Con đường lúc có lúc không ở Điệp Sơn

PHƯƠNG HÀ| 21/04/2017 06:38

Con đường nối ba hòn đảo này không có trên bản đồ hay hải đồ, cứ đều đặn mỗi 24 giờ nó lại xuất hiện và biến mất theo thủy triều.

Con đường lúc có lúc không ở Điệp Sơn

Con đường nối 3 hòn đảo này không có trên bản đồ hay hải đồ, cứ đều đặn mỗi 24 giờ nó lại xuất hiện và biến mất theo thủy triều.

Đọc E-paper

1. Đó là con đường dài 700m, lúc rộng nhất khoảng 7 - 8m, xuất hiện giữa biển khơi đã vài ba trăm năm mà không hề thay đổi vị trí, kích thước, dù trải qua bao phong ba bão tố. Con đường nối hòn Bịp, hòn Quạ, hòn Ó, gọi tắt là đảo Điệp Sơn chơi vơi giữa vịnh Vân Phong này cũng không có tên gọi.

Từ 4 giờ rưỡi đến 6 giờ hằng ngày (có thể xê dịch theo mùa), khi thủy triều bắt đầu xuống, con đường dần dần xuất hiện với một dải cát sạch sẽ vì đã được chao qua nước biển nhiều lần.

Trong gần hết buổi sáng là lúc con đường nhộn nhịp nhất bởi ngư dân đi bộ từ đảo này sang đảo khác và cũng là lúc du khách tập trung để hưởng cảm giác bồng bềnh được "lội biển", được đùa giỡn với những bầy cá con trong sự hồi hộp xen chút sợ hãi khi thủy triều chưa làm lộ rõ hình hài con đường, rồi sảng khoái như đang đứng trên boong một con tàu lắc lư trôi chầm chậm giữa đại dương lúc nước biển dần dần rời xa con đường vài ba mét, mà sau vài ba mét ấy là đáy vịnh Vân Phong, sâu trung bình 25 mét. Nhưng chớ lo, vì con đường có "cốt nền" thoai thoải vài trăm mét nên không dễ "trượt chân"!

Dạo chơi trên con đường lạo xạo cát sỏi ấy, du khách có thể cùng tham gia đập cá, kéo lưới với ngư dân Điệp Sơn. Nước rút, cá bơi vào gần con đường, lưới được thả trên từng khoảnh biển rồi dùng sào đập nước cho cá giật mình chui vào bẫy. Hay cùng mấy em nhỏ men theo những bãi đá lộ thiên khi triều rút để bắt ốc, bắt sò điệp, bắt con xúc. Con xúc thường nằm trong kẹt đá, bắt về bán làm thức ăn cho tôm nuôi.

Đường dẫn về đảo

Cũng nhờ lúc nổi lúc chìm mà con đường này giúp người dân tiết kiệm thời gian di chuyển giữa ba hòn đảo, bởi nếu theo đường thủy thì phải mất vài ba chục phút tàu ghe, trong khi nước ròng, lội bộ mươi phút là đến nơi. Tiện nhất là những người dùng thuyền thúng hay ghe nhỏ, nếu biển bên này ít cá thì chờ nước rút kéo thuyền qua biển bên kia thả lưới, giăng câu.

2. Ba hòn đảo có tên dân dã là hòn Bịp (do trước đây có nhiều chim bìm bịp), hòn Quạ (nhiều quạ sinh sống), hòn Ó (chim ó biển làm tổ trên các đỉnh núi) được lập thành một làng, gọi là Điệp Sơn, thuộc xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Xưa kia Điệp Sơn chỉ là nơi trú tạm của ngư dân những khi biển động đột ngột hoặc tàu thuyền vào ra khi cần nước ngọt, dần dần người đánh cá tứ chiếng đến đây cư ngụ, nhưng làm nghề biển thì ít, chặt phá rừng để trỉa bắp, trồng sắn, hầm than thì nhiều.

Điệp Sơn từng có rừng già xanh tươi với đủ loại danh mộc bản địa Khánh Hòa, đặc biệt là cây trầm hương, nhưng ngày nay rừng hầu hết là cây bụi. Cũng còn may, nếu tất cả đều trọc lóc thì Điệp Sơn sẽ không còn nước ngọt, hoặc có thì tầng mặt cũng bị nước mặn xâm nhập.

Ở những vị trí thấp nhất trên 3 hòn đảo là những xóm nhà ngói, nhà tranh dưới xum xuê đừa lão, bàng cổ thụ, lạ nhất là cây ghẹo. Ghẹo là loại cây đặc hữu ở Điệp Sơn, hạt có thể nướng ăn, nhưng nếu ăn quá vài hạt sẽ say như kiểu say rượu. Những lão ngư Điệp Sơn kể rằng, trước đây trên cả 3 hòn, dừa nhiều đến mức lá ken dày không thấy mặt trời, phần lớn quả rụng rồi tự mọc, một ít do dân trồng.

Trên đảo còn có loại xương rồng mà thân, hoa, trái đều ăn được. Chính loại xương rồng này trước đây từng cứu đói cho dân làng trong những lúc bị cô lập do mưa bão kéo dài, lương thực dự trữ không còn, hải sản không đánh bắt được.

Con đường mưu sinh và du lịch. Ảnh: Thành Công

Làng Điệp Sơn bây giờ có gần 500 dân, đông nhất là ở hòn Bịp, một nửa sống bằng nghề đánh bắt cá, tôm, mực, ghẹ quanh vịnh Vân Phong vì chỉ có tàu nhỏ và thuyền thúng, một số ít nuôi hàu, nuôi cá bớp ở hòn Quạ, hòn Ó, còn lại quẩn quanh bắt ốc, từ tháng giêng đến tháng 7 âm lịch thì cào rau kim (một loại rong biển làm xu xoa) phơi khô đưa vào đất liền bán.

Điệp Sơn cũng chưa có điện lưới quốc gia, chỉ một máy phát điện duy nhất chạy từ 18 - 21h, một nhà dùng 2 bóng đèn và một tivi mỗi tháng phải trả 120 ngàn đồng tiền điện. Dù vậy dân làng vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng như thờ cúng tiền hiền, thờ cúng ông Nam Hải (cá voi), cúng thần Thành hoàng vào rằm tháng 3 hằng năm.

Cũng như bao làng biển của Việt Nam, vấn đề vệ sinh ở Điệp Sơn vẫn đáng lo ngại. Tập quán không nhà vệ sinh, mọi chất thải đã có biển mang đi trong khi dân cư ngày một đông làm nhiễm bẩn không ít khu vực mà đáng ra là nơi tuyệt đẹp để trẻ con vui đùa, du khách và dân phượt cắm trại. Điệp Sơn còn một nỗi lo nữa là một số ít ngư dân vẫn lén lút dùng mìn đánh bắt cá làm hủy diệt hệ sinh thái quanh đảo, ảnh hưởng đến cả vùng vịnh.

Nhưng đáng lo nhất của dân Điệp Sơn là vấn đề dựng vợ gả chồng. Gần 100 hộ trên 3 hòn đảo hầu hết là thân tộc, họ hàng chưa quá 4 đời nên trai gái yêu nhau không dám cưới hỏi, bởi ai cũng biết không thể sinh con cận huyết, chỉ những ai sang làm việc ở các đảo trong vịnh hay đi làm ăn xa mới có nhiều cơ hội lập gia đình.

>>Làng Kol Sơ Lăl - huyền thoại Tây Nguyên

3. Điệp Sơn là cụm đảo nằm trong vịnh Vân Phong có diện tích khoảng 150.000ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 80.000ha và diện tích đất liền khoảng 70.000ha, được Hiệp hội Du lịch Thế giới (OMT), Chương trình Phát triển du lịch Liên Hiệp Quốc (PNUD) công nhận có đủ các điều kiện tối ưu để phát triển du lịch. Trong chương trình VIE89/003, OMT ghi: "Bán đảo vịnh Vân Phong là một trong những thắng cảnh đẹp nhất khu vực châu Á và Viễn Đông, vượt xa Phuket (Thái Lan) và có thể so sánh với bãi biển tuyệt mỹ ở Sierra Leone (châu Phi). Vịnh Vân Phong là một trong những nguồn dự trữ của du lịch nghỉ dưỡng vùng nhiệt đới".

Vịnh Vân Phong có địa hình phong phú, đặc biệt là hệ thống đảo, bán đảo, vịnh sâu và kín gió, có hệ sinh thái đa dạng như rừng nhiệt đới, rừng ngập mặn, động, thực vật biển nông. Vậy nhưng suýt nữa thì Vân Phong nhiễm độc cả mây lẫn gió nếu năm 2009, lãnh đạo tỉnh không từ chối một khu liên hợp luyện cán thép tại Đầm Môn của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) với vốn đầu tư 11,5 tỷ USD.

Nằm trong "thắng cảnh đẹp nhất khu vực châu Á và Viễn Đông" nhưng Điệp Sơn mới được dân phượt "phát hiện" mấy năm gần đây. Bây giờ thì cụm đảo này đã trở thành một điểm du lịch rất hấp dẫn bởi cảnh quan còn khá hoang sơ, đặc biệt con đường lúc có lúc không và chưa có nạn chèo kéo, chặt chém.

Một lợi thế nữa của Điệp Sơn là rất gần quốc lộ 1A, lại có cầu cảng nên rất thuận tiện cho các công ty du lịch tổ chức tour đông người đi về trong ngày từ bến tàu Vạn Giã. Nếu là dân phượt hay du lịch tự túc thì có thể đi tàu đò, hoặc bao thuyền, cũng từ Vạn Giã, chỉ mất 40 phút. Thích hợp nhất khi du lịch Điệp Sơn là "đi bụi" từng nhóm nhỏ với lều bạt, nước uống để qua đêm trên đảo vì không có khách sạn, nhà nghỉ, còn ăn thì khá rẻ với mực lá nướng, cá nướng, ốc hấp, hẹ hấp, lẩu hải sản một người một bữa chưa tới một trăm ngàn đồng.

>>Môi trường và dân sinh nhìn từ Sơn Trà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường lúc có lúc không ở Điệp Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO