Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 3: Quy hoạch TP.HCM cho thế hệ trẻ tương lai

Mỹ Huyền| 30/04/2021 01:30

TP.HCM đang dần rộng mở với thế giới theo xu hướng toàn cầu, giám đốc trẻ của Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Vũ Chí Kiên đã có chia sẻ thú vị về những đóng góp của mình với mong muốn phát triển Thành phố là “thỏi nam châm” thu hút quốc tế. Trong đó, anh nhấn mạnh đến yếu tố về một thành phố cho thế hệ trẻ.

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 3: Quy hoạch TP.HCM cho thế hệ trẻ tương lai

* Nhìn lại quá trình phát triển quy hoạch TP.HCM qua từng thời kỳ, anh thấy có thay đổi nào?

- Đến nay, việc quy hoạch TP.HCM vẫn mang tính kế thừa. Từ năm 1945, một số đô thị đã mọc lên tại Thành phố theo quy hoạch của người Pháp. Giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước, Thành phố vẫn giữ đúng định hướng phát triển. Điển hình như Thủ Thiêm đã được quy hoạch phát triển vùng đô thị mới. Tuy nhiên, ngày nay, phát triển quy hoạch ở TP.HCM phải linh động để tỷ lệ thuận với tốc độ gia tăng dân số đã gấp ba lần sau hơn 40 năm kể từ ngày đất nước thống nhất.

Thành phố đã phát triển lên 13 quận, chúng ta có thể thấy rõ dấu ấn đô thị tại các vùng huyện và thị trấn thưa người trước kia. Tiềm năng mở rộng của Thành phố còn rất lớn, ngay cả những khu vực đã được phát triển. Những khu vực như Cần Giờ, Củ Chi và phía Đông Thủ Đức... vẫn chờ đón việc phát triển đô thị để đáp ứng nhu cầu mới.

Chi-Kien-6374-1619681463.jpg

* Qua quá trình đó, người trẻ như anh có khát vọng phát triển như thế nào về một thành phố trong hiện tại và tương lai?

- Trong quá trình cống hiến của mình, tôi muốn góp phần giúp Thành phố hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa và trở thành đô thị toàn cầu. TP.HCM đã có sẵn những điều kiện phù hợp vì có tính mở rất cao. Và Thành phố cũng đón nhận người dân từ nhiều vùng miền và quốc tế đến tìm cơ hội việc làm, kinh doanh. Trước mắt, Thẩm Quyến, Thượng Hải, Hồng Kông và Singapore là những bài học phát triển thành công mà tôi có thể học hỏi. Tôi mong muốn TP.HCM là nơi tụ họp nhân tài toàn cầu về và sản sinh ra các sản phẩm trí tuệ như những nơi này.

* Anh có thể nói cụ thể hơn?

- Chúng ta cần có hệ thống quy hoạch rõ ràng và có tính linh hoạt cao hơn vì nhu cầu đầu tư và phát triển sẽ thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, hệ thống quy hoạch phải đầy đủ, theo hệ thống và có tính linh hoạt. Trong khả năng của mình, các năm qua, tôi đã cố gắng phát triển các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và lập bản đồ quy hoạch Thành phố. Trong năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc đã nghiên cứu tự động hóa mô phỏng đô thị dựa trên công nghệ GIS về quy hoạch đô thị, tiết kiệm được nhiều thời gian và chính xác hơn. Ứng dụng này sẽ có tác dụng tích cực trong việc quản lý quy hoạch và tính minh bạch kịp thời cũng cao hơn.

Vũ Chí Kiên sinh ra ở Tây Ninh, là nhân tài trẻ được chọn làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố ở tuổi 33. Kiên tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, thạc sĩ thiết kế đô thị Đại học Kiến trúc TP.HCM. Cao học Đại học Melbourne (Úc). Kiên đã giảng dạy tại Trường Đại học Công nghệ HUTECH từ năm 2011-2014. Sau quá trình này, anh chuyển sang công việc nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc đô thị.

Với mục đích thu hút nguồn lực quốc tế, năm ngoái tôi đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới xây dựng phiên bản tiếng Anh để thông tin rộng rãi đến nhà đầu tư nước ngoài và công dân quốc tế. Gần đây, Trung tâm còn liên kết cùng học viện Massachusetts để thành lập khoa học đô thị tại Thành phố.

* Anh có cho rằng quy hoạch đô thị ở TP.HCM cần phải hướng tới giới trẻ có tinh thần năng động, sáng tạo?

- Khi tham gia công tác quy hoạch phát triển Thành phố, tôi chú trọng nhu cầu của thế hệ trẻ và tương lai. Bên cạnh những nhu cầu cơ bản là nhà ở, việc làm, trường học, giới trẻ có những nhu cầu rất đặc thù cần được đáp ứng. Họ sẽ cần thêm không gian sinh hoạt công cộng, không gian văn hóa và thể dục thể thao. Các không gian này cần được bố trí cụ thể trong quy hoạch đô thị để làm cơ sở triển khai quy hoạch.

[Caption]Bên cạnh những nhu cầu cơ bản là nhà ở, việc làm, trường học, giới trẻ có những nhu cầu rất đặc thù cần được đáp ứng

Thành phố cho tương lai bên cạnh những nhu cầu cơ bản là nhà ở, việc làm, trường học, giới trẻ có những nhu cầu rất đặc thù cần được đáp ứng

Tôi cũng sẽ nghiên cứu về mô hình phát triển đô thị sau đại dịch trên thế giới. Trong tương lai, các đô thị quốc tế có thể dùng mô hình đô thị đảo ngược để phát triển khu vực làm việc xung quanh vùng trung tâm để giãn bớt giao thông. Đây cũng là bài học đáng suy ngẫm cho chúng ta trong việc phát triển thành phố khi con người đã có thêm các nhu cầu mới.

* Có ý kiến cho rằng, phát triển đô thị tại TP.HCM vẫn còn theo “vết dầu loang - thấp tầng”, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở, không gian xanh, giao thông... Anh nhận định như thế nào về việc này? Là một người trẻ tuổi, anh thấy có giải pháp sáng tạo nào nên được áp dụng?

- Tôi đồng tình với nhận định rằng Thành phố đang phát triển nghiêng về hướng mở rộng với các khu dân cư thấp tầng (chủ yếu nhà ở riêng lẻ ở các khu dân cư hiện hữu). Việc này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên đất cũng như thiếu hụt cơ sở hạ tầng xã hội (trường học, cây xanh, đường giao thông).

Tôi cho rằng, TP.HCM cần phát triển nén hơn để hạn chế phát triển theo chiều rộng. Cụ thể, mô hình nhà ở chủ đạo nên được xác định là nhà chung cư. Các chức năng hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện... nên được phát triển cao tầng hơn để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 1: Sức trẻ dấn thân

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 2: Được nhìn nhận là vai trò trụ cột

Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 4: Người lính thời bình và tinh thần lan tỏa cộng đồng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cống hiến cho Thành phố anh hùng - Bài 3: Quy hoạch TP.HCM cho thế hệ trẻ tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO