Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM: Không ai sinh ra là lãnh đạo

KIM YẾN| 09/04/2018 01:02

Mỗi doanh nghiệp có yếu tố bền vững khác nhau, nhưng nếu được dẫn dắt bởi đạo kinh doanh thì mọi việc sẽ khác ngay. Muốn phát triển bền vững, không còn cách nào khác là phải tập hợp được tri thức, trong đó một phần rất quan trọng là tri thức toàn cầu", ông Phạm Phú Trường nói.

Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM: Không ai sinh ra là lãnh đạo

Ông Phạm Phú Trường - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM.

Là người quản lý giàu kinh nghiệm với nền tảng chuyên môn đa dạng trong nhiều lĩnh vực, ông Phạm Phú Trường hiện là Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Trường Lộc - nơi phát triển nhiều dự án kinh doanh resort, khách sạn, khu dân cư nghỉ dưỡng cao cấp như Alma Anoasis Beach Resort hay Đại Phước River Charm rộng 45ha ở Đồng Nai. Đồng thời, ông cũng là CEO công ty tư vấn kinh doanh toàn cầu GIBC.

Ngay từ khi bắt đầu con đường doanh nhân, hình ảnh con người kinh doanh và con người vì cộng đồng luôn hòa quyện trong ông. Là người hành động, quyết liệt, mềm dẻo, diễn đàn CEO Việt Nam Forum do ông và bạn bè sáng lập đã tạo dấu ấn khác biệt và đột phá cho Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM (YBA) nói riêng và TP. HCM nói chung trong những năm qua.

* YBA đang bước vào nhiệm kỳ X với nhiều đổi mới quyết liệt từ mô hình tổ chức đến nội dung hoạt động, là người gắn bó nhiều năm với YBA trong vai trò Phó chủ tịch phụ trách đào tạo, ông có thể cho biết rõ hơn về chiến lược “nâng cao tri thức, trách nhiệm, và hướng ra toàn cầu” của YBA trong nhiệm kỳ mới này?

Được giao nhiệm vụ hoạch định nội dung cho diễn đàn CEO Việt Nam Forum suốt 6 năm qua, áp lực lớn nhất với tôi và các thành viên trong ban tổ chức (BTC) trong năm nay là phải tạo một tầm vóc lớn hơn, đi vào tầm tư duy chiến lược cho CEO Việt Nam Forum. Dự kiến sẽ có một diễn đàn trước sự kiện dành cho startup, tập trung vào lực lượng kế thừa, vì họ chính là những CEO trong tương lai.

Cùng với đó là xây dựng YBA Talks, diễn đàn dành cho doanh nhân trẻ, nơi truyền cảm hứng, dựa trên nền tảng 4.0 đó là mạng xã hội. YBA Talks là hình thức tương đối mới ở Việt Nam nhưng phổ biến thế giới, nâng cao khả năng tự diễn thuyết, khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Đây là sân chơi để giúp mọi người kỹ năng cần thiết, vừa vui nữa vì chia sẻ được những kinh nghiệm, kỹ năng của mình.

Từ tháng 12 đến giờ, YBA Talk đã đạt 5.000 lượt like,75.000 lượt xem, hiệu ứng rất tốt. Có video lên đến 95.000 lượt view. Diễn đàn này sẽ dần mở rộng ra nhiều đối tượng, truyền ngọn lửa tích cực cho tuổi trẻ. Một mặt nắm bắt được xu thế thông tin, một mặt phải chạy theo thời sự, nên cũng phải đầu tư nhiều công sức lắm. Như câu chuyện về Đặng Lê Nguyên Vũ chẳng hạn, trước những làn sóng thông tin trái ngược, những gì ông ấy làm được cho cộng đồng, cho giới trẻ cũng phải được ghi nhận.

Link bài viết

Về chính sách công, đóng góp của doanh nhân trẻ cũng khá nhiều, tuy nhiên cần phải có thêm nền tảng khoa học, dựa trên một bức tranh tổng thể của quốc gia. Hy vọng nhiệm kỳ này sẽ có nhiều nhân tố mới tham gia là người có nghiên cứu, có con số, có thông điệp phản biện gắn với tình hình chung của TP.HCM, chứ không phải góp ý theo kiểu… than khóc, đẩy trách nhiệm lên thành phố, lên chính sách, đó không phải là cách làm đúng.

Đóng góp để có thay đổi tích cực cho môi trường kinh doanh, chính sách hay phải tìm cách đi xuống doanh nghiệp để họ hưởng lợi ngay, như việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng nằm trong chính sách phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân. Chính sách công có điểm rất thách thức, là tổ chức hiệp hội đa ngành, đa nghề, nên YBA phải tìm ra điểm chung để thực hiện, còn đi vào cụ thể thì đã có hiệp hội ngành nghề làm rồi…

Chiến lược của YBA trong nhiệm kỳ này ngoài trang bị kỹ năng, các công cụ quản lý, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung đào tạo tư duy chiến lược và tư duy lãnh đạo, vì đó là yếu tố quyết định sự thành công của một doanh nghiệp.

Nhiệm vụ thứ hai, các hoạt động của YBA sẽ kết nối với các chính sách chung của TP. HCM và Chính phủ, để tạo hiệu ứng tốt hơn cho chính sách, đồng thời có phản hồi khoa học, tránh những tiếng nói đơn lẻ… Mọi thứ đều dựa trên nền tảng trí tuệ, tri thức và trách nhiệm.

Trước đây, hội viên thường nghĩ đơn giản mục đích tham gia là để kết nối, giao thương. Nhưng tôi nghĩ quan trọng hơn là phải có những hoạt động giúp họ thay đổi tư duy, thay đổi cách lãnh đạo, kinh doanh, từ đó sẽ đóng góp được nhiều hơn. Mong định hướng mới này của YBA sẽ giúp doanh nhân làm được điều đó. Mặt khác, vẫn phải bảo đảm các vấn đề “cơm áo gạo tiền” cho YBA vận hành, nên trách nhiệm kỳ này nặng hơn.

* Thay đổi tư duy con người là khó nhất, YBA có những cách đi khác biệt thế nào để hiện thực hóa điều này?

Thay đổi tư duy có 2 hình thức, thứ nhất có môi trường phù hợp từ đó con người tự nhận thức ra, hai là có cú hích rất mạnh để từ đó thay đổi. Diễn đàn CEO Việt Nam Forum bền bỉ suốt 6 năm qua đã thực sự tác động thay đổi tư duy, bắt đầu có ảnh hưởng đến toàn xã hội, có sự quan tâm của các cấp lãnh đạo TP. HCM và của cộng đồng doanh nhân.

Năm 2016, diễn đàn có cả Chủ tịch và Bí thư thành ủy TP. HCM đến dự, chính các hội viên cũng cảm thấy tự hào về chương trình, nội dung được mọi người quan tâm.

Năm nay, CEO Việt Nam Forum sẽ gắn với định hướng quốc gia, giúp doanh nhân hiểu chính sách, hiểu nền kinh tế toàn cầu, để các kế hoạch phát triển của họ bám theo chính sách, đi theo định hướng chung của TP. HCM và quốc gia. Còn YBA Talks tác động đến nguồn cảm hứng, tạo ra động lực để doanh nhân trẻ giữ được nhiệt huyết, tiến tới thành công và đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

Đằng sau đó là những con người tâm huyết, làm việc hết mình cho cộng đồng. Trước tiên phải kể đến Lê Trí Thông - CEO PNJ, Lê Diệp Kiều Trang - CEO Facebook tại Việt Nam, Tiêu Yến Trinh - CEO Talentnet, Trương Lý Hoàng Phi… những con người đầy đam mê với cộng đồng mới ra được chương trình này. Có những hôm 3 - 4 giờ sáng, các bạn còn điện thoại cho nhau tranh luận về ý tưởng mới, làm việc rất cật lực mới ra được những chủ đề khác biệt.

* Đặt ra mục tiêu vươn đến tầm khu vực, toàn cầu cũng là những cuộc tranh cãi quyết liệt?

Cuộc tranh cãi về tư duy 90600 (Hướng đến 90 triệu dân Việt Nam hay 600 triệu dân khu vực ASEAN) khá quyết liệt. Mọi người đặt câu hỏi tại sao phải tư duy 600, trong khi tôi ở TP. HCM, ở Việt Nam?

Toàn cầu hóa diễn ra ngay trong nhà mình. Các doanh nghiệp Thái Lan đã tư duy 600 từ lâu rồi, họ mua lại doanh nghiệp các nước, từ bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng, kể cả taxi, sản phẩm của họ đã đi ra các nước, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ thông tin, chưa thay đổi. Tư duy chỉ 90 thôi đã đối chọi rất lớn với tư duy 600.

Quan điểm của YBA không đưa ra công thức mà chỉ đưa ra cách tiếp cận khác nhau, cách nghĩ khác nhau của các diễn giả. Điều này giúp cho doanh nhân phải học cách tự quyết định sẽ chọn lựa thế nào, lời giải hoàn toàn mở.

Cho tới hôm nay, CEO Việt Nam Forum đã có nhiều nhà tài trợ tự tìm đến để đồng hành vì cộng đồng doanh nghiệp, chứng tỏ diễn đàn đã đạt được những giá trị thực. Người đi dự mong mỏi rất nhiều thứ ở đó, mỗi lần xong họ đặt rất nhiều câu hỏi, đó là niềm hạnh phúc nhưng cũng là áp lực của người làm chương trình.

Link bài viết

* Là người đi xuyên qua hai nhiệm kỳ, theo anh, làm thế nào để quy tụ những người trẻ tiên phong cùng tư duy với nhau để làm được điều gì lớn hơn cho cộng đồng?

Trước đây Trần Đức Huy cùng mình làm CEO Việt Nam Forum, nhưng sau đó Huy tách ra, một số ông em mới vào, vô hình trung ngọn lửa của người đi trước lại truyền cho thế hệ sau. Làm việc xã hội mà, chẳng ai bắt mình cả, nhưng các bạn đều rất chuyên nghiệp, trao đổi suốt ba, bốn tháng mới ra được nội dung, tranh cãi đến nảy lửa mới ra được tiếng nói phù hợp định hướng chung.

Tôi nhớ mãi những ngày đầu tiên khi đưa ra ý tưởng diễn đàn, bình thường gặp nhau vui, ấm áp thật nhưng không giải quyết được vấn đề của tương lai, giá trị đem lại không lớn.

Lúc đó tôi là Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, mới nảy ra ý tưởng CEO Forum. Mọi người rất lo, sợ bán vé không được. Thậm chí lần đầu còn khuyến mãi tới dự sẽ mua được điện thoại Samsung giá rẻ. Nhưng rồi áp lực giảm dần năm thứ hai. Sau đó áp lực chuyển sang nội dung, làm sao ngày càng hay hơn, khi các giới đều quan tâm, có cả chính quyền, các cơ quan quản lý tham gia.

Năm thứ 6 áp lực khủng khiếp hơn, phải có gì vượt bậc, quy mô phải mở rộng. Năm nay sẽ có những diễn giả doanh nhân quốc tế có doanh thu trên tỷ USD, có tầm ảnh hưởng toàn cầu, đem lại cái nhìn rộng mở hơn, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền.

* Trong khi nhiều công ty đang loay hoay làm sao giữ chân nhân tài, làm sao bán được hàng, thì ông lại chủ trương đề cao tư duy lãnh đạo, một cái nhìn trái ngược?

Từng đầu tư nhiều ngành, tôi hiểu nếu có chiến lược tốt mà không biết triển khai cũng bất thành. Tất cả dựa vào năng lực lãnh đạo, kể cả mình không biết quản lý cũng phải biết tìm ra người quản lý giỏi. Khả năng này nếu không có thì cho dù bạn có đội ngũ bán hàng tốt, có chiến lược giỏi cũng chẳng làm được gì.

Học kỹ năng quản lý thì đơn giản hơn. Phải thuyết phục doanh nhân thấy lãnh đạo là vấn đề quan trọng cần phải học. Không ai sinh ra làm lãnh đạo ngay được, kể cả may mắn ngồi vào vị trí lãnh đạo nếu không có khả năng cũng bị loại ra.

Lãnh đạo phải được tôi luyện trong môi trường tri thức, khác biệt giữa lãnh đạo và quản trị là ở đó. Trong lịch sử Việt Nam, đại tướng Võ Nguyên Giáp đâu phải là nhà quân sự, đâu có biết bắn tên lửa, bắt đầu từ mấy chục người, ông xây dựng được đội ngũ tướng lĩnh hùng mạnh, đó là tài năng của nhà lãnh đạo.

* Bằng cách nào ông có thể truyền lửa cho các bạn doanh nhân trẻ để cống hiến không vị lợi?

Các bạn trong ban chấp hành đều có ngọn lửa riêng của mình, trách nhiệm của ban thường trực là tập trung những ngọn lửa ấy đi theo một hướng để trở thành ngọn lửa lớn hơn.

Chúng tôi rất hạnh phúc phục vụ khi thấy những diễn đàn mình tạo ra có được sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân, của xã hội, đó là nguồn động lực rất lớn. Nhiệm kỳ này có một điểm sáng nữa là những thành viên trong ban thường trực đều là những người làm công tác hội một cách thực thụ, chuyên nghiệp, hình ảnh hoàn toàn khác, họ là những con ngươi nói được và làm được.

Sinh hoạt cộng đồng từ thời CLB Doanh nhân Sài Gòn mới có tới giờ, nên đến một lúc nào đó mình quên đi là đang làm chuyện xã hội, cho đó là chuyện bình thường. Khi tham gia công việc xã hội rất lâu thì mình cho rằng đó là phần tất yếu của cuộc sống, làm rất thoải mái, không lăn tăn gì cả. Khi tâm hồn thoải mái thì đóng góp tốt hơn.

Link bài viết

* Áp lực mới hoài có là một thách thức lớn với anh?

Áp lực chính là động lực cho sự phát triển. Tất cả đều từ con người mà ra, có hai cách để làm mới là thay người mới và tự thay đổi mình, phương pháp nào đạt được mục tiêu thì mình sử dụng.

Hoạt động xã hội luôn cần các bạn trẻ có tư duy mới, gánh vác trách nhiệm tập thể. YBA Talks là một mạng xã hội để lúc nào mình cũng có thể xuất hiện bên cạnh các bạn, là ngọn lửa cảm hứng, nuôi dưỡng bằng thông tin tích cực, thường xuyên, điều đó rất quan trọng.

* Câu chuyện phát triển bền vững cũng đang là vấn đề nhức nhối nhất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhất là với môi trường sống, với văn hóa doanh nghiệp?

Tất cả do tư duy hết. Do doanh nghiệp, do nhiều lý do khác nhau buộc họ phải nghĩ ngắn, vì lợi ích trước mắt nên khó cân bằng các giá trị trị khác. Thông thường các doanh nghiệp Việt Nam tỷ đô hoặc đến một quy mô nào đó mới nghĩ đến chuyện bền vững, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa ít nghĩ tới.

Đặt ra vấn đề trách nhiệm với cộng đồng, chúng tôi hiểu mỗi doanh nghiệp có yếu tố bền vững khác nhau, nhưng nếu được dẫn dắt bởi đạo kinh doanh thì mọi việc sẽ khác ngay.

Muốn phát triển bền vững, không còn cách nào khác là phải tập hợp được tri thức trong đó một phần rất quan trọng là tri thức toàn cầu.

(Theo Bizlive - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ TP. HCM: Không ai sinh ra là lãnh đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO