WTO giảm ảnh hưởng
Thành lập năm 1995 để thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu, giúp khối lượng thương mại tăng hơn gấp đôi và mức thuế trung bình trên thế giới giảm còn 9%, giúp hàng tỷ người thoát nghèo nhờ tham gia vào nền kinh tế chung, nhưng vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang ngày càng giảm sức ảnh hưởng và dần trở nên lạc hậu trước những biến động trong thương mại toàn cầu.
Theo giới phân tích kinh tế, Covid-19 và tranh cãi về cơ chế đồng thuận tạo ra hàng loạt thách thức với WTO, khiến tổ chức này ít khi tìm được tiếng nói chung. Với 164 thành viên, mọi quyết định lớn nhỏ đều phải đạt được sự đồng thuận của toàn thể thành viên.
Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, WTO chưa đạt được thỏa thuận thương mại nào mới. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt khi Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, chặn bổ nhiệm thẩm phán tại Cơ quan Phúc thẩm Thường trực WTO với lý do chính sách nội bộ bị can thiệp quá mức.
Căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng trong các cuộc đàm phán về vaccine ngừa SARS-CoV-2 tại tổ chức này trong thời gian gần đây minh chứng rõ nhất về sự chia rẽ, trong đó Washington muốn loại Bắc Kinh khỏi thỏa thuận về sản xuất các phiên bản dùng chung vaccine chống dịch Covid-19 của Moderna và Pfizer. Trong khi đó, Ấn Độ và Nam Phi ủng hộ đề xuất miễn trừ áp dụng luật bảo vệ sở hữu trí tuệ cho vaccine và thuốc điều trị nCoV, nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine cho các nước thu nhập thấp và vừa.
Những thách thức như ứng phó đại dịch Covid-19, hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề an ninh lương thực ngày một đáng lo khi chiến sự ở Ukraine gây thiếu hụt nguồn cung, chống biến đổi khí hậu hay trữ lượng cá toàn cầu dần cạn kiệt, duy trì lệnh cấm thuế thương mại điện tử vẫn còn nguyên tính cấp bách. Nhiều quốc gia thành viên đang mong muốn thảo luận nghiêm túc về cải cách toàn diện WTO để giải quyết những vấn đề ấy.
Thách thức phi toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa diễn ra trong những thập niên qua đã dẫn đến xu hướng chuyển dịch ngành sản xuất giữa các nước phát triển và các quốc gia mới nổi, theo đó hàng hóa được vận chuyển thông qua các chuỗi cung ứng giúp giảm chi phí sản xuất. Đổi lại, người tiêu dùng phương Tây được hưởng lợi từ các sản phẩm dồi dào và giá rẻ. Trong khi đó, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác đã tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa để phát triển kinh tế và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Giờ đây, thế giới lại đứng trước thách thức phi toàn cầu hóa, mà sự kết thúc xu hướng toàn cầu hóa có thể không đến từ các quyết định kinh tế, mà đến từ lựa chọn chính trị.
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ nổi lên trong những năm gần đây tại nhiều quốc gia, một số chính phủ vì sức ép đã ngả về chủ nghĩa cách ly, mà khởi đầu là Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chính sách "Nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Kể từ đó, quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng, sau đó là giữa Mỹ và châu Âu... Rồi đại dịch Covid-19 đã khiến toàn cầu chia rẽ hơn.
Các quốc gia ngày càng hướng trọng tâm kinh tế vào trong nước, tìm cách bảo vệ và thúc đẩy các ngành công nghiệp của chính họ thay vì hệ thống thương mại mở mà WTO đã thiết kế. Những nền kinh tế lớn như Mỹ và EU chuyển dịch từ toàn cầu hóa sang xu hướng đưa chuỗi sản xuất về nước hoặc ưu tiên cho những đối tác cùng đồng minh thân thiết.
Quá trình toàn cầu hóa rõ ràng đã dừng lại hơn một thập niên trước, thay vào đó là những nghịch lý của phi toàn cầu hóa. Theo WTO, dự báo mức trao đổi hàng hóa sẽ tăng 3% vào năm 2022, thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu, có thể là 4%. Nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy thương mại đã tiến triển chậm hơn so với sản xuất. Điều này cho thấy hình thức phi toàn cầu hóa đang hình thành.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phi toàn cầu hóa, như nhu cầu sản xuất gần gũi hơn với người tiêu dùng, mức lương tăng ở các nước mới nổi, sự tập trung của các nhà sản xuất Trung Quốc vào thị trường nội địa của họ, nhận thức về sự mong manh của các chuỗi sản xuất kéo dài... khiến chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại ở nhiều nước.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc chia tách các nền kinh tế và chuỗi cung ứng của thế giới thành những khối chính trị sẽ gây ra hậu quả tai hại. Trước đó, WTO ước tính việc chia thế giới thành hai khối kinh tế sẽ làm giảm 5% GDP toàn cầu trong dài hạn. Dù vậy, phi toàn cầu hóa cũng có thể mang lại những cơ hội và cả rủi ro. Đây có thể là cơ hội để xây dựng một mô hình kinh tế bền vững hơn, dựa trên các ngành công nghiệp địa phương và chuỗi cung ứng ngắn hơn, ít tiêu tốn năng lượng hơn.