Với chủ đề: “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”, Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học công nghệ (KHCN). Với mong muốn thị trường này thực sự trở thành con đường hiệu quả nhất, biến KHCN thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cho biết, Đảng ta luôn xác định, phát triển và ứng dụng KHCN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là một trong 3 đột phá chiến lược. Việc phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
“Việc phát triển thị trường KHCN phải lấy khoa học là nền tảng, nhà khoa học là động lực, doanh nghiệp là trung tâm, phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, thủ tướng nêu rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về thị trường KHCN, tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để thị trường KHCN phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Thứ hai, triển khai hiệu quả 2 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030 theo Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội trong phát triển thị trường KHCN.
Thứ tư, tập trung xây dựng và triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ hợp tác công tư và nghiên cứu của tư nhân vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Thứ sáu, xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái KHCN, thị trường KHCN đồng bộ, toàn diện hơn nữa.