Top 5 phim Việt doanh thu cao nhất thời đại |
Úp mở doanh thu
Mới đây, Chàng vợ của em của cặp đạo diễn và diễn viên Charlie Nguyễn - Thái Hòa lọt vào top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất thời đại, với 86 tỷ đồng. Đứng đầu top 5 ở thời điểm hiện tại là Em chưa 18 với 171 tỷ đồng, tiếp sau đó là Siêu sao siêu ngố với 108 tỷ đồng, Em là bà nội của anh với 102 tỷ đồng và Để Mai tính 2 với 101 tỷ đồng. Đáng kể là trong top 5 có 2 phim công chiếu năm nay là Chàng vợ của em và Siêu sao siêu ngố.
Ngoài ra, năm nay còn có Tháng năm rực rỡ và Lật mặt: Ba chàng khuyết cũng thu được trên dưới 85 tỷ đồng. Song, cũng có phim không đạt doanh thu như mong muốn, đơn cử như trường hợp của Chú ơi, đừng lấy mẹ con chỉ thu được hơn 10 tỷ đồng, trong khi kinh phí là 25 tỷ đồng, khiến nhà sản xuất Dung Bình Dương dọa kiện đôi diễn viên chính Kiều Minh Tuấn - An Nguy. Bởi scandal "phim giả tình thật" của họ trước ngày phim ra rạp được cho là nguyên nhân dẫn đến việc khán giả tuyên bố tẩy chay phim.
Trên thực tế, kể từ tháng 8 đến nay, ngoài Chàng vợ của em và Hoán đổi (công bố thu hơn 20 tỷ đồng sau 4 ngày chiếu), thì Trường học bá vương, Tìm vợ cho bà, Mùa viết tình ca, Bao giờ hết ế... đều kín tiếng về doanh thu, nghĩa là doanh thu không cao hoặc có thể bị lỗ, hay chỉ vừa đủ trang trải kinh phí quảng bá, marketing và "ăn chia" với hệ thống rạp. Đặc biệt, Song Lang nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn, truyền thông lẫn khán giả, nhưng xét về mặt doanh thu thì thất bại.
Đây cũng là điều dễ hiểu, bởi phim nghệ thuật ở Việt Nam thường không kéo được khán giả. Ban đầu Song Lang gieo nhiều hy vọng có thể "xoay chuyển tình thế" vì đề tài liên quan đến cải lương - thể loại văn hóa truyền thống vừa tròn 100 năm ra đời đúng dịp phim công chiếu, cộng với chiến dịch truyền thông rầm rộ, tên tuổi của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân trước đó từng thắng lớn với Tấm Cám: Chuyện chưa kể và Cô Ba Sài Gòn trong chuỗi tác phẩm chủ đề "tôn vinh văn hóa Việt". Và đã có rất nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà bình luận phim uy tín đồng loạt kêu gọi khán giả "phải ra rạp để xem Song Lang"...
Thế nên, thà chấp nhận bị nói là chạy theo mục đích giải trí thuần túy, chứ phần lớn nhà sản xuất không dám "liều" làm phim nghệ thuật. Điều an ủi đáng ghi nhận là Song Lang được chọn đại diện điện ảnh Việt Nam tham gia mục "Asian Future" tranh giải Phim xuất sắc và Tinh thần châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Tokyo (từ 25/10 - 3/11).
Nghịch lý trớ trêu
Có một điều cần lưu ý là doanh thu cao chưa hẳn phim đã hay và doanh thu thấp chưa hẳn là phim dở. Chất lượng phim Siêu sao siêu ngố chỉ đạt mức trung bình, nhưng nhờ có Trường Giang và thời điểm chiếu thuận lợi là vào dịp Tết nên doanh thu đạt 108 tỷ đồng. Tháng năm rực rỡ với câu chuyện đầy ắp hoài niệm, dàn dựng công phu và quy tụ dàn diễn viên tên tuổi cũng chỉ đạt doanh thu 85 tỷ đồng. Song Lang, Mùa viết tình ca, Ống kính sát nhân, 100 ngày bên em... đều có chất lượng cao hơn Siêu sao siêu ngố rất nhiều.
Cảnh trong phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con |
Cũng lưu ý thêm rằng, từng có nhiều bộ phim Việt khiến khán giả thất vọng, dẫn đến sự lựa chọn nghiêng hẳn về phim ngoại nhập. Đơn cử, theo thống kê mới nhất của Boxofficevietnam.com, tính riêng ở hệ thống rạp CGV, trong khi Chú ơi, đừng lấy mẹ con cuối tuần thứ hai sau công chiếu thu được 782 triệu đồng, thì Johnny English: Tái xuất giang hồ cũng khởi chiếu cùng thời gian thu về khoảng 5,6 tỷ đồng, phim hoạt hình Chân nhỏ, bạn ở đâu chiếu tuần thứ nhất đạt 2,7 tỷ đồng, Con nhà siêu giàu châu Á chiếu tuần thứ ba thu được 1,3 tỷ đồng, Kế hoạch đổi chồng (phim Việt Nam) chiếu tuần đầu thu hơn 1,1 tỷ đồng...
Hiện tại có từ 4 - 8 phim ngoại nhập ra rạp mỗi tuần, phim Việt chỉ trung bình một phim mới/tuần, thế nhưng nguy cơ ế ẩm vẫn rất cao. Nói như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm (tác giả cuốn 101 phim điện ảnh Việt Nam hay nhất) thì "không gian rạp chiếu phim đang là xu hướng thời thượng của giới trẻ bây giờ, để phát triển và bật lên được rất khó vì số lượng phim Việt tốt còn quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Minh Hà - nhà sản xuất phim Lật mặt: Ba chàng khuyết từng chia sẻ: "Thị trường điện ảnh trong nước đang khởi sắc và trên đà tăng trưởng. Tuy nhiên, số phim thắng lợi về mặt doanh thu hoặc rơi vào điểm hòa vốn ước chừng chỉ trên dưới 30%. Bởi vậy, để có thể cạnh tranh với các tác phẩm đến từ nước ngoài, nhà làm phim Việt phải có sự đầu tư quy mô và bài bản với mỗi tác phẩm con đẻ của mình trước khi ra mắt công chúng".
Rõ ràng, không có công thức rập khuôn cho thành công về doanh thu của phim Việt. Nhưng muốn khán giả ủng hộ thường xuyên và tích cực thì phải chịu đầu tư và chất lượng phim phải được cải thiện đồng đều.
Thời điểm này đang có hàng loạt phim mới theo nhau ra rạp. Trong đó, Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ), Hai Phượng (đạo diễn Lê Văn Kiệt), Hồn papa, da con gái (đạo diễn Occhiai Ken, diễn viên chính: Thái Hòa và Kaity Nguyễn, công chiếu 28/12) có vẻ được kỳ vọng trở thành "bom tấn doanh thu" nhờ có đạo diễn tên tuổi, dàn diễn viên ngôi sao, nhà sản xuất và phát hành uy tín cùng chiến lược quảng bá bài bản...
Tuy nhiên, chúng có lọt vào top phim Việt doanh thu cao nhất hay không thì... hãy đợi đấy! Biết đâu, những Quý cô thừa kế, Thạch Thảo, Mỹ nhân thần sách..., dạng phim thanh xuân, ngôn tình lại "thắng" trong mùa phim cuối năm.