Chi nhiều mà thu ít
Trước đây, kinh phí để sản xuất một phim Việt chiếu rạp khoảng 10-20 tỷ đồng, gần đây đã vượt mức trung bình ấy gấp rưỡi, gấp đôi. Chẳng hạn như Sám hối có kinh phí 50 tỷ đồng, Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả hơn 46 tỷ đồng, Lật mặt 5: 48h gần 50 tỷ đồng, Trạng Tí phiêu lưu ký hơn 43 tỷ đồng, Kiều và Cậu Vàng trên 30 tỷ đồng.
Đầu tư kinh phí lớn, hẳn nhà sản xuất mong đạt được doanh thu cao, nhưng thực tế có phim được đầu tư rất nhiều tiền nhưng lại chưa đủ hấp dẫn cả nội dung lẫn nghệ thuật để thu hút khán giả.
5 tháng vừa qua của năm 2022, có khoảng 20 phim Việt cũ và mới ra rạp. Trong đó, phim Nghề siêu dễ thu 68,5 tỷ đồng, Bẫy ngọt ngào thu 84 tỷ đồng, Chuyện ma gần nhà thu 58 tỷ đồng, Chìa khóa trăm tỷ thu 68 tỷ đồng, Bóng đè thu 39 tỷ đồng, Mến gái miền Tây thu 8 tỷ đồng, Người lắng nghe thu 2,5 tỷ đồng, Người tình thu 1,2 tỷ đồng, Mưu kế thượng lưu thu 1 tỷ đồng, Những cô vợ hành động thu 420 tỷ đồng, Nhà không bán thu gần 30 tỷ đồng, 1990 thu 22,6 tỷ đồng đồng, Mỹ nhân thần sách thu 168 triệu đồng. Chưa có phim nào đạt mốc 100 tỷ đồng doanh thu.
Các phim Kẻ thứ ba, 578: Phát đạn của kẻ điên, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác đều có kinh phí sản xuất lớn hơn rất nhiều so với những phim chiếu trước đó nhưng thất bại về doanh thu của ba phim này lần nữa đặt ra câu hỏi “Vì sao phim có kinh phí sản xuất lớn mà doanh thu bán vé vẫn thấp?”.
Biết rồi... nói mãi
Cuối năm ngoái, lý giải về nguyên nhân thất bại (lỗ 1 triệu USD) của Người cần quên phải nhớ, nhà sản xuất Charlie Nguyễn thừa nhận phim không chạm vào trái tim khán giả, không phải là nội dung mà khán giả cần. Trước đó, rất nhiều lần giới chuyên môn và khán giả từng chỉ ra điểm yếu đến từ kịch bản, nội dung mà nhiều phim Việt mắc phải. “Có bột mới gột nên hồ”, nội dung kịch bản kém dẫn đến diễn xuất của diễn viên không thuyết phục được khán giả.
Nhiều phim kinh phí cao được chăm chút kỹ về bối cảnh, trang phục, kỹ xảo nhưng nội dung và diễn xuất vẫn bị chê nhiều hơn khen. Như phim Người thứ ba có nội dung nhạt, yếu về cốt truyện với một đường dây kịch bản bất hợp lý và nữ diễn viên chính diễn xuất kém. Phim 578: Phát đạn của kẻ điên cũng bị khán giả chê nhạt về diễn xuất và thông điệp về nội dung không rõ ràng. Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác từ kịch bản, hình ảnh, kỹ xảo, đạo diễn đều chỉn chu và dàn diễn viên nhí xuất sắc, đưa khán giả về với những cảm xúc trong trẻo, thuần khiết nhất của thế giới tuổi thơ và tình thân gia đình. Nhưng Maika ra mắt cùng thời điểm với phim ngoại Doraemon:Nobita và cuộc chiến vũ trụ tí hon 2021 thì rõ ràng là chịu thua thiệt vì “Mèo Ú” là thương hiệu quá mạnh. Và hình như khán giả nhí (cả người lớn) vẫn “chưa quen” với phim thiếu nhi Việt Nam. Bởi bao năm nay, phim thiếu nhi Việt Nam quá hiếm hoi và đã bị phim hoạt hình nước ngoài lấn át.
Phim Bố già đạt doanh thu hơn 400 tỷ đồng là minh chứng cho nội dung và diễn xuất “chạm vào trái tim” khán giả. Thành công của Bố già còn cho thấy, hiệu ứng quảng bá và PR (nhất là hiệu ứng truyền miệng) rất cần được chú trọng. Nhiều phim kinh phí cao (trong đó có Kẻ thứ ba, 578: Phát đạn của kẻ điên) thua còn vì truyền thông kém, mức lan tỏa và tiếp cận khán giả yếu.
Nhiều năm trước, phim Việt Nam thắng lớn dựa vào “ngôi sao phòng vé” thì hiện nay yếu tố truyền thông (và truyền miệng) rất quan trọng bởi mạng xã hội bùng nổ, khán giả tiếp cận phim thông qua Facebook, TikTok. Phim Bẫy ngọt ngào (công chiếu dịp Lễ Tình nhân 14/2) từng “vượt khó” thành công ngoài rạp chiếu nhờ có hiệu ứng thu hút được khán giả trẻ.
Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến doanh thu của phim Việt gần đây là khi dịch Covid-19 được khống chế, giá cả sinh hoạt tăng cao khiến khán giả đến rạp chỉ đạt khoảng 70% so với giai đoạn trước dịch (năm 2019) bùng phát, thế nên phim nào có nội dung và có hiệu ứng truyền thông tốt thì có thể đạt doanh thu cao. Thực tế, thời điểm này vẫn có phim nước ngoài chiếu tại Việt Nam đạt doanh thu cao, thậm chí vượt mốc 100 tỷ đồng hoặc gần 200 tỷ đồng, như Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn.
Thiết nghĩ, thay vì cho rằng nhà rạp không ưu tiên phim Việt hay nghi ngờ khán giả quay lưng với phim Việt, thì nhà sản xuất nên đầu tư hơn nữa cho nội dung và diễn xuất để tác phẩm “chạm được vào trái tim” khán giả. Mong rằng, phim Em và Trịnh có kinh phí gần 50 tỷ đồng, hay Thanh Sói với hơn 46 tỷ đồng sắp ra rạp gặt hái được doanh thu tốt, xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” và tâm huyết, sự đầu tư (sản xuất, truyền thông) của những nhà làm phim.