập chùng ruộng bậc thang.

Nếu mẹ thiên nhiên ban cho vùng sơn cước Tú Lệ, rồi Cao Phạ, Lim Mông phía chân đèo hướng đông nam đất đai phì nhiêu, thoai thoải, nhiều suối nguồn để người Thái, H’Mông khai khẩn lập nên cánh đồng mênh mông và sản sinh giống nếp Tan Lả nổi tiếng; thì nơi cuối đèo thuộc địa phận Mù Cang Chải, cấu trúc địa hình khắc nghiệt, dốc núi lớn, người H’Mông tại xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình phải mở đất, đắp bờ hình thành vô số thửa ruộng gác lên nhau tới tận đỉnh núi như bậc thang lên trời xanh.

Thung lũng Cao Phạ dưới chân đèo Khau Phạ đang mùa cấy lúa

Vào tháng 9, 10, cả một vùng đồi núi Mù Căng Chải như nhuộm sắc vàng rực bởi nắng thu và màu của lúa chín.

Giữa trưa, chúng tôi phóng xe máy từ Than Uyên vượt chặng đường khoảng 70km hướng tới Lai Châu rồi rẽ phải theo quốc lộ 4D sang Bình Lư, tiếp tục đi vài chục cây số đã gặp dãy Hoàng Liên Sơn gồm nhiều đỉnh núi nhọn như mũi lao án ngữ sừng sững trước mặt.

Đèo Hoàng Liên Sơn mà dân địa phương gọi là Ô Quy Hồ hay Trạm Tôn dài gần 50km, xét về địa thế và sự hiểm trở chắc hẳn rất khác đèo Pha Đin và Khau Phạ. Nó bắt đầu gây ấn tượng mạnh với tôi khi chiếc xe ré lên liên tục lúc vượt dốc cua tay áo đầu tiên và mây dần dần sà thấp trên đầu.

Gió núi càng lúc càng thổi mạnh như cuốn chúng tôi vào chuyến đi vô định. Nắng chiều xuống dần, tạo nên những đường nét đổ bóng trên sườn núi Phan Xi Păng, khiến “Nóc nhà Đông Dương” thêm uy nghi, ngạo nghễ.

Đỉnh đèo nằm ở cao độ 2.073m so với mặt nước biển, đồng thời là ranh giới giữa hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Đây cũng là khu vực có khí hậu lạnh lẽo đậm hơn so với phố núi Sa Pa và là “túi gió” hứng chịu những cơn gió ào ạt từ các nơi thổi về.

Dù vậy, lữ khách, người ngồi ô tô, kẻ cưỡi xe máy qua đây hầu hết đều dừng chân vì chẳng mấy khi được dịp ngây ngất ngắm nhìn cung đường đèo khi ẩn khi hiện sau đám mây bồng bềnh và đất trời sâu thẳm vùng Tây Bắc như một bức tranh thiên nhiên khổng lồ trong buổi chiều Mặt trời xế núi.

Những hôm băng giá, sương mù vấn vít, không gì thú vị hơn là vào quán cóc lúp xúp bên đèo, ngồi xuýt xoa, quây quần quanh bếp lửa, thưởng thức bắp, khoai, thịt xiên nướng tỏa mùi thơm phức và lắng nghe chuyện đường rừng, cái thời đèo Hoàng Liên Sơn còn đầy rẫy thú dữ chuyên rình bắt người qua lại.

Không gian rừng ở đèo Ô Quy Hồ thật đáng ngạc nhiên: hoang dại, sâu thẳm trên một địa hình bị chia cắt nhiều tầng, nhiều lớp từ độ cao 1.000-3.000m, đã tạo nên sự đa dạng, phong phú về thực vật, động vật, đặc biệt có nhiều loài quý hiếm và sinh cảnh đặc hữu.

Có lẽ vì thế mà không phải ngẫu nhiên Vườn Quốc gia Hoàng Liên được tôn vinh là “Vương quốc cây thuốc”, “Vương quốc hoa đỗ Quyên” và trên hết là Vườn Di sản ASEAN.

Đi chơi núi, dạo bước trong rừng, ngắm hoa hiện đang được khách yêu thiên nhiên hoang dã lựa chọn mỗi khi ghé thăm Sa Pa, nhưng cột mốc 3.143m trên đỉnh Phan Xi Păng cao nhất Đông Dương mới là khát vọng chinh phục của nhiều người đam mê khám phá.

Một góc đèo Pha Đin và bản làng người H’Mông trong buổi chiều đầy nắng vàng

Nếu Tây Bắc và những cung đường trong mây len giữa núi rừng bạt ngàn biểu hiện sức sống mãnh liệt, thì về phía đông bắc, đèo Mã Pì Lèng trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có vẻ khô cằn, khắc nghiệt. Thế nhưng, chính sự khô cằn ấy đôi khi lại tạo nên cảnh sắc thâm nghiêm, trầm mặc nhưng đầy lãng mạn.

Đèo Mã Pì Lèng “Đệ nhất hùng quan” vùng sơn cước biên cương Việt Nam nằm trên cung đường dài 200km mang tên Hạnh Phúc, nối liền thành phố Hà Giang với các huyện miền núi Đồng Văn, Mèo Vạc... tận cùng phía cực Bắc.

Theo người bản địa, Mã Pì Lèng có nghĩa là đỉnh núi dựng đứng giống sống mũi con ngựa, nhưng nghĩa bóng lại hàm ý: địa hình đèo dốc tại đây hiểm trở tới mức ngựa dù khỏe mạnh đến đâu, khi qua đây cũng phải kiệt sức.

Đèo tuy không dài, chỉ hơn 20km, nhưng hầu hết men theo vách đá thẳng đứng, lởm chởm đá tai mèo, trên độ cao từ 1.200-1.600m trong dãy núi cùng tên Mã Pì Lèng.

Cũng có lúc con đèo vào khúc cua tay áo rồi thả dốc giữa những quần thể toàn núi hình dạng kim tự tháp, đỉnh nhọn nhô cao trong biển mây và dưới vực sâu “ngàn thước xuống” thăm thẳm, con sông Nho Quế mang màu xanh ngọc lục bảo ngày đêm chảy qua hẻm vực Tu Sản màu xám xịt như xẻ đôi núi đá, được xem là thung lũng kỳ vỹ độc nhất vô nhị ở Việt Nam.

Đi trên Mã Pì Lèng đèo heo hút gió dễ khiến cảm xúc chúng tôi rơi vào vòng lẩn quẩn, lo lắng vì sợ tai ương bất ngờ ập xuống nhưng ngay sau đó lại quên lúc nào không hay khi đắm mình trong vẻ đẹp “Mây đạp dưới chân, Trời đụng trán”.

Đây đó những bản người H’Mông chưa tới chục nóc nhà lúp xúp sống cô lập trên sườn núi dựng đứng của đèo Mã Pì Lèng trông rất hiu quạnh giữa lưng chừng trời. Nhà nào cũng có vài thửa đất bậc thang chật hẹp, chênh vênh bên vực sâu để làm ruộng nương hoặc trồng ngô, tam giác mạch...

Hằng tuần, vào ngày Chủ nhật, dân ở đây mang theo gà, lợn con, rượu ngô, nông sản đi chợ phiên Mèo Vạc, vừa có thể đến chợ Đồng Văn cũng chỉ cách đó 10km. Những buổi trưa nắng nóng, dưới bờ suối bên đèo, đám con gái H’Mông ngồi gội đầu, giặt giũ, xung quanh là đám trẻ con nô đùa, vẩy nước vào nhau.

Thi thoảng gặp đôi trai gái ngồi khắng khít trên những phiến đá, hướng mắt về đám mây đang chùng thấp xuống dãy núi Săm Pun xa xa, mặc cho chiều dần buông... Cuộc sống ở lưng đèo thật êm đềm, đơn sơ, dung dị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những cung đường trong mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO